Hội thảo sáng tác múa với đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng

Đầu tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Sáng tác múa với đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng“. Tại hội thảo, nhiều tham luận với những đánh giá khách quan, khoa học về những thành tựu đã đạt được, khơi gợi cách tiếp cận, cách nhìn mới trong sáng tác múa đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng Việt Nam đã được trình bày. Báo Quân đội nhân dân cuối tuần lược trích một số ý kiến của các đại biểu.

3731-4763910820130423091405953

Cảnh trong vở kịch múa ‘Đất nước’ của Nhà hát ca múa nhạc quân đội. Ảnh: TA.

Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh:Nhìn lại lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào và kiêu hãnh thông qua ngôn ngữ múa

Tiếp cận đề tài lịch sử trong xây dựng tác phẩm múa thường biểu hiện ở hai góc độ: Đồng hành với lịch sử và tái tạo lịch sử.

Đồng hành với lịch sử được hiểu với ý nghĩa gồm các tác giả sống và chứng kiến một giai đoạn lịch sử, cảm nhận từ thực tiễn cuộc sống, cùng đồng hành với hiện thực và sáng tạo nghệ thuật. Thực tế ở Việt Nam đang có một đội ngũ tác giả biên đạo được sống và trải nghiệm qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Họ là những người trong cuộc, trực tiếp hoặc gián tiếp sống với hiện thực lịch sử của giai đoạn đó. Chính vì thế, trong quá trình sáng tạo, bộ phận tác giả này có một cách biểu cảm riêng. Đó là lý do khách quan và muốn hay không muốn họ đã được lịch sử chi phối từ nhận thức, cảm thức cho đến sáng tạo ngôn ngữ múa, bố cục, cấu trúc tác phẩm. Tác phẩm kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” (Kịch bản và sáng tác của lớp học viên sáng tác múa, Cục Tuyên huấn, TCCT, tác phẩm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh) là một ví dụ.

“Tái tạo lịch sử” ý nói đến chủ thể sáng tạo-thế hệ biên đạo trưởng thành sau chiến tranh, khi đất nước đã thống nhất. Đây là lớp tác giả biên đạo hiểu biết chiến tranh, lịch sử qua học tập và sách báo, phim ảnh. Bộ phận này đã được tiếp thu kinh nghiệm của thế hệ đi trước trong cách tiếp cận và khai thác đề tài. Đồng thời, do sự phát triển của giao lưu văn hóa, có điều kiện tiếp cận với nhiều khuynh hướng sáng tác; các trường phái nghệ thuật trên thế giới và đặc biệt, không gian sáng tạo đã có nhiều thay đổi. Họ nhìn chiến tranh trong tâm thế hòa bình, tâm lý thời hậu chiến. Đó là sự khác nhau về giọng điệu, phong cách biểu đạt…

Như vậy, thực tế Việt Nam hôm nay cùng tồn tại “hai thế hệ” tác giả biên đạo và như vậy, đương nhiên chúng ta có 2 cách tiếp cận lịch sử, khai thác và giải quyết khác nhau…

Tuy nhiên, đã gọi là nghệ thuật thì tác phẩm không thể là sự sao chép, kể lại lịch sử, mô phỏng lịch sử, nhất là đối với ngôn ngữ múa. Tác phẩm hôm nay phải giúp khán giả suy ngẫm, nhìn lại lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào và kiêu hãnh-vẻ đẹp thông qua ngôn ngữ múa.

