Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam, đã đạt nhiều thành tựu theo dòng chảy của lịch sử cách mạng, đáng khích lệ và tự hào. Những thành tựu ấy được tạo nên bởi nhiều thế hệ nghệ sĩ múa đầy tâm huyết với nghề, với con đường sự nghiệp đã chọn.
Có thể nói con đường ấy, sự nghiệp ấy đã gắn bó với đời người nghệ sĩ luôn phấn đấu cho sự nghiệp múa cách mạng Việt Nam, những nghệ sĩ ấy có thể quy thành 5 thế hệ nghệ sĩ , luôn bám sát với thực tiễn, gắn bó với thực tiễn để sáng tạo thành công nhiều tác phẩm múa có giá trị.
Thế hệ thứ nhất: Thế hệ đầu tiên tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nay là thế hệ U80.
Thế hệ thứ hai: Thế hệ chuyển tiếp, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước. Nay là thế hệ U70.
Thế hệ thứ ba: Sau giải phóng, thống nhất đất nước. Nay là thế hệ U60.
Thế hệ thứ tư: Thời kỳ xây dựng đất nước. Nay là thế hệ U50.
Thế hệ thứ năm: Thế hệ trẻ, thời kỳ hội nhập, giao lưu văn hóa, thời mở cửa. Nay là thế hệ U30.
Song, có một điều quan trọng là các thế hệ nghệ sĩ đều trưởng thành trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chính thực tiễn này đã là nguồn cảm hứng vô tận để nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm múa có sức sống, có hơi thở của thời đại. Những thế hệ nghệ sĩ ấy, những tác phẩm ấy nảy mầm từ thực tiễn để sáng tạo, đi lên từ thực tiễn, thành công từ thực tiễn.
Thực tiễn với khái niệm, nội hàm rộng, là tất cả những sự kiện, những nhân vật, tất cả những diễn biến trong đời sống của chúng ta, tồn tại quanh ta. Tiếp cận thực tiễn có nhiều cách, nhiều hướng khác nhau, cũng từ đó các nghệ sĩ có sự rung cảm, sáng tạo khác nhau. Có thể kể đến những cách tiếp cận thực tiễn sau:
– Đi sưu tầm, thâm nhập thực tiễn của cuộc sống, tức là đi điều tra thực địa.
– Nghiên cứu, sưu tầm từ mĩ thuật, khảo cổ (tranh tượng).
– Nghiên cứu, sưu tầm từ văn học (tiểu thuyết, truyện cổ tích, văn, thơ).
1. Tiếp cận thực tiễn từ sưu tầm nghiên cứu điền dã thực địa.
Từ những lĩnh vực, nội dung thực tiễn có vai trò rất quan trọng trong việc cảm hứng để xây dựng những tác phẩm múa có tâm hồn dân tộc, có hơi thở thời đại. Khi tiếp cận thực tiễn đúng hướng sẽ đem lại sự thành công cho tác phẩm múa.
Từ những cách tiếp cận thực tiễn sẽ giúp cho chúng ta khảo cứu những tác phẩm múa có cội nguồn từ thực tiễn, điền dã.
Múa mùa hoa ban nở (Múa nón tộc người Thái)
Cố Nghệ sĩ nhân dân Đỗ Minh Tiến đã có gần hai tháng đi sưu tầm, nghiên cứu múa Thái vùng Tây Bắc để sáng tạo thành công múa Mùa hoa Ban nở. Tác phẩm để đời với sự sáng tạo độc đáo, ấn tượng là hình tượng hoa ban nở, những chiếc nón tượng trưng cho những cánh hoa ban đón chào bình minh.
Múa Bông hoa đầu xuân (múa ô tộc người Mông)
Cố Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Minh Hiến, đã có thời gian đi sưu tầm, nghiên cứu múa người Mông và sự quan sát sinh hoạt của tộc người Mông. Từ sự sưu tầm, quan sát thực tiễn thẩm thấu trong tâm hồn người nghệ sĩ. Từ sự quan sát dáng những cô gái Mông, cùng với chất liệu múa Mông và chiếc ô của các cô gái che nắng, che mưa. Cố Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Minh Hiến đã sáng tạo thành công tác phẩm múa Bông hoa đầu xuân rất thành công.
Múa Ca Tu (Tộc người Ca Tu)
Nghệ sĩ ưu tú Ngân Quý đã có thời gian đi nghiên cứu múa các dân tộc vùng Tây Nguyên (qua các nghệ nhân tập kết). Cùng kết hợp với Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly với sự tưởng tượng phong phú, độc đáo của hai nghệ sĩ đã sáng tạo rất thành công tác phẩm múa Ca Tu, tác phẩm để đời, để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng trong và ngoài nước.
