Kịch múa Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa…

3741-16-nghe197

NSND Chu Thúy Quỳnh trong vở “Tấm Cám” – vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2012, kịch múa “Sương Sớm – The Mist” – sản phẩm kết hợp của nhiều biên đạo múa trong và ngoài nước “trình làng” đã tạo được tiếng vang trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Sự kết hợp giữa múa đương đại và dân gian truyền thống đã mang đến những cảm xúc thẩm mỹ mới cho người xem. Kịch múa đã trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu hơn. Và có lẽ, đã lâu lắm rồi, nền nghệ thuật múa Việt Nam mới có được một kịch múa để lại nhiều ấn tượng như thế…

1. Kịch múa được coi là hình thức múa đỉnh cao nhất trong các hình thức biểu hiện của nghệ thuật múa. Một nền nghệ thuật múa tiên tiến không thể vắng bóng những vở kịch múa trên sân khấu chuyên nghiệp. Kịch múa Việt Nam đã có một thời “hoàng kim” với nhiều tác phẩm đỉnh cao như “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Tấm Cám”, “Huyền thoại mẹ”, “Chị Sứ”, “Cánh chim biên giới”… Đây là những tác phẩm được xếp vào cụm các tác phẩm xét Giải thưởng Nhà nước. Điều đáng nói là những tác phẩm trên ra đời khi nền nghệ thuật múa Việt Nam mới ở những nấc thang đầu tiên trên con đường phát triển. Đã có thời kỳ, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kịch múa phát triển khá sớm so với các nước trong khu vực và châu Á. Nhưng thật đáng buồn khi hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà những vở kịch múa chúng ta xây dựng được có lẽ không vượt qua con số 20.

Cuối năm 2012, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, vở kịch múa mang tên “Mệnh trời tình đất” ra mắt vào dịp Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Việt Nam. Đúng 50 năm sau ngày vở kịch múa “Tấm Cám” – tác phẩm kịch múa đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh – được công diễn thì đứa con tinh thần thể loại kịch múa thứ hai của nhà hát mới cất tiếng khóc chào đời. NSND Ứng Duy Thịnh – tác giả kịch bản xúc động nói rằng “Vở kịch múa “Mệnh trời tình đất” sẽ phải ngủ yên trên giá sách nếu không được các biên đạo, nhạc sĩ, diễn viên tài năng tận tâm đánh thức, thổi hồn tạo thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị“.

Hiện nay, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Tp HCM là hai đơn vị chủ yếu có chức năng dàn dựng tác phẩm kịch múa phục vụ công chúng. Mỗi năm, hai nhà hát này dàn dựng và cho biểu diễn các tác phẩm múa với số lượng rất khiêm tốn (dao động từ 3 – 4 vở), bởi ngoài chức năng dàn dựng kịch múa và các chương trình nghệ thuật khác, nhà hát còn phải duy trì đội ca, dàn nhạc giao hưởng… Bên cạnh đó, kịch múa mà hai nhà hát sử dụng thông thường là dựng lại những tác phẩm kinh điển của ballet thế giới như Nga, Mỹ, Pháp… Những tác phẩm đó mang nội dung của nước ngoài, dù hay nhưng khó tạo được sự gần gũi và đồng cảm của công chúng Việt. Mặc dù cũng xuất hiện một vài tác phẩm kịch múa xây dựng trên cốt truyện Việt Nam và do chính biên đạo Việt Nam dàn dựng nhưng những tác phẩm như thế chỉ tính trên đầu ngón tay.

3741-16-1canh197-450

Một cảnh trong vở kịch múa “Sương sớm”

Đáng kể nhất là sự ra đời của bốn vở kịch múa: “Nguồn sáng” (biên đạo: NSND Anh Phương, Hồng Phong – Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam); “Một thời và mãi mãi” (biên đạo: NSƯT Lê Huân, NGƯT Bá Thái, NS Hồng Hà – Hội nghệ sĩ Múa Đà Nẵng); “Đất nước” (biên đạo: NSND Ứng Duy Thịnh – Nhà hát Quân đội); “Chuyện tình non song” (biên đạo: NSND Việt Cường, NSƯT Kim Quy – Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Tp HCM) chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Không thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật và ý nghĩa chính trị của những tác phẩm kể trên, nhưng phải thấy rằng, mảng đề tài được khai thác còn hẹp, chủ yếu khai thác mảng đề tài chiến tranh (3/4 tác phẩm). Mảng đề tài về con người mới và công cuộc xây dựng CNXH với những vấn đề đang đặt ra, nét đẹp trong văn hóa các dân tộc Việt Nam… chưa được khai thác. Chính sự thiếu hụt về số lượng tác phẩm, nội dung phản ánh chưa thể hiện được hơi thở, nhịp sống của thời đại mới đã làm cho kịch múa còn khá xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật múa.

