Đạo diễn, biên đạo múa Lê Vũ Long: Tôi nghĩ im lặng là một quyền

Trên sân khấu của trường Múa Việt Nam, đạo diễn – biên đạo múa Lê Vũ Long ngồi theo dõi đoàn múa “Nơi đến” của anh tập vở múa đương đại “Ký ức thở dài”.

3774-levulong

Lê Vũ Long tại Mỹ, năm 2007.

Chỉ còn một tuần nữa là đoàn lên đường sang Đức biểu diễn – không theo một chương trình trao đổi văn hóa hay tài trợ nào, mà Nhà hát Pfalzbau ở thành phố Ludwigshafen đã mua vở diễn này của anh để tổ chức biểu diễn bán vé tại nhà hát vào trung tuần tháng 5.

Một lối đi không dễ dàng với các đoàn nghệ thuật ở Việt Nam, nhưng Lê Vũ Long và vợ anh – Lưu Thu Lan – đều là dân múa chuyên nghiệp, đã làm được. Các vũ công khiếm thính của họ mạnh mẽ mà tinh tế, cuồn cuộn trong những chuyển động trên nền nhạc điện tử. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, họ không để ý ngoài kia trời đang dông và bóng tối đang buông xuống.

“Ký ức thở dài” – đó là ký ức của anh hay của ai vậy?

– Một người đàn ông đi vào ký ức của mình, sống trong đó, thì hóa ra ký ức cũng có hơi thở của nó, nó là thực thể tồn tại độc lập, không cần có anh ta để tồn tại. Khi phát hiện điều đó, anh ta tìm đường trở về với thực tại thì không được, bị lạc trong quá khứ. Lúc đó ký ức không thuộc về anh ta nữa, mà anh ta thuộc về ký ức. Tôi tạm thời tóm tắt câu chuyện mang tính gợi mở như vậy, để khán giả khi ngồi xem sẽ tự trải nghiệm đó là ký ức của ai hay ký ức đó như thế nào.

Nghĩa là anh định nói, sống có quá khứ, kỷ niệm thì cuộc sống sẽ dày hơn, đáng giá hơn, cho dù ta không sống bằng quá khứ?

– Chúng tôi không áp đặt, mà chỉ chia sẻ với mọi người một suy nghĩ, biết đâu qua đó lại có sự đồng cảm của khán giả với công việc nghệ thuật này. Thông điệp ở sân khấu, và biết đâu chính nghệ sĩ cũng tạo ra ký ức với khán giả. Sự đồng cảm, rung cảm là quan trọng. Có những điều không định nghĩa được, hoặc nếu định nghĩa sẽ mất đi sự thiêng liêng.

Múa đương đại ở Việt Nam còn quá mới. Điều gì làm anh tự tin mang vở múa của anh đến Châu Âu – nơi đã có bề dày nghệ thuật như vậy?

– Chúng tôi đến với khán giả không phải vì tự tin hay không. Đây không phải lần đầu đoàn ra nước ngoài, chúng tôi đã có những chuyến lưu diễn khá độc lập. Và cũng có nhiều dự định, nhưng giờ mới thực hiện được. Có thể đây là bước khởi đầu cho những đợt biểu diễn tiếp theo. Hoạt động của đoàn múa tương đối đều, cả trong nước và nước ngoài, không bị ngắt quãng.

Nghĩa là múa vẫn có đất sống, không khó khăn như mọi người vẫn tưởng?

– Sống có nhiều ý nghĩa. Nếu hiểu theo nghĩa no đủ làm giàu, tính một năm làm được bao nhiêu đầu việc, bao nhiêu tỉ, thì còn xa lắm. Nhưng chúng tôi thấy ấm áp khi may mắn được mời đi kể câu chuyện của mình, các nghệ sĩ được chia sẻ, rung động, thì ở nghĩa nào đó tôi cho rằng mình đang sống.

Vậy làm thế nào anh và chị Lan có thể duy trì đoàn múa như vậy, mọi người sống được bằng nghề không?

