Tác phẩm múa hiện đại với công chúng

Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, có những bước chuyển biến mới về nhiều lĩnh vực, với xu thế giao lưu, hội nhập văn hóa, trong nền kinh tế thị trường. Sự chuyển biến mới đáp ứng sự đòi hỏi, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của xã hội, của công chúng, nó phát triển có tính quy luật của thời đại, của tâm sinh lí con người. Mỗi thời đại con người có sự phát triển tư duy, trí tuệ, năng lực tiếp nhận, chọn lọc những giá trị văn hóa nghệ thuật do con người sáng tạo. Những giá trị ấy đem lại sự hưởng thụ cho con người, cho xã hội mà họ đang sống và tồn tại. Thời đại mới, con người lại sáng tạo những loại hình, những hình thức nghệ thuật mới mà đời sống xã hội đòi hỏi. Có cầu sẽ có cung, cung cầu là có tính quy luật của mỗi thời đại. Chính vì vậy thời đại mới nảy sinh sáng tạo mới, mà múa hiện đại là một thực tế tồn tại khách quan, là một nhu cầu của xã hội, của con người trong thời đại. Chính vì vậy nhiều thập kỉ qua múa hiện đại ở Việt Nam đã phát triển và đạt những kết quả khả quan. Đó là một xu thế tất yếu để tạo nên dòng nghệ thuật múa hiện đại.

Tác phẩm múa hiện đại, quan niệm về múa hiện đại hiện còn nhiều bàn luận, chưa có sự thống nhất trong giới nghệ sĩ múa Việt Nam. Tuy còn bàn luận nhưng những tác phẩm múa hiện đại Việt Nam vẫn không ngừng phát triển như một dòng chảy nghệ thuật. Bàn luận thì cứ bàn luận, tác phẩm múa hiện đại vẫn hình thành và phát triển. Điều này được chứng minh rõ ràng qua các cuộc liên hoan, hội diễn, hội thi thì số lượng và chất lượng của các tác phẩm múa hiện đại vẫn nở rộ và đạt nhiều giải cao. Gần đây nhất là cuộc Liên hoan Ca, Múa, Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 đã có rất nhiều tác phẩm múa mà phần lớn là tác phẩm hiện đại. Có thể kể đến những tác phẩm múa đạt huy chương vàng: “Chiến công từ lòng đất”; “Từ nơi gió ngàn”; “Những con người huyền thoại”; “Bóng hình tạc tựa núi sông”; “Hoàn lương”; “Vệt sáng”… Cùng với những tác phẩm múa hiện đại là các tác giả có tên tuổi, được công chúng ghi nhận tán thưởng: NSND Quỳnh Như, Minh Thông, Hà Thế Dũng, Đặng Hùng… NSƯT Hữu Từ, Kiều Lê, Hồng Phong, Ánh Tuyết, Thu Hà…

3474-38-1

Song có một điểm cần bàn luận là tác phẩm múa hiện đại với công chúng, không thuần là chỉ trong giới nghệ sĩ. Vậy công chúng trong thời đại mới, tiếp nhận múa hiện đại như thế nào mà người viết tham luận này xin được đề cập để cùng bàn luận.

Công chúng Việt Nam vốn rất yêu thích văn hóa nghệ thuật dân gian, dân tộc, đã thấm đậm trong tâm hồn mọi người, qua nhiều thế hệ. Mặc dầu vậy, công chúng Việt Nam cũng rất nhanh, nhậy, tiếp nhận dòng văn hóa nghệ thuật hiện đại, trong đó có nghệ thuật múa. Nghệ thuật múa là loại hình nghệ thuật đến với công chúng mau lẹ, trực tiếp nên công chúng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận múa hiện đại và là một nhu cầu của xã hội.

Vốn là người Việt Nam, vốn có tâm hồn Việt Nam, nên công chúng ước mong múa hiện đại có dấu ấn, có bóng dáng, có bản sắc văn hóa Việt Nam, có địa chỉ là múa hiện đại Việt Nam. Dù sáng tạo, đổi mới, cách tân, giao lưu, tiếp nhận văn hóa bằng cách nào thì phụ thuộc vào các nhà sáng tạo, các nhà biên đạo múa. Miễn sao công chúng nhận biết được đó là tác phẩm múa hiện đại Việt Nam phù hợp với tư duy, thẩm mĩ, tình cảm, tâm hồn Việt Nam. Điều quan trọng là người tiếp nhận, người hưởng thụ phải hiểu ý tưởng tổng thể của tác phẩm múa ấy phản ánh cái gì, muốn nói cái gì. Tác phẩm múa hiện đại cần hay, đẹp, hiểu, mới, thẩm mĩ dân tộc, hiện đại Việt Nam. Có như vậy mới có sự gắn bó tác phẩm múa hiện đại với công chúng và tác phẩm múa mới thực hiện được đầy đủ chức năng của văn hóa nghệ thuật là hướng tới chân, thiện, mĩ.

