Một số đặc điểm của múa dân gian

1332-20938556-images2043694-img-0452

Việt Nam có 54 dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân gian của dân tộc mình. Các dân tộc Việt Nam đã để lại cho thế hệ sau một kho tàng nghệ thuật múa quý giá. Nhìn từ góc độ nghệ thuật múa, có thể nói di sản múa dân gian là cơ sở tiêu biểu xác định bản sắc múa của mỗi tộc người. Trong một xã hội hiện đại, khoa học kĩ thuật phát triển, di sản múa dân gian đối với sự phát triển của ngành múa chuyện nghiệp Việt Nam trở nên rất quan trọng. Muốn đổi mới, cách tân thì cần phải nghiên cứu, xác định và hiểu đâu là giá trị đích thực cần phải kế thừa. Nói cách khác, cần phải tìm ra hằng số giá trị của múa dân gian.

Quan sát, nghiên cứu các điệu múa dân gian, chúng ta có thể nhận biết được thái độ, ý thức, thẩm mĩ trong lao động của người xưa. Những hình ảnh trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, trong các mối quan hệ xã hội, trong phong tục tập quán, trong đời sống tâm linh… được thể hiện trong múa dân gian có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hoá của các tộc người. Múa dân gian biểu hiện tri thức văn hoá của quần chúng nhân dân, biểu hiện bản chất múa của văn hoá dân tộc. Múa dân gian phản ánh sức sáng tạo, tài năng của nhân dân.Ngoài ra, múa dân gian còn có tác dụng thiết thực đối với tình cảm và đời sống của con người. Múa dân gian được thể hiện trong các lễ thức (múa tín ngưỡng). Những động tác biểu hiện thế giới tâm linh của con người (cầu mong sự che chở, phù hộ của các đấng thần linh, trời, Phật… ). Ngoài ra, từ thuở xa xưa, qua các điệu múa, người dân còn muốn truyền lại các kinh nghiệm lao động sản xuất, săn bắt… Múa dân gian còn thể hiện những hành vi ứng xử của con người, tạo môi trường không gian để con người đến với nhau. Đặc điểm này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt văn hoá dân gian ở làng, bản như xoè vòng của dân tộc Thái, xoè chiêng của dân tộc Tày. Hoặc có thể lấy ví dụ rõ hơn như múa lăm vông của người Lào. Có những điệu múa dân gian cũng mang ý nghĩa đạo đức nhưng được thể hiện ở góc độ khác nhau. Ví dụ một số điệu múa dân gian như múa dô (gắn với tục thờ Tản Viên), múa dậm (gắn với tục thờ Lý Thường Kiệt), múa cờ lau tập trận (trong hội Hoa Lư), múa chèo tàu (gắn với tục thờ các tướng của Hai Bà Trưng), hay là múa dân gian trong hội đền Hùng, hội Gióng (gắn với tục thờ Phù Đổng Thiên Vương). Những điệu múa đó tuy đơn giản, phức tạp khác nhau, mức độ, quy mô khác nhau tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, từng cộng đồng người… những đều thể hiện tình cảm của con người, đồng thời qua đó phản ánh những giá trị đạo đức cổ truyền của nhân dân. Đó là lòng tôn kính và biết ơn với các anh hùng dân tộc. Những giá trị đó được lưu giữ và tồn tại có tính bền vững trong dân chúng. Bài học đạo đức được thể hiện qua múa dân gian có ý nghĩa giáo dục đối với các thế hệ; đó là lòng yêu nước, cuộc sống tình nghĩa, tình yêu quê hương, thiên nhiên…

1332-916159595ynga

Múa dân gian Nga

Nếu như so sánh múa dân gian người Việt nói chung với múa dân gian của các nước khác, như múa dân gian Nga chẳng hạn, chỉ nghiên cứu riêng về “cường độ” (độ mạnh, nhẹ), tiết tấu (nhanh, chậm) đã có sự khác nhau cơ bản. Đa số các bước chân của múa dân gian dân tộc Việt đều bước đi rất nhẹ nhàng. Có nhà nghiên cứu cho rằng, do người Việt chủ yếu là cư dân nông nghiệp sống ở đồng bằng, địa hình bằng phẳng, có thói quen đi chân đất, thích một cuộc sống hiền lành, êm đềm… Vì thế, phong cách sống của họ đã ảnh hưởng đến bước đi trong múa. Ngược lại, dân tộc Nga ở xứ lạnh, đương nhiên không ai đi chân không trên tuyết. Đôi giày đối với họ hết sức quan trọng. Vào mùa đông, đi từ nơi khác về đến trước cửa nhà , mọi người đều có thói quen dẫm thật mạnh nhiều lần trên bậc cửa cho tuyết rơi xuống đất. Thói quen đó đã được đưa vào múa dân gian. Nhiều điệu múa dân gian Nga, từ đầu cho đến cuối tác phẩm, môtip chính chỉ là động tác dậm chân. Những động tác đó được thể hiện ở những cường độ, tiết tấu khác nhau, tạo nên sức hấp dẫn khác nhau. Nếu so sánh về tiết tấu, nhịp độ thì múa Nga nhanh và mạnh hơn hẳn múa Việt. Nhanh và chậm đó cũng là biểu hiện sắc thái, tình cảm, thẩm mĩ rất quan trọng trong nghệ thuật múa, bản sắc dân tộc của múa.

