Ươm mầm nghệ sĩ dân gian

Xa gia đình khi vừa 10 tuổi với sự kỳ vọng của người lớn sẽ trở thành thế hệ vàng của múa và nhạc cụ dân tộc, những nghệ sĩ tương lai của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen miệt mài với cuộc sống nghề và niềm đam mê.

Công việc này là thế, tập luyện cả tháng nhưng xuất hiện trên sân khấu chỉ được vài phút“. Đó là nỗi niềm chung của 10 gương mặt trẻ vừa tốt nghiệp trở về sau 6 năm học múa xứ người. Vũ công 17 tuổi Vũ Minh Anh thổ lộ: “Nhớ nhà lắm, tập luyện lại vất vả, mỗi lần được về chỉ biết ôm mẹ khóc nhưng thấy nhiều bạn mình cũng vậy nên riết rồi quen“.

Các vũ công trẻ của Nhà hát Bông Sen tập luyện sau khi trở về Việt Nam

Các vũ công trẻ của Nhà hát Bông Sen tập luyện sau khi trở về Việt Nam

Vượt qua nỗi nhớ nhà

Còn rất trẻ nhưng Minh Anh đã là một trong những nghệ sĩ mang vinh quang về cho Nhà hát Bông Sen với huy chương vàng cho tiết mục múa Bùn và Sen tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 ở Đắk Lắk. Vốn không phải “con nhà nòi”, Minh Anh đến với múa một phần nhờ cơ duyên, phần lớn nhờ đam mê. “Em sinh thiếu tháng nên lúc mới sinh chỉ nặng 1,7 kg, sức khỏe không tốt nên mẹ mới cho đi học múa để rèn luyện. Khi vào lớp Những ngôi sao nhỏ, em thích quá nên yêu múa luôn từ đó” – Minh Anh tâm sự.

Cùng sinh hoạt ở lớp múa Những ngôi sao nhỏ từ thuở lên 5 với Minh Anh còn có cô bạn đồng trang lứa Nguyễn Thị Phụng Tuyền. Gia đình có gốc âm nhạc nhưng Tuyền lại say mê múa. Thậm chí, Tuyền chấp nhận cùng mẹ ở lại Việt Nam để học múa dù ngày trước cả gia đình đã làm thủ tục cho em định cư ở Mỹ.

Phải xa mẹ khi đang tuổi ăn tuổi lớn cũng là trải nghiệm khó khăn với Tuyền. Em kể: “Khi học bên ấy nhiều lúc rất mệt mỏi nhưng cũng chưa nghĩ đến trở về vì em rất yêu múa và không muốn bỏ cuộc giữa đường. Gia đình chỉ có mẹ ủng hộ em đi học múa nên em và mẹ đều cố gắng để có thể góp phần nào đó cho Nhà hát Bông Sen“.

Để những đứa con ra đi khi còn quá nhỏ, đối với những bậc phụ huynh là nỗi trăn trở khôn nguôi. Chị Thu Trang, mẹ của Phụng Tuyền, nghẹn ngào nhớ lại những tháng ngày xa con: “Có mỗi một đứa con gái ở bên mình từ nhỏ đến lớn, tôi yêu con lắm nhưng thấy con đam mê đành hy sinh tình thương để cho con đi học. Lúc buồn cũng khóc lóc nhớ nhung nhưng mỗi lần con gái về thăm lại cho mẹ một thành tích, tôi cũng cảm thấy được bù đắp rất nhiều, nhất là khi cháu giành giải đồng múa đơn tại cuộc thi múa Đào Lý Bôi toàn Trung Quốc năm 2012 vừa qua“.