NSND Chu Thúy Quỳnh:Sáng tác đề tài lịch sử bắt nguồn từ cảm hứng chân thật

Sáng tác về đề tài lịch sử bắt nguồn từ cảm hứng chân thật từ những chiến công, nhân vật lịch sử đã cống hiến cuộc đời cho non sông, đất nước. Biên đạo múa tìm cách thể hiện hình tượng nhân vật ấy, chiến công hiển hách ấy trước hết bởi tình yêu, sự ngưỡng mộ, tự hào về lịch sử dân tộc rồi tư duy theo đặc thù nghệ thuật múa của mình để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật nhằm hướng đến việc giáo dục thẩm mỹ, nhận thức về tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc, cách mạng. Tìm đề tài lịch sử, nghệ sĩ cần khai thác chủ đề anh hùng ca, tôn trọng tính chân thực, những hiện thực khách quan mà các nhân vật lịch sử đã tạo nên nhưng đưa vào tác phẩm những cảm quan chủ thể của tác giả, có lúc dựa vào bối cảnh lịch sử để sáng tạo, hư cấu thêm những chi tiết nhằm làm rõ hơn hình tượng nhân vật và ý tưởng tác phẩm…

Tiến sĩ lịch sử, Biên đạo múa Nguyễn Thành Đức:Nghệ sĩ phải viết tiếp, làm rõ thêm những gì sử học chưa đề cập tới

Bản chất quy luật sáng tạo nghệ thuật là hư cấu, tưởng tượng trên cơ sở dữ liệu sự thật lịch sử. Sự thật lịch sử không cấu trúc sẵn những cốt chuyện theo yêu cầu tác giả. Người nghệ sĩ phải xây dựng đời sống con người, sự kiện lịch sử trong quá khứ nhưng không phải phản ánh giống như văn bản sử học. Nghệ sĩ phải viết tiếp sử học, làm rõ thêm những gì sử học chưa đề cập tới. Người nghệ sĩ có quyền giải thích lịch sử khác với định luận trong sử học…

Nhiệm vụ của nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm về đề tài lịch sử là tạo ra diễn ngôn mới về lịch sử, nhu cầu đối thoại mới, nêu cách nói mới để tìm những khả năng đã mất, gợi mở khả năng mới, cách nhìn mới. Tác phẩm viết về đề tài lịch sử cũng là loại diễn ngôn đặc thù, tác phẩm cần sử dụng những sự thật lịch sử nhất định bao gồm sự kiện, nhân vật, phong tục tập quán, đồ dùng, đồ trang sức, trang phục của từng loại người trong xã hội… nhưng chắc chắn không thể “hoàn nguyên lịch sử”.

Qua cách khám phá, hư cấu của nghệ sĩ làm cho người đọc, người xem trở nên thông minh, sáng suốt hơn, biết trân trọng và không bỏ qua những cơ hội say mê, khoái lạc về một thời hưng thịnh của quốc gia hay suy ngẫm ngậm ngùi, căm tức về sự thảm bại của đất nước. Đó là cách dẫn giải mới lịch sử, không tô hồng một chiều, không đối lập cực đoan để đưa khoa học lịch sử vào lòng người một cách nhẹ nhàng, sinh động.

NSND, họa sĩ Lê Huy Quang:Hư cấu không có nghĩa là tùy tiện xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, bôi đen hay tô hồng lịch sử

Nghĩ cho cùng, hư cấu trong sáng tạo văn học là quyền, nhưng cũng chính là trách nhiệm của mỗi người cầm bút, mỗi nghệ sĩ trước xã hội. Nhưng hư cấu không có nghĩa là tùy tiện xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, bôi đen hay tô hồng lịch sử-mà nó phải dựa trên những cứ liệu của lịch sử đã được kiểm chứng, khẳng định-để sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật chân thực, có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn và thuyết phục được đông đảo công chúng. Ngược lại, cũng không nên trung thành tuyệt đối với lịch sử một cách máy móc, khô cứng, giáo điều, sơ lược. Bởi hư cấu hay không hư cấu thì cũng phải đạt tới những giá trị nghệ thuật đích thực nhất định để hấp dẫn khán giả. Và như thế một câu nói có vẻ quen thuộc nhưng lúc nào cũng có lý và luôn mới, đó là ba chữ “tâm, tài và tầm” của mỗi người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy vất vả, gian khó, chông gai…

ĐỨC NGHĨA

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*