Nhọc nhằn lột xác thành “thiên nga”

Ít có bộ môn nghệ thuật nào lại đòi hỏi khắt khe không chỉ về năng khiếu mà cả về hình thể như bộ môn múa.Luôn kiềm chế nỗi thèm ăn, thi thoảng lại bị bong gân, trật gối; trong mơ cũng giật thót như đang bật người lên cao; tập đi bằng hai đầu ngón chân đến rướm máu… là hình ảnh về những cô bé, cậu bé vừa “chân ướt chân ráo” vào trường múa Việt Nam. Đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nhưng các em đã lao vào cuộc rèn luyện đầy nhọc nhằn, khắc khổ để một ngày kia lột xác trở thành những con “thiên nga” trên sàn diễn.12 tuổi rời quê làm sinh viên “nhí”

12- đó là lứa tuổi nhỏ nhất được tuyển đào tạo chính quy tại trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Ở độ tuổi này, các em đang theo học lớp 7 tại các trường THCS, hầu hết còn được “ủ” khá kỹ trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Nhưng với các em ở lớp sinh viên “nhí” khóa 38 lại là cả một thế giới tự lập rất riêng.

Mới “chân ướt chân ráo” vào trường múa nhưng hầu như các em nhỏ đều thuộc lòng câu vè: “Ăn như múa, ngủ như ca, la cà như ban nhạc, rời rạc như hậu đài, nói dài như biên đạo”. Chuyện “ăn như múa” có ý ám chỉ áp lực về cân nặng trong nghề múa. Chỉ cần hơi béo một chút, bụng hơi to ra là coi như “tiêu đời”.

Các em ở trong ký túc xá của trường, 6- 8 bạn một phòng, các vấn đề về vệ sinh cá nhân như tắm gội, giặt giũ quần áo, dọn dẹp phòng ở… các em đều biết tự làm như các anh chị sinh viên lớn. Cô bé Đặng Ngọc Ánh, quê ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang theo học lớp múa khóa 38 kể: “Mới đầu xuống trường cháu cũng nhớ nhà lắm, hầu như ngày nào cũng khóc. Đang ở nhà quen được bố mẹ chăm sóc, chẳng bao giờ nghĩ đến việc giặt giũ quần áo… nên lúc mới xa nhà, phải tự mình làm tất cả mọi việc, nhiều lúc cháu thấy tủi thân nên khóc“.

1342-nhoc-nhan-lot-xac-thanh-thien-nga-1-vinatro-com-1

Cô và trò trên sàn tập ballet.

Vượt hàng mấy trăm cây số từ Quảng Bình ra Hà Nội, cô bé 12 tuổi Nguyễn Thị Kiều Hương cũng nhiều đêm ôm gối khóc vì nhớ nhà. Nhà xa nên bố mẹ cũng ít khi ra Hà Nội thăm con gái, hàng tháng chỉ gửi cho con 800.000 đồng để ăn uống, chi tiêu. “Tiền bố mẹ gửi cháu mang xuống căng tin đóng tiền ăn trưa và tối hết 700.000 đồng, còn lại 100.000 đồng thì cháu để ăn sáng và thi thoảng đi bộ ra chợ Đồng Xa mua bột giặt, sữa tắm, dầu gội”, Kiều Hương kể.

Sinh viên “nhí” Trần Thị Dung quê ở Nghệ An cũng rời xa gia đình ra Hà Nội vì đam mê dòng múa cổ điển bác học ballet. Có những giờ sau buổi luyện tập, cô bé mệt lả người, cổ khát khô như cháy họng đến nơi. Động tác múa ballet khó nhất mà cô bé 13 tuổi này thấy “ngại” là động tác giơ chân lên đến mức cao nhất là qua đầu hoặc chạm vào tai (không được dùng tay cầm chân).

Nhìn các cô chú diễn viên, các anh chị lớn làm động tác đó cháu rất mê, cháu rất muốn làm được động tác khó ấy. Nhưng bây giờ bọn cháu còn nhỏ nên các thầy chỉ yêu cầu giơ chân 90 độ ngang hông thôi“, cô bé quê Nghệ An nói. Nam sinh viên “nhí” Nguyễn Văn Linh quê ở Tuyên Quang, một trong 5 cậu con trai trong lớp học có tới 14 bạn gái, cũng thấy “nhọc” với động tác giơ chân: “Khó lắm, nhất là với bọn cháu, mới học nên người chưa được dẻo cho lắm“.

Bước chân rớm máu trên sàn tập

1342-nhoc-nhan-lot-xac-thanh-thien-nga-2-vinatro-com-1

...đến giờ học múa ballet.

Không chỉ nhọc nhằn với chế độ luyện tập gian khổ, ăn uống kiêng khem điều độ, mà các cô bé, cậu bé nhỏ tuổi này còn đối mặt với muôn vàn trắc trở khi bắt đầu cuộc sống tự lập từ sớm. Các em đang ở tuổi lớn, tâm sinh lý rất thất thường nên chúng tôi không chỉ dạy chuyên môn mà còn phải nắm bắt tâm lý các em, dạy các em lối sống ngoài đời“. Cô giáo Bùi Thúy Huyền (Trường CĐ Múa Việt Nam)

Để “lọt” qua được đầu vào của cái nôi đào tạo múa chuyên nghiệp này, các cô bé, cậu bé buộc phải có độ dẻo nhất định của cơ thể, có sự cảm thụ âm nhạc tốt, có khả năng sáng tạo để tưởng tượng ra các động tác múa theo yêu cầu của hội đồng thi tuyển. Chưa kể, các em phải có hình thể đẹp. Chỉ cần hơi mập một chút hay người hơi thấp, chân tay hơi cong là bị loại ngay. Những cô bé, cậu bé có dáng người thuộc diện “chuẩn” mà gương mặt không đẹp cũng bị loại ngay tắp lự. Đầu vào đã khó, nhưng quá trình 6 năm rèn luyện trong trường mới thực sự gian khổ.