Mơ bay cao cùng nhạc dân tộc

Một năm sau khi 10 diễn viên múa đi du học, năm 2008 đến lượt 6 gương mặt trẻ khác được sang Quảng Tây (Trung Quốc) học về âm nhạc dân tộc khi tuổi đời chỉ mới 10-12. Đều sinh ra trong những “cái nôi” âm nhạc nên cả 6 đến với nhạc cụ dân tộc hoàn toàn tự nhiên. Trong đó, cô bé nhỏ nhắn Nguyễn Hồ Thảo Linh – sở trường đàn nhị – rời xa cha mẹ du học khi chỉ mới được 10 tuổi. Nghệ sĩ Hồ Nga, mẹ của Thảo Linh, bộc bạch: “Vì là trẻ con nên lúc đầu cháu cũng nhớ nhà và hay khóc, nhưng nhờ các phương tiện thông tin nên cũng được trò chuyện với con thường xuyên. Chi phí ăn ở sinh hoạt thì nhà nước hỗ trợ 70%, gia đình lo phần còn lại. Nhà nước và nhân dân cùng làm để phát triển các mầm non cho nước nhà“.

Cùng sở trường đàn nhị như Thảo Linh, chàng trai 17 tuổi Đoàn Long Phi từng gây ấn tượng khi về nước biểu diễn cạnh Linh Nga trong chương trình múa Sen. Thời gian đầu ở xứ người, Long Phi cũng không ngoại lệ khi có những lúc em chỉ muốn về ngay với bố mẹ, để được ăn những món mẹ nấu, rồi những lúc đó lại phải trốn vào nhà vệ sinh để khóc chỉ vì sợ các bạn nhìn thấy. Trải qua gần 6 năm học tập, Long Phi giờ đã tự tin hơn và trưởng thành hơn.

Nói về dự định tương lai, Long Phi thổ lộ: “Chúng em được nhà hát tạo điều kiện cho đi học nên em chỉ mơ ước được học thật nhiều kiến thức âm nhạc để trở về phục vụ nhà hát. Em cũng biết âm nhạc dân tộc nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung rất khó cạnh tranh với những loại hình âm nhạc hiện đại hiện nay nhưng chúng em là lớp trẻ được học hành chuyên nghiệp và cũng bắt kịp những hơi thở hiện đại nên em tin rằng với những gì chúng em đã và đang học, hy vọng sẽ làm thay đổi cái nhìn của khán giả về âm nhạc dân tộc…“.

Một tài năng trẻ khác là “chàng trai sáo trúc” 17 tuổi Đinh Nhật Minh, con trai của cặp đôi NSƯT Đinh Linh – Tuyết Mai và là hậu duệ đời thứ 3 của một gia đình có 3 thế hệ đều theo âm nhạc dân tộc. Nhật Minh cũng ấp ủ ước mơ “làm nên chuyện” với nhạc dân tộc tương tự bạn mình, đó là kết hợp âm nhạc dân tộc với âm nhạc hiện đại, thể hiện những giai điệu nhạc trẻ bằng những nhạc cụ dân tộc, tạo ra những giai điệu gần gũi để giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận.

Đào tạo tiếp để phát huy

Tính đến nay, Nhà hát Bông Sen đã đưa tổng cộng 21 em sang Quảng Tây du học theo chương trình “Tạo nguồn”. NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Bông Sen, cho biết khi 6 em học nhạc tốt nghiệp vào năm sau, nếu em nào có khả năng thì nhà hát sẽ cố gắng tạo điều kiện để nâng cao bằng cấp cho các em.

Còn với 10 du học sinh múa vừa trở về, NSƯT Đặng Hùng cho biết: “Theo dự kiến, chúng tôi sẽ cho 2 cháu có tư duy tốt nhất tiếp tục nhận học bổng học lên bậc đại học về biên đạo múa tại Trung Quốc. Tám cháu còn lại, nhà hát sẽ tạo điều kiện để các cháu được học về văn hóa Việt Nam, song song đó sẽ liên hệ với anh Hà Thế Dũng để các cháu được học múa dân gian của các dân tộc Việt Nam, bởi học kỹ thuật của nước bạn chỉ là bước đầu“.

Bài và ảnh: KIM KHÁNH

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*