“Dị… dị” một chàng trai múa dân tộc Thái

            Gặp em với nét mặt hồ hởi, tinh nghịch sau chuyến lưu diễn chương trình “Viva ASEAN” 10 nước ASEAN cùng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tại Tokyo Nhật Bản về với nhiều kỷ niệm còn đong đầy lưu luyến chưa nguôi. Một chuyến biểu diễn thật ý nghĩa, trải nghiệm, học hỏi với cuộc đời làm nghệ thuật của nghệ sĩ múa, biên đạo múa Hà Tứ Thiên. Tranh thủ thời gian tôi có dịp ngồi tâm sự, chia sẻ với em về cuộc đời làm nghệ thuật của mình.   

Chân dung nghệ sĩ – biên đạo múa Hà Tứ Thiên.

          Tôi biết em từ khi em còn bé tý theo mẹ đi biểu diễn khắp mọi nơi. Mẹ nguyên là diễn viên múa của Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La nên cái máu nghiệp múa đã ngấm sâu vào dòng chảy con tim của cậu bé từ thủa nào. Biết cuộc đời của một nghệ sĩ nơi vùng núi cao xa xôi là vất vả, là gian nan nhọc nhằn nên mẹ không cho em theo nghề múa mà mẹ đã từng trải. Học hết lớp 8 không cản được ước mơ làm nghệ thuật của mình, em quyết định thi tuyển vào Học viện Múa Việt Nam hệ 6 năm K36. Lớn tuổi so với các bạn cùng lớp, điều kiện cơ thể lại hạn chế về bộ môn ballet nhưng sự quyết tâm rời quê hương xuống Hà Nội học để theo con đường mà mình đã chọn luôn thôi thúc em phải chăm chỉ luyện tập, hăng say trong giờ lên lớp để dần hoàn thiện mình hơn.

Hà Tứ Thiên trong buổi thi tốt nghiệp diễn viên múa tại Học Viện Múa Việt Nam.

          Năm 2014 tốt nghiệp trung cấp diễn viên múa, rất nhiều Nhà hát và các Đoàn nghệ thuật Quân khu mời về, nhưng em không muốn mình chỉ là một “thợ múa”. Được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho đi du học ở Nga với xuất học bổng 100% và Học viện nghệ thuật múa Bắc Kinh – Trung Quốc với xuất học bổng 50%. Đứng giữa 02 con đường phải lựa chọn, học bên Nga thì em không muốn, bởi một đất nước đứng đầu về Ballel mà bộ môn này em học không mấy thuận lợi. Em muốn sang Trung Quốc học để theo đuổi chất liệu dân gian dân tộc, nhưng điều kiện gia đình lại không cho phép. Được bạn bè thầy cô động viên, khích lệ, em quyết định ở lại học tiếp lớp biên đạo Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh với mong muốn được thỏa sức đam mê, sáng tạo với nghề tại quê nhà. 04 năm học Đại học, gia đình không có điều kiện nuôi em ăn học, một thân một mình giữa đất Hà thành phải mưu sinh kiếm thêm từng đồng để chắt chiu đóng tiền học phí, thuê trọ và thuê sinh viên trả bài sau mỗi kỳ học… Gian nan vất vả trên con đường nghệ thuật đầy trông gai, nhiều lúc muốn gục ngã bỏ nghề để đi đến một nơi thật xa mà không ai biết đến, nhưng rồi lại phải gượng dậy, lại phải vươn lên để rồi cố gắng vượt qua tất cả mọi rào cản. Thời gian trôi đi không ai có thể níu kéo được, mọi cái rồi cũng sẽ qua đi. Giờ đây những năm tháng của cuộc sống sinh viên Đại học đã qua, em lại tìm về nơi bình yên và vinh quang nhất, một môi trường mà biết bao thế hệ đi qua và cũng chính là nơi em bước chân đầu tiên đến môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Được mời về Học viện Múa Việt Nam với cương vị là một thầy giáo trẻ. Công tác giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm 11 năm học tập trong môi trường nghệ thuật em mong muốn các thế hệ sau này tâm huyết, đam mê và yêu nghề như mình không phải ai cũng có được.

Ha-Tu-Thien-Teu-2
Hà Tứ Thiên trong tác phẩm múa “Tễu” – Biên đạo: Trần Ly Ly. Nhiếp Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

          Vừa học, vừa là diễn viên “đánh thuê” cho các Nhà hát, Đoàn nghệ thuật Quân khu tham gia các cuộc Liên hoan, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Thành tích về huy chương quá nhiều so với tuổi nghề của em để đồng nghiệp và bạn bè kính nể, có thể nhớ đến. Với một “Tễu” dị dị của bàn tay “Phù thủy” ma mị NSƯT Trần Ly Ly thổi hồn vào cho em thỏa sức lột tả, phiêu phiêu đến cháy mình, tiết mục giành trọn tấm Huy chương Vàng giành cho cá nhân em trong cuộc Liên hoan Nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma và Thái Lan năm 2016. Tác phẩm múa: “Đuống” cùng nghệ sĩ múa Vũ Miên trong Liên hoan ca múa nhạc Toàn quốc năm 2018 (đợt 1) tại tỉnh Cao Bằng đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả yêu múa. Một slo với tập thể nam múa cho tác phẩm múa: “Chơi trống” của biên đạo NSƯT Tạ Xuân Chiến – Giải A trong cuộc thi Tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016. Em tham gia cuộc thi Tài năng biểu diễn múa năm 2017 với 02 tác phẩm “Bên hiên nhà mình” “Đò lỡ” giành trọn huy chương Vàng và được nhận Bằng khen của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam cho diễn viên xuất sắc thể hiện thành công tác phẩm múa dân gian dân tộc…  

Hà Tứ Thiên trong tác phẩm múa “Bên hiên nhà mình” – Biên đạo: Tạ Xuân Chiến.