Múa Quạt Chăm (tộc người Chăm)
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Hiển đã có nhiều lần nghiên cứu múa Chăm, cùng với sự tư duy, tưởng tượng đã sáng tạo thành công tác phẩm múa Quạt Chăm, có dấu ấn tâm hồn dân tộc, cốt cách dân tộc Chăm. Đó là một trong những tác phẩm thành công của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Hiển. Tác phẩm đã để lại ấn tượng trong công chúng trong và ngoài nước.
Múa Tiếng chuông ngày hội (Tộc người Dao).
Nghệ sĩ nhân dân Vũ Hoài, có hàng chục năm của tuổi trẻ gắn bó với miền Tây Bắc, sống trong kho tàng múa miền Tây Bắc. Do vậy vốn múa miền Tây Bắc với nghệ sĩ là quý giá. Nên nghệ sĩ nhân dân Vũ Hoài đã có hàng loạt tác phẩm múa ra đời giầu tính dân tộc. Trong đó phải kể đến tác phẩm múa Tiếng chuông ngày hội.
Múa Tiếng chuông ngày hội đã phát huy những đặc trưng, chất liệu múa Dao được hội tụ trong tác phẩm này, để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng.
Múa Trống Tây Nguyên (tộc người Banar)
Nghệ sĩ nhân dân YBrơm, tộc người Banar, sinh ra và lớn lên từ quê hương đất mẹ, và thành đạt từ nền nghệ thuật múa vùng Tây Nguyên trong phú, độc đáo. Từ kho tàng múa quý giá ấy, Nghệ sĩ nhân dân YBrơm đã sáng tạo thành công múa Trống Tây Nguyên (múa ba người).
Múa Trống Tây Nguyên được phát triển chủ yếu từ chất liệu múa trống của người Banar. Tác phẩm để lại ấn tượng trong công chúng. Tác phẩm đậm đà tính dân tộc, tâm hồn dân tộc.
Múa biển và lửa quê tôi
Nghệ sĩ nhân dân lê Ngọc Canh đã có nhiều lần nghiên cứu thực địa, tìm hiểu về công nghiệp dầu khí. Từ hình ảnh ngọn lửa dầu khí vụt sáng in hình trên sóng biển mênh mông, đã là hình tượng chủ đạo đem lại cảm xúc và sự tưởng tượng của tác giả để tạo dựng tác phẩm múa đem lại ấn tượng trong công chúng.
Đó là sự cách điệu tấm lụa lớn màu xanh làm sóng biển và tấm lụa màu đỏ tạo thành ngọn lửa dầu khí soi bóng giữa biển khơi mênh mông lượn sóng.
2. Tiếp cận thực tiễn từ mĩ thuật khảo cổ
Từ những bức tranh, pho tượng có yếu tố múa, hình tượng múa nhiều nghệ sĩ đã cảm hứng, sáng tạo thành những tác phẩm có giá trị cao.
Múa hứng dừa (tộc người Việt)
Tranh hứng dừa là một bức tranh dân gian đặc sắc, nổi trội trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam. Từ bức tranh ấy, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường đã sáng tạo rất thành công tác phẩm múa Hứng Dừa để lại ấn tượng rất đẹp trong công chúng Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Với sự nghiên cứu, am hiểu và giàu trí tưởng tượng đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ nội dung, hình tượng, đặc điểm, tính cách, bản chất thẩm mĩ của tranh hứng dừa đã hàm chức trong tác phẩm cùng tên, tác phẩm múa Hứng Dừa.
Múa khát vọng (tộc người Chăm)
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng có nhiều năm gắn bó, đắm mình ở xứ sở Champa để tìm kiếm kho tàng múa Chăm. Với tâm huyết, trí tuệ và giầu trí tưởng tượng, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng đã sáng tác hàng loạt tác phẩm phát triển từ chất liệu múa Chăm để lại ấn tượng tốt đẹp cho công chúng.
Múa khát vọng là một tác phẩm đặc sắc của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng, tiếp cận thực tiễn, từ những pho tượng cổ múa Chăm. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng đã biến những tượng đá cổ như Apsara, Xiva, … biến những tượng đã thành những tượng đá biết nói, có hồn, có sức sống, đó là múa Khát Vọng.
