Múa Tính cách nước ngoài

3158-291

Múa Tính Cách nước ngoài là một trong những môn học nằm trong chương trình giảng dạy của khoa múa Nước ngoài, là một bộ môn cung cấp những kiến thức và hiểu biết cơ bản về ngôn ngữ, phong cách múa của một số dân tộc trên thế giới như: Nga, Ba Lan, ý, Hunggari, Tây Ban Nha, Zigan… thông qua các động tác, những bài tập vịn gióng và ở giữa sàn, các hình thức múa Dân gian, múa Sân khấu, các thể loại múa đơn, múa đôi và múa tập thể.
Múa Tính cách nước ngoài được đưa vào chương trình giảng dạy nhằm mục đích giúp cho học sinh làm quen với những chất liệu múa của một số nước trên thế giới với tiết tấu âm nhạc đa dạng, qua đó làm tăng sự nhanh nhạy trong việc tiếp thu ngôn ngữ múa nói chung, tăng khả năng biểu hiện tình cảm và cảm xúc âm nhạc của học sinh để khi kết thúc môn học, học sinh có thể múa được những điệu múa của một số dân tộc trên thế giới, một số trích đoạn từ các vở vũ kịch nổi tiếng, có khả năng phân biệt và thể hiện rõ nét những phong cách múa khác nhau của từng dân tộc.
Môn múa Tính cách nước ngoài ở bậc trung cấp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam hiện nay là 200 tiết học chia làm 3 học kỳ và có thi hết môn (không thi tốt nghiệp quốc gia), học sinh được trang bị về cơ bản toàn bộ hệ thống các động tác múa, các hình thức múa cả Dân gian và Sân khấu của múa Nga, ý, Ba Lan, Hunggari, Tây Ban Nha, Zigan. Khi lên bậc Đại học, người học được ôn lại một phần hệ thống động tác của môn múa này, không có thêm những giờ học lý thuyết để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa tộc người, những nét đặc trưng hay điểm nhấn để tạo nên phong cách dân tộc. Đây có lẽ là một thiếu sót rất cơ bản và là một khó khăn lớn cho người giáo viên khi dạy môn học này vì tuy rằng dạy múa phần nhiều là truyền nghề theo kiểu bắt chước nhưng nếu không muốn học sinh múa như những cái “máy” vô hồn, sáo rỗng thì thiết nghĩ vấn đề lý thuyết trên là vô cùng quan trọng. Múa Tính Cách nước ngoài cũng giống như múa Dân gian dân tộc Việt Nam, quan trọng nhất là phải toát lên được cái “hồn” dân tộc, động tác chỉ là phương tiện để thể hiện “hồn” dân tộc đó để cho người xem biết được mình là ai, mình múa cái gì?… Thiếu đi “hồn” dân tộc đồng nghĩa với việc không phân biệt được phong cách múa đặc trưng của các dân tộc hay tộc người khác nhau.Đội ngũ giáo viên thuộc khoa múa Nước Ngoài của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam trước đây hầu hết đều được đi học tập cũng như tu nghiệp ở nước Nga. Qua quá trình học tập ở nước ngoài, các thầy cô đã được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như chuyên môn vững chãi không chỉ múa Cổ điển châu Âu mà còn cả múa Tính Cách nước ngoài, múa Duo… Đó là những điều kiện rất thuận lợi mà các thế hệ sau không có được khi phải đảm nhiệm giảng dạy các môn múa nước ngoài trong đó có múa Tính Cách.

3158-288

Những năm gần đây, trường ta có đầu tư, sưu tầm một số băng đĩa của nước ngoài nhưng hầu hết đều là về múa Cổ điển châu Âu, hầu như chưa có băng đĩa hình hay âm nhạc dành cho múa Tính Cách nước ngoài. Từ trước tới nay cũng chưa có lớp tập huấn nào dành cho giáo viên dạy môn múa Tính Cách nước ngoài. Các giáo viên hiện nay dạy môn học này là cô Quỳnh Lan và cô Minh Ngọc đều chưa được học tập chuyên sâu để dạy múa Tính Cách nước ngoài, chủ yếu vừa dạy vừa học hỏi, trao đổi với những người đi trước để có thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Những thực trạng nêu trên là một khó khăn lớn với những thầy cô đang giảng dạy môn múa Tính Cách nước ngoài hiện nay. Với mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thời đại mới, tôi đưa ra một số giải pháp sau đây:

1. Tăng cường số tiết giảng dạy văn hoá, lịch sử các dân tộc có trong chương trình giảng dạy chuyên môn

Để đào tạo diễn viên không thành những người thợ múa nói chung và để nâng cao chất lượng đào tạo múa Tính Cách nước ngoài, nhất thiết cơ sở đào tạo phải tăng cường số tiết giảng dạy về lịch sử và văn hoá một số dân tộc nước ngoài nhằm làm sâu sắc hơn về nhận thức và tinh tế hơn trong thể hiện mỗi động tác múa. Cần nhấn mạnh những đặc điểm trong phong tục tập quán là yếu tố đã tạo nên những đặc điểm về phong cách múa giúp các em học sinh không chỉ tiếp thu các động tác múa đơn thuần mà còn phải hiểu được tính cách, nắm bắt được hồn trong các động tác, điệu múa của từng nước khác nhau. Đặc biệt các thầy, cô đã từng được học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ chính là những người giới thiệu, lưu truyền và giảng dạy lại cho các thế hệ giáo viên kế cận

2. Hệ thống hóa những tổ hợp múa, động tác múa

Hệ thống hoá những tổ hợp múa, động tác múa của từng dân tộc thông qua ý kiến thống nhất của hội đồng chuyên môn, từ những động tác đơn lẻ, riêng biệt chúng ta có thể sắp xếp theo hệ thống, theo nhóm.