Qua ví dụ vừa nêu, có thể thấy rằng, một trong những đặc điểm của múa dân gian của người Việt là tính chất nhẹ nhàng, uyển chuyển, chậm rãi.

Do luôn luôn tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ, múa dân gian thường không có một cấu trúc ổn định, hay nói cách khác, đó là cấu trúc mở. Do có cấu trúc mở, múa dân gian không ngừng được bồi đắp và bổ sung những sáng tạo mới của các thế hệ tiếp theo với mục đích nhằm thoả mãn nhu cầu văn hoá của cộng đồng, khu vực, quốc gia. Những bồi đắp mới, bổ sung mới được dân chúng chấp nhận, lưu giữ và sử dụng sẽ trở thành di sản của văn hoá dân tộc, đồng thời là cơ sở, nền tảng cho những sáng tạo bổ sung của các thế hệ nối tiếp. Cấu trúc mở của múa dân gian là luôn sẵn sàng đón nhận những sáng tạo, bổ sung hoặc một sự điều chỉnh mới cho hoàn chỉnh hơn. Do những sáng tạo của múa dân gian mang tính tự nguyện, thâu nhận vào mình một cách tự nhiên, tự nguyện, tự giác nên khác với múa chuyên nghiệp, múa dân gian không cần phải xác định “quyền tác giả”. Tác giả của múa dân gian chính là số đông dân chúng, là nhiều vùng, nhiều thời đại.

Múa dân gian là một hình thái múa phổ biến trong nhân dân. Thông qua các diệu múa, chúng ta thấy nó mang dấu ấn một cách sinh động cuộc sống lao động, chiến đấu, tình cảm, cách nghĩ và những quan điểm thẩm mĩ của các cộng đồng, các tộc người, xuất phát từ những điều kiện địa lí, xã hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc khác nhau. Sự khác nhau đó xét về một khía cạnh nào đó cũng chính là sự thể hiện bản sắc riêng của từng dân tộc.

Múa dân gian được cách điệu từ cuộc sống lao động, sinh hoạt… của nhân dân. Trong kho tàng múa dân gian Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn lưu giữ được, chiếm số lượng lớn là các điệu múa thể hiện trong lao động nông nghiệp. Do đó, có thể nói, múa người Việt thể hiện cuộc sống của các cư dân nông nghiệp. Ví dụ như múa gặt lúa, múa chạy cày, múa xúc tép, múa soi đèn bắt cá,…

1332-muacaylua

Múa cấy lúa

Múa dân gian do mô phỏng hiện thực nên mặc dù đã được cách điệu hoá vẫn mang tới cho người xem những thông điệp sát thực. Điều này được thể hiện cả hai chiều. Chiều thứ nhất là tự thận điệu múa được “tác giả dân gian” ghi nhận trong thực tế, từ đó sáng tạo nên. Chiều thứ hai là người thể hiện (người trình bày điệu múa) cũng hết sức cố gắng bắt chước hiện thực cộng với yếu tố sáng tạo cá nhân trong quá trình thể hiện cũng mang lại những tín hiệu chân thực và có sức hấp dẫn.

Ví dụ, khi quan sát điệu múa dệt vải. Đây là điệu múa dành cho nữ, vì thế, tính chất của điệu múa là rất mềm mại, nhịp nhàng, nữ tính. Hai bước chân đối nhau, tiến lên đều đặn. Nhìn động tác này, nếu ai biết chút ít về nghề dệt vải sẽ hình dung thấy hai chân cô gái như đang “đạp cửi” (bộ phận chuyển sợi dọc của tấm vải). Hai tay mở ra, thu về trước bụng, đổi nhau trên dưới đều đặn, mắt nhìn gần theo dõi hai bàn tay chuyển động. Người xem có thể nhận ra ngay hành ảnh cô gái đang ngồi bên khung cửi dệt vải với hai bàn tay nhịp nhàng đưa thoi. Có thể xem xét một ví dụ khác, đó là múa chèo đò. Mặc dù múa tay không, nhưng ngưòi xem có thể cảm nhận được ngay không gian của vùng sông nước. Với dáng người khi đổ về phía trước, khi ngả về phía sau, người xem có thể tưởng tượng được hình ảnh của dòng sông, mái chèo và con thuyền. Các tộc người ở khu vực Tây Nguyên có động tác đánh chiêng cũng thể hiện rất rõ đặc điểm này. Cũng như động tác “chèo đò”, không có đạo cụ, động tác “đánh chiêng” chỉ dùng tay không nhưng khi múa, người xem có thể hình dung được ngay hình ảnh trong thực tế.