Múa khúc biến tấu từ pho tượng cổ
Từ những ảnh, những pho tượng đá cổ, có yếu tố múa, tạo hình múa, với sự quan sát tinh tế, giầu tư duy, tưởng tượng Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh đã sáng tạo rất thành công tác phẩm múa Khúc biến tấu từ pho tượng cổ
Tượng múa cổ Chăm đã có nhiều tác giả tiếp cận, khai thác với nhiều góc độ và rung cảm khác nhau. Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh đã tự tìm cho mình cách tiếp cận riêng với thủ pháp, kết cấu, tạo hình, tổ hợp múa khá độc đáo. Tác phẩm rất rõ nét tính dân tộc, tính hiện đại và nhiều tạo hình biến đổi, tạo hình, động tác phong phú, đa dạng, giầu tính thẩm mĩ.
Tác phẩm múa Khúc biến tấu từ pho tượng cổ, là một trong những tác phẩn nổi trội của tác giả đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng trong nước và quốc tế.
Từ những pho tượng múa cổ Champa đã có nhiều nghệ sĩ múa sáng tạo thành công. Đó là tác phẩm của Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Phương, Nghệ sĩ ưu tú Trung Kiên, Nghệ sĩ ưu tú Minh Vân…
3. Tiếp cận thực tiễn từ văn học (Văn bản)
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Xuân Định là một người rất thành công trong việc nghiên cứu, sưu tầm các tác phẩm văn học để tạo thành những tác phẩm kịch múa, rất ấn tượng. Tiêu biểu cho sự thành công này là kịch múa Chị Sứ. Từ nội dung, hình tượng, nhân vật, xung đột, tính cách, cốt truyện trong tiểu thuyết Hòn Đất, tác giả Xuân Định đã sáng tạo kịch múa, với sự thấu hiểu tiểu thuyết Hòn Đất, cùng với những suy ngẫm, tư duy sáng tạo, cấu trúc tác phẩm kịch múa thành công, phù hợp với đặc trưng nghệ thuật múa.
Múa khoảnh khắc đêm hè (Tộc người Việt)
Từ cốt truyện tiểu thuyết Chí Phèo, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Thái đã tái hiện, chọn lọc cái cốt tinh và những nhân vật điển hình của cốt truyện để tạo nên tác phẩm múa Khoảnh khắc đêm hè. Với tư duy, sáng tạo mới, cấu trúc, ngôn ngữ mới để khắc họa tính cách độc đáo của nhân vật Thị Nở. Thị Nở là nhân vật hình tượng chính yếu của tác phẩm, đã đem lại sự thành công của tác phẩm, rất ấn tượng, độc đáo.
Kịch múa Một thời nhớ mãi
Từ tác phẩm văn học Đặng Thùy Trâm, Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân đã khéo chắt lọc những sự kiện, tâm hồn, tính cách của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cấu tạo thành tác phẩm kịch múa: Một thời nhớ mãi. Nghệ sĩ đã biến những dòng chữ tĩnh thành ngôn ngữ múa động, rất phù hợp với đặc trưng nghệ thuật múa.
Một thời nhớ mãi đã được dàn dựng khá công phu, giàu hình tượng, giàu tính thẩm mĩ và ngôn ngữ múa dân rộc hiện đại. Tác phẩm đã khắc họa thành công nhân vật anh hùng Đặng Thùy Trâm. Đó là một trong những tác phẩm ấn tượng thành công của Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân. Tác phẩm này nghệ sĩ Lê Huân là tác giả kịch bản và tổng đạo diễn, cùng với biên đạo Bá Thái, Hồng Hà.
Thực tiễn và sáng tạo là mối quan hệ gắn bó, không thể chia cắt trong quá trình thực hiện tác phẩm. Nói cách khác chỉ có thực tiễn, sống với thực tiễn, rung cảm với thực tiễn mới tạo nên những tác phẩm múa có hồn, có sức sống và có giá trị, có tính nhân văn cao cả. Qua những tác phẩm trên, cho thấy những tác phẩm múa đều được nảy sinh từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đã thổi cái hồn vào những tác phẩm múa có giá trị, có những tác phẩm để đời nhớ mãi không để nào quên.
Đặc biệt những tác giả đã bỏ nhiều công sức đi sưu tầm, nghiên cứu, điền dã thực địa thì có thành công, ngôn ngữ có địa chỉ, có ấn tượng. Những tác phẩm múa ấy đã là những viên ngọc quý trong thành tựu nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam./.
Tác giả bài viết: PGS.TS. NSND Lê Ngọc Canh
Nguồn tin: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]
Speak Your Mind