3474-39-1

Thời gian qua đã có nhiều tác phẩm múa hiện đại thành công tốt đẹp, được công chúng nồng nhiệt tiếp nhận. Bởi những tác phẩm ấy có tìm tòi sáng tạo mới, đi lên từ cội nguồn dân tộc, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của người Việt Nam trong thời đại mới. Những tác phẩm thành công ấy đã hiện đại đồng bộ về ý tưởng, nội dung thể hiện thông qua ngôn ngữ múa, ngôn ngữ âm nhạc, trang phục, đạo cụ, ánh sáng, có những hình ảnh, tạo hình, kĩ thuật, thủ pháp đột biến, ấn tượng.

Múa hiện đại dù cách tân, đổi mới, tìm tòi sáng tạo theo thủ pháp nào, ngôn ngữ nào, khuynh hướng nào là phụ thuộc vào từng biên đạo, miễn là đáp ứng được thị hiếu thẩm mĩ của công chúng.

Bên cạnh những tác phẩm thành công, không thiếu những tác phẩm thiếu tính thẩm mĩ, ngôn ngữ thiếu sáng tạo, rất chung chung, rất quen thuộc, thật khó hiểu và không hiểu tác phẩm phản ánh cái gì, nói cái gì? Có nhà báo phải thốt lên rằng: “Tác phẩm ấy có trời hiểu, hiện đại cái gì? Hiện đại ở đâu? Công chúng ngày nay đâu có phải thấp kém, họ có trình độ, có kiến thức. Hãy đem lại cho công chúng những tác phẩm đích thực nghệ thuật có tính thẩm mĩ, thẩm mĩ là bản chất của nghệ thuật múa. Văn hóa, nghệ thuật cần có đối tượng, đối tượng ấy chính là công chúng Việt Nam, khán giả Việt Nam, tâm hồn Việt Nam“.

Ý kiến trên không riêng của một người mà là một trong hàng trăm, hàng ngàn công chúng luôn đòi hỏi múa hiện đại có tính thẩm mĩ, gần gũi với công chúng, để công chúng hiểu. Không thể để tác phẩm múa hiện đại có khoảng cách quá xa với công chúng.

Nghiệm cho thấy, những tác phẩm múa hiện đại thành công, được công chúng đón nhận là những tác phẩm trước hết họ hiểu để tiếp nhận, để suy ngẫm cái hay, cái đẹp, cái sáng tạo và thẩm mĩ, ngôn ngữ múa dân tộc hiện đại Việt Nam. Nói cách khác những tác phẩm múa hiện đại thành công chính là những nhà sáng tạo hiểu tâm sinh lí, tâm hồn, tính cách, tư duy thẩm mĩ và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người Việt Nam.

Liên hệ với tác phẩm âm nhạc hiện đại của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có một loạt tác phẩm âm nhạc dân tộc hiện đại thành công. Đó là “Mái đình làng biển”; “Ly cà phê Ban Mê”; “Đôi mắt em”… nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhạc sĩ Nguyễn Cường có tác phẩm “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng“, rất quy mô hoành tráng, rất thành công, tác phẩm này đã được giải thưởng Bùi Xuân Phái của Hà Nội. Âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường rất hiện đại, rất có cá tính mà không kém màu sắc dân tộc, hiện đại có địa chỉ, có mác Việt Nam. “Mái đình làng biển”; “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng” rất có màu sắc âm nhạc Việt, “Ly cà phê Ban Mê”, “Đôi mắt em”; “Ôi! Ma trác” rất có màu sắc âm nhạc vùng Tây Nguyên. Nên những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Tác phẩm múa hiện đại Việt Nam cũng có những tác phẩm phù hợp với công chúng, công chúng hiểu, thích, hâm mộ, có dấu ấn dân tộc, mà nổi trội ngôn ngữ múa hiện đại. Có thể kể đến múa: “Trăng thề”; “Mẹ mặt trời”; “Bến lụy”; “Cặp ba lá”; “Men say”; “Chú tễu”; “Suối tóc”… và các kịch múa “Nguồn sáng”; “Huyền thoại mẹ”; “Đường ra chiến dịch”;…

Qua những tác phẩm múa hiện đại Việt Nam thành công, cho thấy công chúng Việt Nam sẵn sàng đón nhận và thích thú múa hiện đại. Múa hiện đại có chỗ đứng trong đời sống văn hóa của người đương thời, khi nó có mối quan hệ với công chúng đạt được mong ước hưởng thụ văn hóa của công chúng. Công chúng là người Việt Nam với tâm hồn, tư duy thẩm mĩ Việt Nam, yêu thích múa hiện đại Việt Nam. Những nhà sáng tạo múa hiện đại và công chúng hưởng thụ gặp nhau, cùng chung dòng chảy, nguồn cảm hứng thẩm mĩ dân tộc. Người sáng tạo, người hưởng thụ sáng tạo đều chung một định hướng là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*