Với các cô bé, cậu bé 12- 13 tuổi thì sự luyện tập ấy còn gian khó gấp bội. Mỗi ngày, các em phải luyện tập ít nhất là 4 đến 5 tiếng. Mỗi sáng, nếu luyện tập ngay từ tiết đầu thì 7 giờ các cô bé, cậu bé phải có mặt ở phòng tập. Hai môn học bắt buộc là múa ballet và múa dân gian được chia đều thời gian trong buổi sáng. Nghỉ ăn trưa được khoảng 2 tiếng, buổi chiều các em tiếp tục học văn hóa, tối đến lại lên sàn tập ôn lại các bài, các động tác múa.

Cô giáo Bùi Thúy Huyền (giáo viên bộ môn múa dân gian, Trường CĐ Múa Việt Nam) cho hay, các bài tập của học sinh trường múa rất nặng nhọc, cả ở bộ môn múa dân gian và múa ballet cổ điển đều đòi hỏi độ khéo léo và kỹ thuật cao. Hàng ngày, các em phải tập bật cao, quay tròn, uốn dẻo, nhảy bước lớn, xoay người trên cao, xoay người dưới thấp; tập đi bằng hai đầu ngón chân trên giày mũi cứng nhiều khi đến rướm cả máu. Mỗi động tác chân, tay, eo xoay đều phải chuẩn, ngay cả ánh nhìn của mắt cũng vậy.

Để có thể giang hai chân thẳng trong các bài múa ballet, các em phải tập kéo chân bằng tạ, quả tạ được cột vào chân, sau đó duỗi thẳng để kéo. “Trong bộ môn múa thì cơ bụng rất quan trọng, góp phần tạo dáng đẹp trong các bài múa. Nhưng để có cơ bụng săn chắc, các em phải tập hít đất rất nhiều, có những em còn bầm dập bàn tay. Còn để đi được bằng hai đầu ngón chân thì cũng phải mất rất nhiều lần rướm máu, chảy máu hai đầu ngón chân. Thậm chí, hai đầu ngón chân còn chai cả đi“, cô giáo Huyền nói.

Hàng ngày, vào những lúc nghỉ ngơi, rỗi rãi, các cô bé, cậu bé còn tranh thủ dựa lưng vào tường, kiễng chân, áp sát vào tường để luyện cách đứng cho thật thẳng người.

1342-nhoc-nhan-lot-xac-thanh-thien-nga-3-vinatro-com-1

Ăn như… múa!

Mới “chân ướt chân ráo” vào trường múa nhưng hầu như các em nhỏ đều thuộc lòng câu vè: “Ăn như múa, ngủ như ca, la cà như ban nhạc, rời rạc như hậu đài, nói dài như biên đạo“. Chuyện “ăn như múa” có ý ám chỉ áp lực về cân nặng trong nghề múa. Chỉ cần hơi béo một chút, bụng hơi to ra là coi như “tiêu đời”. Không ít cô diễn viên múa thèm ăn quá nhưng lại sợ lên cân nên ăn cho thỏa cơn thèm rồi lại móc họng cho ra.

Các cô bé, cậu bé ở lớp múa nhí cũng phải tuân theo những chế độ nghiêm ngặt về cân nặng. Cô bé Nguyễn Tú Chinh, 13 tuổi kể: “Cháu không dám ăn nhiều vì sợ béo không học múa được. Khi nào thèm quá thì cháu chỉ dám ăn một ít món mà mình thích nhất. Bạn nào cân nặng 37 kg trở lên thì bắt đầu phải hãm, giảm ăn và chạy bộ“.

Sinh viên “nhí” Lê Hoàng Anh nhà ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội nên cô bé không phải ở ký túc xá mà sáng đi tối về, được bố mẹ chăm sóc cẩn thận nhưng cô bé cũng tự ý thức kiềm chế ăn, không dám ăn nhiều. Hoàng Anh tâm sự: “Buổi sáng cháu chỉ ăn nhẹ, trưa ăn cơm hoặc bún ở trường, tối về nhà nhiều đồ ăn lắm nhưng cháu cũng không dám ăn xả láng đâu“.

Cô bé Đặng Ngọc Ánh (Lào Cai) thì bảo: “Ăn nhiều, bụng to thì làm sao mà ép được lườn nghiêng hẳn xuống khi múa các bài múa dân gian“. Không chỉ ghìm mình trong việc ăn uống, các cô bé, cậu bé mới vào còn đòi hỏi phải có sự “rèn” chuẩn mực về động tác, từ hướng đầu, hướng cánh tay, cho đến hướng bàn chân. Nghề múa đầy nhọc nhằn bởi không chỉ vung tay, vung chân mà các em còn phải học cách cảm nhận được hơi thở từ bên trong.

Theo eva

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*