          Trong công tác biên đạo, vừa học vừa biên đạo cho nhà trường và các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước. Đồng nghiệp nhớ đến tác phẩm múa:“Nấm báo mưa” của Hà Tứ Thiên với một dàn diễn viên múa nữ chuẩn đến từng động tác, từng dáng, từng hơi thở, âm nhạc hòa quyện cùng với trang phục, đạo cụ đẹp để tạo nên Nấm. “Nấm” cũng là cái tên từ bé mẹ đặt yêu cho em bởi ngày nhỏ em mập mạp “một mẩu” nhìn đáng yêu lắm. Có lẽ để đáp ơn sinh thành của mẹ, vì thế mà em lấy ý tưởng từ một vùng núi cao quê em khi những ngày đầu trên rừng núi khô hanh nấm khát chờ mưa, những bầu nấm được ví như các cô gái Thái Tây Bắc dịu dàng, e ấp, khát chờ những cơn mưa nguồn…Tác phẩm múa đã giành tấm huy chương Bạc tại Liên hoan múa Quốc tế năm 2017 tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Năm 2018 là năm được mùa của biên đạo trẻ Hà Tứ Thiên cậu sinh viên năm cuối lớp biên đạo khi em nhận lời tham gia biên đạo chương trình của Đoàn chủ nhà tham gia Liên hoan ca múa nhạc Toàn quốc năm 2018 (đợt 1) tổ chức tại tỉnh Cao Bằng. Với tấm huy chương Vàng tác phẩm múa: “Trên đỉnh Phja Oắc” và huy chương Bạc dàn dựng màn hòa tấu: “Mơn man bản Giốc”.

Tác phẩm múa “Nấm báo mưa”
Biên đạo: Hà Tứ Thiên
Âm nhạc: Minh Đức
Biểu diễn: Học Viện Múa Việt Nam

          Tốt nghiệp lớp biên đạo K35 với tấm bằng loại giỏi. 02 tác phẩm múa tốt nghiệp của em là: “Ký ức Đà Giang”“Phố thầu”,  đồng nghiệp thấy yêu lắm. Yêu cái sự ngộ nghĩnh, ngây ngô đời thường của con người miền núi trong chợ phiên vùng cao: “Phố thầu”. Cái thực cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc Nùng nơi vùng núi Cao Bằng. Người xem như được hòa mình cùng nhịp sống của phiên chợ vùng cao trong men say ngất ngây tình người. Cái ngồ ngộ, chân chất mộc mạc uống rượu ngô bằng bát của những chàng trai vùng cao khi say men vắt chân khiêng về….Những ký ức của cuộc sống thường ngày nơi quê cũ với bến nước mùa xuân và con thuyền đuôi én xuôi ngược Sông Đà giờ đã chìm sâu dưới đáy hồ mênh mông sông nước, nơi di chuyển của hàng vạn hộ dân về nơi ở mới nhường chỗ cho công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với nỗi buồn nhớ quê da diết đến cháy lòng, bản mường ly tán…đã được biên đạo Hà Tứ Thiên đưa vào tác phẩm một cách khéo léo và giành trọn tình cảm của Hội đồng chuyên môn. Hiện nay em là một trong những biên đạo trẻ có nhiều vốn dân tộc độc, lạ mà nhiều Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên đang mời gọi về làm. Ngoài biên đạo các tác phẩm múa độc lập, hát múa, em được các nhà tổ chức mời tham gia biên đạo các chương trình nghệ thuật lớn như: Chương trình Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ lên thăm Tây Bắc tại Sơn La và khánh thành tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; Chương trình nghệ thuật Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2019; chương trình nghệ thuật Kỉ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng….

Chân dung nghệ sĩ – biên đạo múa Hà Tứ Thiên. Ảnh: FB nghệ sĩ.

          Tâm sự với nghệ sĩ trẻ Hà Tứ Thiên mới thấy niềm đam mê nghệ thuật trong em rất lớn, mơ ước thì nhiều lắm. Muốn được cháy hết mình với nghề, giữ gìn bản sắc Văn hóa của dân tộc mình, chỉ có vốn múa dân tộc mới làm em phiêu, điên, cuồng… Có khiếu biên đạo, có tố chất ma mị của âm nhạc trong giới trẻ ngày nay. Hài hước, dí dỏm “kinh dị” của tuổi trẻ muốn khám phá, những clip hóm hỉnh trên trang cá nhân facebook của mình luôn làm bạn bè thư giãn, cười ngả nghiêng, ngưỡng mộ… Đó là thế hệ của tuổi trẻ, là Hà Tứ Thiên mộng mị không giống ai để người ta biết đến em như một cơn gió lạ, một chàng trai múa dân tộc Thái của núi rừng Tây Bắc – Sơn La mà tôi đang nói đến.

          Những cánh hoa ban, hoa đào giữa đất trời Tây Bắc đã hé nở báo hiệu một mùa xuân mới đã đến. Xin được chúc nghệ sĩ trẻ Hà Tứ Thiên sức khỏe, thành công và luôn cháy hết mình vì nghệ thuật múa Việt Nam, góp sức của tuổi trẻ cho nghệ thuật múa Nước nhà.

– NSƯT  Lò Hải Lam –

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*