Dáng vóc mảnh mai xinh đẹp, cách nói chuyện nhẹ nhàng, Đỗ Hải Anh đang là gương mặt trẻ đáng chú ý của làng múa đương đại Việt.
Nhà có ba cô con gái, nhưng chỉ Hải Anh chọn múa làm cái nghiệp đeo đuổi suốt đời.
Ba tuổi, Hải Anh đã đi múa và đến sinh hoạt trong nhóm múa Baby Mickey của cô Thúy Uyên. 11 tuổi, cô bước chân vào Trường Múa TP.HCM và theo học hệ múa bảy năm.
Dưới sự dẫn dắt của thầy Tấn Lộc, cô Tố Như, cô Kim Quy – những nghệ sĩ, giáo viên giỏi của trường, sau tốt nghiệp Hải Anh được nhận vào Arabesque Dance – một trong những công ty múa chuyên nghiệp do biên đạo Tấn Lộc dìu dắt. Đây chính là cái nôi đầu tiên để công chúng biết đến một cô gái mảnh dẻ với gương mặt thanh tú, thoảng chút u buồn qua những vai múa chính, phụ trong các vở Chuyện kể những chiếc giày, Mộc, Sương sớm, Tích tắc…
Nhưng, trái tim của người trẻ có những lý lẽ riêng để thôi thúc, cổ vũ họ tự bước đi và thử thách mình ở những ngã rẽ mới.
Đầu năm 2015, Hải Anh quyết định “ra riêng” với việc thành lập Unicorn Dance studio, một không gian nhỏ xíu dành cho múa nhưng ấm cúng, giúp cô thỏa mãn hai sở thích lớn nhất của mình: múa và tổ chức những sự kiện, biểu diễn nghệ thuật liên quan đến múa.
Sau 13 năm gắn bó với múa, từ khi ra riêng, Hải Anh cho phép mình được thỏa sức “vui chơi” trong thế giới bao la của nghệ thuật: học cách làm sao để tạo ra một bức ảnh đẹp, học cách tổ chức sự kiện, nhận lời làm sáng tạo cho một tổ chức nghệ thuật trẻ… Hỏi cô làm thế có sợ bị sao nhãng chuyên môn? Cô đáp ngay không cần suy nghĩ lâu: “Không! Tôi muốn được người khác biết đến là một diễn viên múa giỏi. Còn những việc đang thử sức vì tuổi trẻ không cho phép ngồi yên“.
Nhiều lần đi làm về ngang qua con ngõ nhỏ đầu nhà, Hải Anh thấy vui vui ngồ ngộ khi mấy bé gái hàng xóm rủ nhau chơi trò múa hát. Một đứa sẽ đứng ra làm quản trò và dạy cho những đứa còn lại múa, dĩ nhiên chẳng theo một bài bản gì cả!
Rồi những buổi chiều ngang qua công viên, thoáng nhìn thấy những cô chú lớn tuổi dìu nhau “đi” những bản tango thật mùi, những bà những chị thân hình có chút đẫy đà nhưng vẫn hồn nhiên múa, nhảy… cứ như thể múa đã mang đến cho họ một năng lượng tích cực hơn để vui sống. Vậy nên có một giấc mơ Hải Anh đã ấp ủ từ lâu và đang trên đà biến thành sự thật: đó là một show diễn về múa dành cho tất cả mọi người: người già, người trẻ, trẻ em đường phố…
Từ chính con đường bước đến với múa của mình, cô muốn chứng minh cho mọi người một điều thật giản dị: ballet không chỉ dành cho những người giàu có, nó dành cho tất cả và “sứ mệnh” của múa là mang đến niềm vui cho mọi người.
Khoảng một tháng nay, cô gái nhỏ nhắn tất bật với hàng loạt dự án… chạy show kiếm tiền để duy trì studio nhỏ bé của mình. Nhưng trong những lúc bận bịu “cơm áo gạo tiền” ấy, Hải Anh vẫn không quên chuẩn bị bài giới thiệu về dự án Múa dành cho mọi người thật sinh động, bắt mắt để đi “chào hàng”.
Cho xem những bản phác họa bằng tay cầu kỳ, cô gái cười hiền nói: “Đợt rồi tôi có gửi dự án đến một số nơi nhưng chắc mình không nổi tiếng nên họ chưa tin tưởng. Trong khi chờ tài trợ, tôi đã làm việc được với nhóm của các cô, các chị lớn tuổi để thuyết phục họ tham gia dự án. Riêng nhóm của các trẻ em đường phố như thổi dầu hôi biểu diễn, quấn trăn, nuốt rắn… ở mấy quán nhậu thì hơi khó tiếp cận, vì bố mẹ các em không mặn mà, không muốn cho tham gia. Nhưng không sao, tôi sẽ kiên trì với họ. Hi vọng đến cuối năm nay dự án sẽ được chắp cánh!”.
|
Speak Your Mind