Thán 2021 – Biên đạo Nguyễn Duy Thành

“Thán” là sự kết hợp đặc biệt giữa nghệ thuật múa đương đại và tuồng, tạo nên một không gian được tạo dựng rất cao và rất sâu như một vũ trụ. Ở đó, biên đạo Nguyễn Duy Thành dường như kể lại hành trình đi tìm kiếm niềm tin trong vũ trụ ấy. Nhưng dù cho không gian có xa lạ ra sao, vóc dáng của nhân vật nhỏ bé đến thế nào thì câu chuyện mà “Thán” gợi ra vẫn rất nhịp nhàng, hứa hẹn cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.

Thán – Biên đạo Nguyễn Duy Thành

Khởi nguồn từ niềm đam mê với Hip-hop, đến nay Nguyễn Duy Thành đã có hơn 17 năm theo đuổi sự nghiệp nhảy múa. Anh là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam kết hợp Hip-hop với ngôn ngữ đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt. Nguyễn Duy Thành cũng từng đoạt nhiều giải thưởng cá nhân về Hip-hop và múa đương đại ở Châu Á và thế giới (VCCA).

“Tôi đã nhiều lần sống chết, nhiều lần chìm đắm, nhiều lần muốn bỏ cuộc trong sự cô đơn cùng cực về cảm xúc để tạo ra cái mới. Cuối cùng, tôi đành để mặc cho sự thuần khiết chiếm lấy cơ thể mình, từ đó mới có được thứ ngôn ngữ riêng đáng được tôn trọng. Theo đó, “Thán 2021” sẽ sử dụng trang phục có tính chuyển động, ngôn ngữ cơ thể, kỹ thuật và âm nhạc của tuồng“, biên đạo Nguyễn Duy Thành bộc bạch.

“Thán 2021” được phát triển từ tác phẩm đầu tay “Thán” ra mắt năm 2019. Không chỉ có thời lượng dài gần gấp ba lần, “Thán 2021” có nhiều tìm tòi sáng tạo và tích lũy giá trị cuộc sống của nghệ sĩ trong ba năm qua. Tên vở diễn lấy từ một trong các làn điệu đặc trưng của nghệ thuật tuồng: Nam, Khách, Tẩu, Thán, Oán, Ngâm, Vịnh, Xướng… “Thán 2021” có nhiều thanh âm của Tuồng vang lên nâng đỡ những chuyển động của cơ thể.

“Thán” mở ra không gian cao và sâu như một vũ trụ. Ở đó, bằng ngôn ngữ cơ thể, Nguyễn Duy Thành kể lại hành trình con người đi tìm kiếm niềm tin giữa nhiều thứ vô định. Và điểm bấu víu để hành trình ấy không bị lạc lối chính là những yếu tố, giá trị văn hóa cổ truyền. Đó cũng chính là lí do show múa đương đại “Thán” được lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng truyền thống của cha ông.

Thán 1 – tác phẩm múa solo đầu tay do Nguyễn Duy Thành vừa biên đạo vừa trình diễn, đã được giới thiệu tại Liên hoan Múa đương đại (Hanoi Dance Fest) 2019. Trong vở diễn, nghệ sĩ tạo ra không gian như thể một vũ trụ. Những động tác, chuyển động cơ thể của anh như kể lại hành trình đi tìm kiếm niềm tin trong vũ trụ ấy.

Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành biểu diễn tại Liên hoan Múa đương đại Hà Nội 2019.
Ảnh HỒNG HÀ

Thán 2 tiếp tục là cuộc hành trình Nguyễn Duy Thành đào sâu hơn về sự kết hợp và tương tác giữa ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật truyền thống này và múa đương đại. Trong không gian đó, người ta được thấy mối quan hệ hài hòa giữa con người với vũ trụ trong thế giới vô hình và hữu hình.

Chia sẻ một cách kiệm lời về nội dung của Thán 2, Thành “không muốn áp đặt suy nghĩ hay quan điểm của mình lên khán giả”. “Tôi muốn khán giả cảm nhận theo cách của riêng mình”, anh nói.

Bởi nghệ thuật múa đương đại là như vậy, đó là nơi người múa được thỏa mãn đam mê, được sống trong từng nốt nhạc, để cơ thể mình phiêu du theo những âm thanh và điều khiển chính trí óc của mình. Và khi ấy, những cảm xúc của người múa, câu chuyện mà người múa muốn kể được bộc lộ theo từng chuyển động.

Đến với “Thán”, khán giả sẽ được cảm nhận một không gian nghệ thuật đương đại nhưng “đặc quánh” chất tuồng, từ sắc đỏ chủ đạo trong thiết kế sân khấu cho tới âm nhạc, phục trang, vũ đạo của diễn viên. Lắng nghe phần âm nhạc đương đại do nhạc sĩ Lương Huệ Trinh thể hiện, sẽ dễ dàng nhận ra những thanh âm quen thuộc của tuồng, nhất là khi được kết hợp cùng bộ gõ tuồng được chơi live hoàn toàn, đặc biệt là phần chơi trống do NSƯT Nguyễn Văn Quý (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đảm nhận.

Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành ở giữa chia sẻ về Thán tại buổi gặp gỡ báo chí Ảnh HỒNG HÀ
Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành (ở giữa) chia sẻ về “Thán” (Ảnh: HỒNG HÀ)

Tham gia trình diễn cùng nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành ở vai trò phát triển động tác là bộ ba gương mặt trẻ cá tính của múa đương đại Việt bao gồm: Trần Ngọc Minh, Đào Nhật Vy, Vũ Ngọc Bảo. Các nghệ sĩ đã có những buổi gặp trực tiếp với những nghệ nhân tuồng để tìm hiểu, học hỏi, từ đó mang tinh thần tuồng vào trong “Thán”, chuyển tải cảm xúc và những gì muốn thể hiện thông qua những chuyển động của cơ thể. Cũng bởi vậy mà “Thán” không đơn thuần chỉ là một sự kiện của múa mà còn đem đến cái nhìn mới về sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, mở ra góc nhìn đa chiều hơn về nghệ thuật chuyển động.

Các nghệ sĩ tham gia thực hiện vở múa đương đại “Thán 2021”

Với mục đích thu hút sự tập trung cao nhất của người xem vào những chuyển động cơ thể của nghệ sĩ múa, sân khấu của “Thán” được thiết kế ở mức tối giản nhất để kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng của khán giả. Ở vai trò đạo diễn sân khấu, nghệ sĩ Đặng Xuân Trường cho biết: sân khấu “Thán” sẽ chỉ có duy nhất một chiếc hộp hình chữ nhật nặng chừng 70 kg. Khung hộp bằng gỗ, sắt, bên ngoài phủ giấy để tạo hiệu ứng bắt sáng. Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành sẽ phải tự nâng, dựng, tương tác với chiếc hộp này sao cho thể hiện rõ nhất những thông điệp mà ngôn ngữ chuyển động của cơ thể muốn chuyển tải. Đây là thách thức đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật, sáng tạo hết mình.

“Thán” được giới thiệu đến công chúng trong đêm diễn duy nhất vào tối 15-5-2021 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.

“Thán”
Biên đạo: Nguyễn Duy Thành
Âm nhạc: Lương Đình Huệ, NSƯT Nguyễn Văn Quý
Biểu diễn: Nguyễn Duy Thành, Trần Ngọc Minh, Đào Nhật Vy, Vũ Ngọc Bảo

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*