Một số diệu múa phản ánh cuộc sống lao động, mặc dù đã được cách điệu hoá nhưng đều rất gần với đời thực. Từ đó có thể nói rằng, tính hiện thực là một trong những đặc điểm của múa dân gian.

Như chúng tôi đã nêu ở trên, ở Đan Mạch, người ta đã sử dụng động tác giặt áo của phụ nữ để sáng tạo nên một điệu múa dân gian. Nội dung, hình ảnh nhận biết trong các điệu múa dân gian đều rất gần gũi với con người, nó thể hiện một cách sinh động tình yêu cuộc sống của họ đố với cuộc sống lao động, với thiên nhiên…

Thông qua hình ảnh các điệu múa dân gian có thể cho chúng ta những thông tin về lịch sử, về địa lí, về môi trường sinh thái.

Việt Nam có nhiều sông nổi tiếng như sông Hồng (ở miền Bắc), sông Hương (ở miền Trung), sông Cửu Long (ở miền Nam)… Ngoài ra còn có rất nhiều con sông khác được phân bố khắp nơi như: sông Đáy, sông Mã, sông Cả, sông Gianh, sông Đà Rằng,… Có lẽ, bắt nguồn từ đặc điểm địa lí Việt Nam có nhiều sông ngòi mà động tác múa “chèo thuyền” trở nên rất phổ biến trong múa dân gian của các dân tộc từ Bắc vào Nam. Những công việc lao động trên sông nước được bộc lộ ở những thao tác và kĩ năng khác nhau. Vì thế, trong múa cũng biểu hiện ở những cường độ và tiết tấu khác nhau.

ở một số nước châu Âu, mùa đông thường có băng, tuyết. Người dân đi lại trên đường đều tỏ ra vội vã, khẩn trương. Có lẽ, họ di chuyển nhanh để tránh giá lạnh ngoài trời, nếu phải đứng ở đâu chờ đợi ai, thường thì mọi người không chịu đứng im. Và, để cho cơ thể ấm nóng lên, họ đã liên tục dậm chân xuống mặt đất. Họ dậm chân để cho tuyết rơi khỏi áo khoác, đồng thời để tránh rét. Đây là hình ảnh quen thuộc đối với các nước xứ lạnh. Có lẽ, chỉ ở các nước băng giá người dân mới có những động tác như vậy. Theo chúng tôi, đây là lí do khởi nguồn cho một số điệu múa dân gian châu Âu.