– 12 năm nay chúng tôi cố gắng, đầu tiên để mọi người biết đến, hoàn thiện bản thân mình qua từng công việc, từng buổi biểu diễn, qua đó cố gắng tìm kiếm hỗ trợ từ nhiều nguồn. Nhưng cho đến thời điểm này việc đó không hiệu quả. Chắc là chúng tôi sẽ không tiếp tục kêu gọi theo hướng đó. Chúng tôi cũng mong muốn như những mô hình nghệ thuật bình thường khác, có nơi tập, nơi ăn chốn ở, có thù lao ít ỏi cho diễn viên, bảo đảm công việc của họ để họ chuyên tâm hơn trong nghề, mở cánh cửa cho các em trẻ. Khi không có được liên kết chặt chẽ đấy, thì chúng tôi buộc phải làm theo cách, ban ngày các nghệ sĩ của tôi là công nhân ở nơi khác, chúng tôi gặp nhau vào thời điểm khi không là công nhân nữa, mà là nghệ sĩ, cùng xây dựng với nhau một thứ tạm cho là nghệ thuật, số tiền kiếm được phân bổ làm sao các thành viên không thiệt thòi.

Vậy, các nghệ sĩ của anh, thực ra họ làm gì ban ngày?

– Họ bán mũ bảo hiểm vỉa hè, bán túi thêu thùa đan lát, pha café ở quán bar, nhuộm tóc cắt tóc gội đầu, làm chuyên gia máy tính, giặt là cho khách sạn, làm nến, chở bia… các bạn ấy xoay xở lắm. Nếu kể lại thì có khi khóc được đấy. Nếu nghĩ là vất vả thì chúng ta vất vả như nhau, chả có gì đáng kêu ca phàn nàn. Nhưng chúng tôi nghĩ mình có quyền tự hào vì không dựa dẫm vào ai, không xin ai.

Học ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp với các thành viên trong đoàn, với anh có ý nghĩa thế nào?

– Kể lại thì bắt đầu từ khi Lan có bầu cậu con trai đầu tiên, tôi rất thích chơi với con trong bụng. Chạm tay chỗ nào cậu lại đạp một cái, chuyển chỗ cậu lại bụp. Hóa ra giao tiếp này có đam mê đấy, tôi không diễn tả được sao mình lại thích thú thế, và nó thích thú mới đáp trả như thế, lại rất hiểu nhau đấy, cái hiểu rất đơn giản. Tôi mới thấy, à, đây là thế giới của im lặng. Rõ ràng trước khi chúng ta có âm thanh, chúng ta ở trong thế giới của im lặng.

Và khi tình cờ gặp các bạn câm điếc ở quán café, thì tôi thấy các bạn đó không giống diễn viên các ngành khác. Với họ, cơ thể là phương tiện giao tiếp, là lẽ sống còn, không phải là thứ để khoe. Đó là sự chia sẻ. Không ai sống mà không chia sẻ, tiếp thu. Tôi trân trọng vì không gì bằng những người coi sự chuyển động là lẽ sống. Vậy là tôi đặt vấn đề với hơn 30 bạn câm điếc, nếu họ dạy tôi nói bằng tay thì tôi dạy họ ngôn ngữ cơ thể. Qua một thời gian tập với nhau thì hình thành vở múa “Nơi đến”.

Khi biểu diễn, tôi nghĩ đó là món quà chúng tôi tặng nhau, không có tham vọng lớn lao gì hơn nữa. Lúc đó tôi vẫn muốn làm việc với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đây chỉ là là sự trải nghiệm, thực nghiệm. Chính các bạn nhắn tin bày tỏ tại sao không tiếp tục. Tôi rất vui vẻ khi làm việc lần thứ hai. Và đoàn múa hình thành, bây giờ là hơn 12 năm. Quay đi quay lại thì đây là đoàn múa đương đại đầu tiên của Việt Nam, rất tình cờ.

Trong sự giao tiếp đó, anh có nghĩ mình được nhiều hơn họ?