Chiến thắng mùa hoa đào” và “Ngọn lửa Hà thành” là hai kịch múa được dàn dựng trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội . Đây là những vở kịch múa lịch sử đầu tiên của Việt Nam, có quy mô hoành tráng, sử dụng ngôn ngữ múa dân gian đương đại để thể hiện. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng “Chiến thắng mùa hoa đào” và “Ngọn lửa Hà thành” cũng không thoát ra khỏi lối mòn trong cách kể chuyện để tạo bước đột phá mới khi tiếp cận mảng đề tài lịch sử.

Cũng trong dịp này, “Mối tình thành cổ” – tác phẩm múa dựa trên câu chuyện lịch sử “Mỵ Châu – Trọng Thủy” cũng được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đầu tư dàn dựng dưới bàn tay của biên đạo múa người Pháp Bertrand D’at. Điều đặc biệt ở balett “Mối tình thành cổ” là biên đạo Bertrand D’at đã khai thác thành công tình yêu xuyên thời gian, khát vọng hướng tới hòa bình của nhân loại, vượt qua ranh giới của một truyền thuyết. Nó đi từ hiện tại trở về quá khứ như một giấc mơ. Tuy nhiên, góc nhìn của một người nước ngoài về lịch sử dân tộc Việt Nam, cách tư duy và phát triển cốt truyện của họ đôi khi xa lạ với tư duy và tiềm thức của người Việt.

2. Làn sóng biên đạo trẻ, nhất là tác phẩm múa của các biên đạo được học tập, đào tạo ở nước ngoài như một làn gió mới thổi vào nền nghệ thuật múa Việt Nam. “Dấu trừ” là vở múa của biên đạo thành danh ở nước ngoài – Ngọc Anh. Lần đầu ra mắt khán giả Việt Nam vào tháng 1/2011, “Dấu trừ” đã tạo được ấn tượng, nhất là khán giả trẻ với quan điểm “sống chậm lại” trong một thế giới chuyển động quá nhanh, nơi công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Kịch múa “Sương sớm” cũng có sự góp mặt của nhiều biên đạo múa được học tập, công tác ở nước ngoài như nghệ sĩ Tấn Lộc, NSƯT Ngô Thụy Tố Như, nghệ sĩ Ngọc Anh (Học viện Nghệ thuật Hong Kong), nghệ sĩ Ngô Thanh Phương (tốt nghiệp Trường Folkwang University of the Arts), nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải (từng làm việc 5 năm ở châu Âu)… Tư duy của những người trẻ có sự bứt phá, thể hiện sự tìm tòi, trải nghiệm của họ trong cuộc sống hiện đại. “Sương sớm” được người trẻ đón nhận vì hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù chăm chỉ qua ngôn ngữ múa đương đại đặc sắc nhưng cũng đậm chất truyền thống.

Chuyện kể những chiếc giày” ra mắt năm 2011 lại mang đến một góc nhìn khác về nghề múa. Đạo diễn Tấn Lộc đã rất giỏi khi bằng ngôn ngữ múa hiện đại đầy kỹ thuật và cảm xúc mang đến cho người xem những cung bậc của niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc của nghề múa… Tuy nhiên, tính dân tộc trong những tác phẩm múa của họ mới chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, tức thông qua đạo cụ, trang phục, trang trí sân khấu mà không phải ở ngôn ngữ múa. Sự giao thoa quá nhanh và sự phát triển quá mạnh mẽ của dòng chảy múa đương đại khiến chúng ta phải lo lắng về sự mai một của múa dân gian dân tộc.

3. Kịch múa Việt Nam vẫn đang loay hoay đi tìm cho mình một chỗ đứng trong lòng khán giả. Một thực tế là, nhiều vở múa có giá trị nghệ thuật cao, được đầu tư nhiều, dàn dựng hoành tráng công phu nhưng vẫn vắng khán giả. Những người đến xem múa, phần lớn là dân trong nghề. Họ đến xem múa để học kinh nghiệm, hoặc là đi để cổ vũ đồng nghiệp, người thân của mình. Số còn lại là “khách Tây” hay những doanh nhân thành đạt. Tình trạng “thừa ghế, thiếu người xem” diễn ra phổ biến với nghệ thuật múa, đặc biệt là kịch múa.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự thiếu vắng đó?

Phải chăng do số lượng kịch múa được đầu tư dàn dựng quá ít?

Phải chăng giá vé xem một vở kịch múa là quá cao so với thu nhập của người dân?

Hay chúng ta còn chưa đánh giá đúng mức vai trò của kịch múa và đang thiếu một chiến lược phát triển kịch múa?

Hay kịch múa Việt Nam hôm nay còn chưa thể hiện được bản sắc, cốt cách tâm hồn dân tộc nên chưa tìm được sự đồng điệu cảm xúc của công chúng?

NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từng chia sẻ: “Kịch múa Việt Nam vẫn chưa thực sự có chỗ đứng trong lòng khán giả. Ngành Múa cần có một chiến lược dài hơi trong việc xây dựng những kịch múa dân tộc – hiện đại để quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mong chờ một nền ballet đặc sắc Việt Nam như rất nhiều quốc gia trên thế giới đã làm được“. Thiết nghĩ, đó cũng là mong mỏi, hy vọng của nhiều nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật múa trên khắp cả nước.

Phạm Mạnh Tường

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*