1332-haudong

Trong đời sống văn hoá tâm linh của nhân dân có một loại múa đó là múa tín ngưỡng. Một số nhà nghiên cứu gọi đó là múa tín ngưỡng dân gian. Loại múa này tương đối phổ biến ở nhiều tộc người. Múa tín ngưỡng thể hiện cho các loại nghi lễ. Ví dụ, người Việt có múa tín ngưỡng hầu bóng, còn gọi là múa lên đồng. Đây cũng là một hình thái múa dân gian rất độc đáo. Loại múa này tồn tại, phát triển trong quá trình hình thành tục thờ Mẫu và đạo Mẫu ở Việt Nam. Múa hầu bóng là một bộ phận của chương trình lễ hội và nghi lễ đạo Mẫu. Nhìn từ góc độ ín ngưỡng thì động tác, điệu bộ của người múa thể hiện tếng nói, ý nguyện của thánh thần. Nét độc đáo của múa hầu bóng đó là (theo quan niệm dân gian) phần xác (ông đồng, bà đồng) là của con người, còn phần hồn là của thánh thần. Điều này nói lên sức tưởng tượng của con người rất lớn. Con người và thánh thần có thể gần gũi, hoà quyện với nhau. Đây là lí do làm cho các động tác múa trong hầu bóng trở nên phóng khoáng và tự do hơn. Nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật thì đây là yếu tố rất đặc biệt của múa hầu bóng. Ông đồng, bà đồng, ngoài những động tác múa mang tính quy ước cần phải thể hiện, còn có những động tác ngẫu nhiên xuất hiện ở thời điểm mà người ta gọi là nhập đồng (nhập hồn). Ông đồng, bà đồng thoạt đầu ngồi trong tư thế tĩnh, tập trung cao, người ngoài có cảm giác họ quên hết mọi sự vật xung quanh, chỉ còn tiếng đàn phách của cung văn và lời khấn tụng của con nhang, đệ tử. Dần dần, ông đồng, bà cốt bắt đầu đảo vòng, xoay tròn từ thắt lưng trở lên. Từ vòng nhỏ đến vòng to, từ tiết tấu chậm đến nhanh Âm nhạc, tiết tấu, lời ca càng dồn dập, thôi thúc, ông đồng, bà đồng càng xoay, đảo mạnh, càng ngây ngất, say sưa. Họ hất khăn đội đầu ra và thời điểm đó được gọi là nhập đồng (nhập hồn). Động tác múa lúc này không còn giữ được quy cách, khuôn định như ban đầu nữa. Tính ngẫu hứng được biểu hiện ở mức độ rất cao, có nghĩa là cùng một thời điểm, con người vừa trình diễn, vừa sáng tạo. Như vậy, trong môi trường nghi lễ, trong “thời điểm mạnh” cùng với sự tác động của khách quan (âm thanh, đàn, nhạc, khói hương và những người hầu đồng) thì ông đồng, bà đồng đã ngẫu hứng, sáng tạo mạnh hay nhẹ tuỳ theo cường độ, sắc thái, tiết tấu trong thời điểm đó. Tất nhiên, yếu tố chính vẫn là năng lực cảm nhận và biểu hiện của ông đồng, bà đồng. Như vậy, trong hoàn cảnh này, múa dân gian đã được đẩy lên ở một mức độ cao hơn.

Cấu trúc của múa hầu bóng thuộc loại múa đơn (solo). Đây là múa một người nhưng phải thể hiện những nhân vật, những giá đồng khác nhau. Vì thế, nó đòi hỏi ở người thể hiện phải có kĩ thuật, kĩ xảo nhất định. Khác với múa dân gian trong lao động, trong sinh hoạt… loại múa hầu bóng không phải ai cũng có thể múa được mà nó đòi hỏi cần có một “năng khiếu”, một sự luyện tập tương đối công phu, thậm chí phải có “căn đồng” mới có thể múa được. Ngoài lí do tín ngưỡng, múa hầu bóng phải tạo ra sức hấp dẫn, thu hút mọi người. Sức hấp dẫn là một trong những chức năng của nghệ thuật, do đó, có thể nói, múa hầu bóng còn mang yếu tố biểu diễn. Múa hầu bóng có môi trường hoạt động đặc biệt như chúng tôi đã phân tích ở trên. Nhìn từ góc độ chuyên môn thì đây là điều kiện khách quan để kích thích sự “thăng hoa” của người trình diễn.Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đạo Mẫu, thờ Mẫu là một tục lệ đẹp của cộng đồng người Việt. Không chỉ ở miền Bắc mà ở miền Trung và miền Nam cũng đều có thờ Mẫu.Hiện nay, những hoạt động lễ hội tương đối phát triển, thu hút khá đông quần chúng nhân dân ở khắp mọi nơi. Múa hầu bóng là một trong những sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng không chỉ diễn ra vào những dịp lễ hội mà còn phát triển bên ngoài của lễ hội, do một số cá nhân tự tổ chức. Đây là một hiện tượng múa dân gian rất độc đáo.

Ngoài múa hầu bóng của cộng đồng người Việt còn có một số điệu múa trong nghi lễ của một số tộc người như: người Mường có múa mỡi, múa mo, múa sắc bùa; người Tày có múa tung còn trong hội lồng tồng (xuống đồng), múa then, múa đi săn thú, múa chèo thuyền; người Thái có múa tín ngưỡng kinpangthen; người Dao có múa trong lễ cấp sắc, hát múa đám cưới, đám tang, múa Tết nhảy (nhì ang chằm đao); người Chăm có múa trong lễ hội Chà Và, múa trong lễ bóng, múa nhảy lửa, múa gậy, múa roi; người Khơ me có múa thày cúng, múa trống lễ (trống xayăm) cúng trăng, múa dây bông (slatho) v.v..

Như phân tích ở phần trên, múa dân gian có một cấu trúc mở, nó không bất biến và luôn thu nhận những yếu tố mới vào mình. Trong tiến trình lịch sử, qua nhiều thế hệ, nó được bồi đắp, bổ sung cho phù hợp và ngày càng hoàn chỉnh hơn.

NSND Ứng Duy Thịnh

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*