3. Khoa học hoá phương pháp biên soạn giáo trình

Để đạt được các mục tiêu đào tạo chính quy toàn diện, vấn đề cấp bách đặt ra là phải xây dựng chương trình, giáo trình, nội dung giảng dạy của môn múa Tính Cách nước ngoài trên cơ sở đảm bảo tính khoa học của chất liệu múa. Giáo trình phải thường xuyên được chỉnh lý, cập nhật và đổi mới. Xuất phát từ yêu cầu trên cần thiết phải mở các lớp bồi dưỡng tập huấn nâng cao kiến thức nghiệp vụ và hội thảo. Cần tổ chức hàng năm những đợt hội thảo từ cấp trường đến cập bộ nhằm thẩm định và bổ sung cho giáo trình giảng dạy, trực tiếp học tập ở những thầy cô chuyên môn đã tốt nghiệp ở nước ngoài để có thể nắm vững được chất liệu, những điệu múa ở hình thức dân gian hay sân khấu của nước ngoài đã lưu truyền qua thời gian.

4. Đổi mới phương pháp giảng dạy

Đổi mới phương pháp giảng dạy múa Tính Cách nước ngoài phải được bắt đầu từ sự truyền đạt kiến thức về lịch sử và văn hoá các dân tộc. Từ những đặc điểm cơ bản trong hoạt động kinh tế đến phong tục tập quán thông qua phương pháp sư phạm của người giáo viên sẽ tạo cho học sinh sự hứng thú, có cảm xúc chân thực, có được trí tưởng tượng sáng tạo phong phú hơn khi thể hiện các điệu múa Tính Cách nước ngoài. Đây là điều tối cần thiết trong việc đào tạo diễn viên và cả giáo viên, biên đạo múa. Phương pháp giảng dạy và huấn luyện các động tác múa phản ánh kiến thức và trình độ sư phạm của người giáo viên. Một vấn đề lớn hơn nữa của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy và huấn luyện động tác là vấn đề thể hiện động tác múa một cách tinh tế,ngọt ngào, sắc nét. Bên cạnh kiến thức, trình độ sư phạm là khả năng thị phạm của người giáo viên, đó là yêu cầu không thể thiếu khi dạy giáo viên cũng phải hiểu, phải cảm nhận được tinh thần, cảm nhận được hồn dân tộc trong các điệu múa Tính Cách nước ngoài nhằm khích lệ cảm nhận trực quan của học sinh và niềm hứng thú, say nghề, yêu thích các động tác múa, điệu múa Tính Cách nước ngoài.

5. Dàn dựng, sưu tầm, đầu tư

Để làm phong phú thêm cho chương trình giảng dạy môn múa Tính Cách nước ngoài, cần tiếp tục sưu tầm nghiên cứu về nghệ thuật múa của các nước, ghi lại bằng đĩa hình và truyền lại cho các thế hệ thầy cô giảng dạy múa Tính Cách nước ngoài. Vận động, khuyến khích các thầy cô, các biên đạo cùng góp sức phát hiện, sưu tầm, dàn dựng thêm nhiều tiết mục, tác phẩm sử dụng ngôn ngữ múa Tính Cách nước ngoài.Bên cạnh việc giới thiệu, dàn dựng lại những tiết mục cũ, kinh điển nhằm mục đích lưu giữ truyền thống, người giáo viên cần phải dàn dựng thêm được những tiết mục mới.
Điều đó thể hiện sự năng động, sáng tạo của giáo viên cũng như sẽ phát huy được hết khả năng, tố chất múa của học sinh. Chính vì thế việc cập nhật những tác phẩm, tiết mục múa Tính Cách nước ngoài theo kiểu truyền thống kinh đỉnh hay hơi hướng hiện đại đều rất quan trọng. Đặc biệt là mảng múa phương Đông (múa Trung Quốc, ấn Độ…) nên đưa dần vào chương trình giảng dạy nhằm tăng thêm sự phong phú,đa dạng cho môn học này.
Ngoài ra cần đầu tư nhiều cho trang phục, đạo cụ cũng như băng hình, đĩa nhạc, bài nhạc múa Tính Cách nước ngoài tạo nhằm tạo nên sự đa dạng, phong phú cho mỗi lớp khi thi hết môn.

3158-290

6, Giới thiệu một số tiết mục múa Tính Cách nước ngoài

Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh những giờ lên lớp cơ bản, người giáo viên cần sưu tầm, chọn lọc thêm một số băng đĩa về múa Tính Cách nước ngoài để giới thiệu cho học sinh nhằm khích lệ lòng yêu người nghề và qua đó tìm những tiết mục, tiểu phẩm phù hợp để dàn dựng cho học sinh. Một số tiết mục có thể dàn dựng như: múa Kalinka (Nga), múa Karante (ý), múa quạt Tây Ban Nha, các trích đoạn múa Ba Lan, Hunggari trong các vở Ballet như Hồ Thiên Nga… Cho đến nay, môn múa Tính Cách nước ngoài cũng đã có một vị trí nhất định trong khoa múa Nước Ngoài cũng như trong trường CĐ Múa Việt Nam. Từ chương trình, số tiết, trang phục đã có những sự thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, để môn học này ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn đòi hỏi rất nhiều đến sự đầu tư, quan tâm của Nhà trường, của Khoa cũng như của chính các giáo viên đã và đang tham gia giảng dạy môn múa Tính Cách nước ngoài. Điều đó không chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo của Trường, của Khoa mà còn thể hiện sự tâm huyết, yêu nghề của mỗi giáo viên.

( Nguồn: http://www.cdmuavn.edu.vn/)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*