Dễ dãi như múa minh họa

Múa minh họa đang công thức và dễ dãi như thể một bản lý lịch có mẫu sẵn, chỉ việc điền tên qua loa vào là xong – một nhà phê bình lên tiếng trong Hội thảo về múa minh họa tổ chức tại Hà Nội sáng qua (1.8).

Nhà phê bình Thái Phiên bắt đầu tham luận về múa minh họa bằng một câu chuyện buồn cười trên nền nhạc trữ tình cách mạng của bài hát Dáng đứng Bến Tre. Khi tất cả đang chìm trong chất anh hùng ca qua giọng của một nghệ sĩ nổi tiếng thì bỗng nhiên một tốp các cô gái khăn rằn, áo bà ba bỗng đâu nhảy những bước chân sải dài ra sân khấu. Chưa hết, để mô tả cho lời “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió” thì tác giả đã để cho các cô du kích giả vuốt vào mái tóc ngắn cũn làm động tác giả tưởng. Khán giả từ phân tâm đến cười buồn và tê tái.

2899-mua

Múa bưng bê đang bị lạm dụng trong minh họa bài hát – Ảnh: Ngọc Thắng

Câu chuyện NSƯT Nguyễn Mạnh Hà kể về những diễn viên cỡ tuổi ông nội bà nội mà vẫn bị biên đạo bắt bà ngồi lên đùi ông. Rồi bà ườn người ra, y như một đôi nam nữ tỏ tình, trông rất kệch cỡm, phản cảm. Tình hình “bế bồng bê vác” phổ biến trên sân khấu múa minh họa đến nỗi, vợ ông cứ mỗi lần xem ti vi thấy có tiết mục múa lại “tiên tri”: “Ông xem, nó lại sắp bế nhau lên bây giờ đây”. “Một số biên đạo múa không biết do kém tài năng hay nhận thức mà ít sử dụng ngôn ngữ múa dân tộc quá, cứ đi vay mượn của người khác. Dẫn đến tình trạng múa nào cũng bê cũng vác. Mặc quần cũng bê. Mặc váy cũng bê. Hết bê đằng trước lại cõng đằng sau”, NSƯT Nguyễn Mạnh Hà nói.

“Múa minh họa cho bài hát là một nhu cầu để tiết mục hay hơn. Tuy nhiên, người có tài làm khác, kẻ bất tài làm khác”, NSND Công Nhạc chia sẻ.

Chính vì có tài, bất tài, chăm chỉ, dễ dãi mà múa minh họa giờ đã có nguy cơ thành thảm họa. Chính vì thế, thay vì làm cho tiết mục vui lên, “đỡ giọng” cho ca sĩ thì lại trở thành bị lạm dụng khiến người xem bực mình khó chịu.

Mà không bực mình sao được khi có nghệ sĩ chia sẻ, có những đoàn diễn do không đủ diễn viên múa đã huy động cả đội nhạc, đội ca ra minh họa, phụ họa. Thậm chí có đoàn còn huy động cả nhân viên hành chính, hậu đài đứng lên ngọ nguậy, làm nền cho đầy đặn sân khấu, tạo vẻ hoành tráng cho chương trình.

“Biên đạo múa đã dễ dãi, ít chịu tìm tòi sáng tạo, diễn viên cũng dễ dãi với mình hơn. Vì thế, điệu múa khi biểu diễn cũng không đều, kẻ trước người sau, kẻ lên người xuống xem rất tức mắt khó chịu”, ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng lo theo nhà phê bình Khắc Tuế là kiểu minh họa này đã trở thành trụ cột trong nhiều chương trình chào mừng đại hội, chào mừng các ngày lễ lớn; chào mừng cá đơn vị nhận danh hiệu… Người ta dựng múa minh họa theo một khuôn mẫu giống như bản mẫu in sẵn rồi cứ thế điền vào, như bản lý lịch hoặc bản khai hộ khẩu. “Nếu tình trạng trên cõng theo hai chữ hoành tráng như đã thể hiện ở sân khấu như bấy lâu thì không còn là múa nữa mà chỉ là một sự bôi bác”, ông Khắc Tuế bức xúc. NSƯT Như Bình cũng bất bình không kém vì những sáng tác không ra đầu ra cuối này đã làm giảm giá trị các chương trình có tính chính trị như trên.

Về những bất ổn múa này, nhà phê bình Khắc Tuế gay gắt: “Cục Nghệ thuật biểu diễn có lẽ vẫn đứng ngoài, vì đơn vị quản lý nghệ thuật này chỉ cho rằng khi soi xét chương trình không có tiết mục nào phản động là được. Nhưng có biết đâu diễn một chương trình nghệ thuật mà bôi bác thì hình ảnh của đất nước sẽ bị bóp méo”. Điều này, có lẽ các nhà quản lý cũng nên xem xét lại.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Comments

  1. Tống mai len :

    Kính gửi toàn thể anh chị em diễn viên múa cũng như những nhà phê bình đánh giá về chất lượng múa. Tôi xin được bày tỏ quan điểm của minh, bản thân tôi là 1 diễn viên múa đã qua trường lớp và đã có kinh nghiệm biễu diễm 7 năm, tuy chưa là gì so với các bậc lão niên như cô Chu Thuý Quỳnh, cô Kim Chung, Cô Kim Quy…nhưng xin cho phép tôi được hỏi các vị đã nói về múa minh hoạ mà suốt ngày bê bế nhau. Nếu các vị nhìn tự đứng về phía diễn viên chúng tôi để cùng ngồi xem 1 bài múa chỉ vờn nhau qua lại, chạy bên này chạy bên kia, cười cười vài động tác dân gian, thử hỏi đã 100 năm hơn ngành múa có khác được gì không, các vị sẽ nói sao mà không có sự đổi mới hay tìm tòi, khi chúng tôi đỗi mới, xin được nhắc lại bê đỡ hay còn gọi là múa đôi đấy không phải ai muốn bê đỡ cũng được đâu, phải có sức khoẻ về phia nam, và bạn nữ phải có sự dẻo dai,đâu phải muốn bê là đẹp, các vị có thể đánh giá cặp đó múa xấu, bê sai, chứ không thể đánh giá họ bê đỡ tron bài cách mạng là không đúng, vì các vị có hiểu ngôn ngữ của múa đâu, múa là 1 loại hình nghệ thuật của thân thể, mỗi người diễn viên chúng tôi phải dùng cả con người, nụ cười, ánh mắt, bàn tay, hay cả tâm trí mình để múa.mà ngôn ngữ múa là vô hạn, xin đừng nghĩ mình đã hiểu nghề và yêu nghề hơn chúng tôi để có thể phát ngôn rằng chúng tôi không đổi mới, chúng tôi múa mà các vị thấy nực cười. Nghề múa chúng tôi ăn cơm thì ít uống nước thì nhiều, mồ hôi, nước mắt phải tâm huyết mới sống được với nghề, không động viên không chia sẽ thì thôi, chứ đừng sỉ nhục tác phẩm và nụ cười trên sân khấu ấy. Thiết nghĩ không biết 10 năm sau còn ai dám hi sinh cho cái nghề múa này không, tất nhiên trong lời các vị nói có những diễn viên dỏm, có tài bắt chước nhưng không biết là mình còn bị hạn chế, chưa hiẻu hết về múa, nên họ dựng những bài minh hoạ chưa ra đúng chất của bài đó, nhưng đa phần những người đó đều có sự cố gắng nên động viên để lớp trẻ sau này còn được tâm huyết với nghề múa này.

Speak Your Mind

*