‘Đóa sen’ Linh Nga bừng nở đêm nghệ thuật dân tộc

Tối 30/1, đêm đầu tiên của chương trình nghệ thuật dân tộc “Sen” diễn ra tại Nhà hát TP HCM.

Trong đêm này, Linh Nga tham gia các tiết mục múa do cô và bố mẹ mình là NSƯT Đặng Hùng – Vương Linh biên đạo.

3554-2-jpg-1359593606-1359593677-500x0

Linh Nga trong tiết mục “Sen” mở màn đêm diễn.

Ở mỗi tiết mục, cô đều là nghệ sĩ múa chính, thể hiện hình ảnh đóa hoa sen – biểu trưng cho nét đẹp dân tộc. Trong màn múa mở đầu chương trình có tên là Sen, Linh Nga diện bộ váy được thiết kế công phu giúp cô tạo hình dáng như một búp sen hồng đang hé nở trên ngó sen vươn cao lên mặt hồ.

Bài múa thứ hai Giấc mơ trưa là một tác phẩm quen thuộc được nữ nghệ sĩ thể hiện nhiều lần trên sân khấu. Tuy vậy, khác với những lần diễn trên nền ca khúc Giáng Son sáng tác với tiếng hát Thùy Chi; hoặc phối hợp cùng tiếng đàn nhị của nghệ sĩ trẻ Long Phi trước đây; lần này, Linh Nga biến tấu điệu múa của mình trên nền nhạc piano du dương. Cùng nhóm diễn viên nữ, cô thể hiện những nét yêu kiều, nhẹ nhàng trong từng chuyển động, mang đến cảm xúc lắng đọng cho người xem.

Để thể hiện nhân vật trung tâm ở hai bài múa nói trên, Linh Nga trình bày vài động tác đòi hỏi yếu tố kỹ thuật khó: như xoay, xoạc chân với tốc độ nhanh, giữ thăng bằng ở độ cao… Đây được xem là thử thách với bà mẹ nghệ sĩ vừa sinh con đầu lòng cách đây không lâu. Để vẫn được sự dẻo dai và linh động, cô đã quay trở lại sàn múa luyện tập một tháng sau khi lâm bồn. Ở hai bài múa còn lại là Dâng SenSen khoe sắc, những động tác múa của “chim công” không quá khó về kỹ thuật. Cô nổi bật ở biểu cảm của gương mặt cùng tạo dáng thật đẹp và sự phối hợp hài hòa với cả tập thể nghệ sĩ. Các bài múa này đều có sự tham gia của rất đông diễn viên, tạo hiệu ứng thị giác thành công trên sân khấu.

Ngoài Linh Nga, chương trình Sen để lại dấu ấn khi 3 thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cùng xuất hiện để mang đến những tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc và cũng rất đương đại.

Biên đạo múa Trần Ly Ly mang đến hai tác phẩm đầy cảm xúc là Bùn và Sen và bài múa Đồng thoại. Ở Bùn và Sen, trên nền nhạc hòa quyện của piano và sáo trúc, các nghệ sĩ trẻ của nhà hát đã mang đến “bức tranh” đẹp kể về vòng đời của hoa sen, hình ảnh gắn bó mật thiết với những phẩm chất cao quý của dân tộc Việt. Bài múa còn lại là một phá cách bất ngờ khi nghệ sĩ trẻ Long Phi độc tấu đàn nhị với phong cách rất sôi động, tung hứng cùng nhóm nhảy hip hop. Các nghệ sĩ trẻ mặc trang phục dân tộc, vừa nhảy vừa hát bài rap thú vị cũng lấy chủ đề về đóa sen vươn lên từ bùn nâu.

3554-4-jpg-1359593606-1359593677-500x0

Bài múa “Dâng sen” mang ý nghĩa về sự cám ơn trời đất cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Với mục tiêu đề ra là chương trình văn hóa phục vụ du lịch, các tiết mục trong đêm Sen được cân đối giữa yếu tố nghệ thuật hàn lâm và yếu tố giải trí. Khoảng 40% thời lượng của đêm diễn dành cho các tiết mục nhạc nhẹ, các bài dân ca do những nghệ sĩ như: Hoài Phương, Thảo Linh, Bá Hùng, Nhất Sinh… thể hiện những ca khúc về đóa hoa được xem là quốc hoa. Các màn tứ tấu, hòa tấu dàn nhạc của các thể loại nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn kìm, đàn tam thập lục, đàn đá, T’rưng… mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, nhất là các du khách nước ngoài có mặt trong đêm diễn.

Bên cạnh không gian hoành tráng, lung linh của các tiết mục, âm nhạc là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của đêm Sen. Nhạc sĩ Nhật Trung đã sáng tạo khi để các nhạc cụ điện tử của phương Tây làm nền cho nhạc cụ truyền thống thăng hoa. Trong gần hai giờ đồng hồ, khán giả được thưởng thức từng nét nhạc đặc trưng của các vùng miền khác nhau trên cả nước.

3554-3-jpg-1359593606-1359593677-500x0

NSƯT Đặng Hùng (giữa) nhận danh hiệu kỷ lục Việt Nam từ trung tâm sách Vietkings, tôn vinh “Sen” như một chương trình nghệ thuật dân tộc đặc sắc.

Tối 31/1, đêm Sen tiếp tục diễn ra ở Nhà hát TP HCM. Đến tháng 3, chương trình được lên kế hoạch định kỳ diễn ra tại địa điểm này cũng như được mang lưu diễn trên các tỉnh thành ở toàn quốc.

Nếu như khán giả thấy yên tâm về nội dung và ý nghĩa của chương trình thì giá vé cho đêm diễn đang là vấn đề mà nhiều người xem còn băn khoăn. Với mức giá vé hiện tại trung bình 5 triệu đồng, sau đó là dao động ở các mức 1-3 triệu đồng (một số ít vé VIP có giá 10 triệu đồng), Sen dường như nhắm đến khán giả là người nước ngoài, khách du lịch nhiều hơn. Trước khi chương trình diễn ra, ông Ngô Quốc Dũng, đại diện của nhà tổ chức, chia sẻ với báo chí: “Giá vé cao cũng là một cách định giá công bằng cho chương trình nghệ thuật đẳng cấp“. Tuy vậy, để đi được đường dài và thành công như là một sản phẩm du lịch – văn hóa định kỳ, ban tổ chức cần phải tính toán khá nhiều để cân đối giữa bài toán kinh tế và nhu cầu thưởng thức của người xem.

Thoại HàẢnh: Lý Võ Phú Hưng

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*