– Trong cuộc sống khi đặt cạnh nhau ta dễ ảnh hưởng của nhau. Với tôi và cả Lan, điều học từ các diễn viên của mình, là thỉnh thoảng chúng tôi được quyền im lặng và không phải nghe những thứ rác rưởi. Vở múa này chúng tôi tập với nhau trong 6 tháng rưỡi, làm việc như công chức, tập mỗi ngày 8 tiếng, và trong 6 tháng rưỡi đó tôi không phải nghe gì. Tôi nghĩ im lặng là một quyền. Họ được quyền im lặng, quyền không trả lời, không phải nghe. Ảnh hưởng từ nhau là vậy, không ai nhiều hơn hay
ít hơn.

Nhưng công việc đó có đồng nghĩa là anh áp đặt cho họ?

– Áp đặt trên phạm trù nghệ thuật khác, không còn là đương đại nữa. Lúc đấy chắc tôi sẽ tập cho họ Romeo – Juliet, Trương Chi, Thúy Kiều – Kim Trọng… Đấy mới là sự áp đặt. Còn ở đây chúng tôi thấy chính bản thân mình một cách giàu có hơn, sâu sắc hơn. Chúng tôi đang làm với nhau một việc chung, không ai áp đặt cho ai cả.

Anh có so sánh âm thanh hay sự im lặng, ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ âm thanh, cái nào đáng giá hơn?

– Đứng ở một vị trí quan sát nào đó thì chúng là một. Nhưng trong múa và âm nhạc, thì có sự tương đồng ở tiết tấu, nhịp điệu. Điều này chúng tôi phải cùng làm việc, trải qua thời gian dài mới có sự đồng điệu, cùng tạo ra một nhịp mang tính năng lượng, một tiết tấu mang tính đồng cảm với thiên nhiên, với bạn diễn. Điều này hấp dẫn chúng tôi từ ngày đầu và vẫn làm theo hướng đó đến giờ. Ở đây bao gồm cả nghệ sĩ thiết kế sân khấu, nghệ sĩ âm thanh, ánh sáng. Tất cả là một, mang hơi thở đồng điệu đó đến với nhau và đến với khán giả.

Múa có phải toàn bộ cuộc sống của anh?

– Không, dại gì mà thế. Đời biết bao thứ hay, đẹp, tại sao cứ phải ám lấy nó thế. Tôi chả yêu múa đến thế. Lúc nào không thích thì thôi, vứt đi cho nhẹ gánh. Tôi vẫn nghĩ sẽ một ngày tôi vứt nó đi. Ngày nào tôi còn làm thì sẽ làm tốt nhất có thể, dốc hết sức và trải hết lòng. Nhưng khi nào tôi hết ngôn ngữ đó thì tôi không làm nữa.

Anh đang chuẩn bị tinh thần cho đến khi mình không còn sáng tạo được nữa?

– Không, hai khái niệm khác nhau. Đây là sự trải nghiệm. Tôi không thích từ thể nghiệm, có nghĩa là thử, tôi không thích thử. Tôi thích thực nghiệm, nghĩa là thực hành. Thực nghiệm bắt buộc ta trải lòng, trải sức, trải thời gian để chúng ta có được kinh nghiệm quý báu, sự mài giũa. Khi chúng ta sống hết mình, đốt cháy mình lên, rồi phát hiện ra xăng hết rồi, thế thì thôi, việc gì phải giả vờ mình đầy xăng. Đây không phải sự chuẩn bị, đây là sự thật thà.

Hết buổi tập, Lê Vũ Long và Lưu Thu Lan ra về, vác theo một túi lớn đựng đồ diễn. “Mang về giặt” – hai người bảo. Họ vẫn tự làm mọi việc, và cùng nhau, từ thiết kế sân khấu, thiết kế trang phục, biên đạo… Lưu Thu Lan là quản lý đoàn múa, là người diễn trong “Ký ức thở dài” – chị có mặt trong “ký ức” cũng như trong hiện tại và tương lai của anh. Một “cặp đôi hoàn hảo”? “Hoàn hảo thì chắc là chưa. Một cặp đôi khổ sở. Theo nghĩa đáng yêu. Cùng yêu nhau và cùng khổ sở, và vẫn thấy đáng yêu, rồi lại cùng khổ tiếp” – Lê Vũ Long cười lớn.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*