Chỉ còn mệt mỏi là mãi mãi?

672-meg-stuart

Diễn viên Meg Stuart của vở diễn

Hơn 12h khuya, anh vẫn còn ngồi chơi chơi lả lơi dí cái màn hình, chẳng làm gì, chẳng làm gì.

Nói chung, phải cám ơn cán bộ Jenny Luu đã có nhã ý rủ rê anh đi xem múa tối nay (hay tối qua). Một cách giết thời gian rất tốt với anh trong thời gian này. Chớ như ngày hôm trước, cả buổi tối anh chạy lang thang ngoài đường, buồn, mệt mỏi và cô đơn chim cú.

Coi múa cũng vui, cũng nhiều thứ mới lạ, cũng thích. Lại thêm gặp dăm ba người quen mà lạ, lạ mà quen. Như lúc lấy xe ra về gặp Ms.Thảo già già mà xinh đẹp hỏi í chời í chời hông phải diễn viên múa mà đi xem múa hoài ta. Anh cười hì hì nói tại đẹp giai quá nên bị người ta dụ dỗ rủ rê chị ơi bla bla…

Lần thứ 2 anh đi xem múa, lần đầu là xem Chuyện kể những chiếc giày hồi tháng 11 năm rồi. Chương trình này nghe đồn sắp diễn lại, các bạn lần trước chưa kịp coi có thể chuẩn bị tinh thần đi coi.

Lần này là xem múa đương đại Maybe forever, Việt Nam mình dịch là Có thể là mãi mãi. Vở diễn này nằm trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn nhân “Năm Đức ở Việt Nam – Deutschland in Vietnam”. Vở diễn được diễn hai đêm ở Việt Nam.

Một đêm 4.6.2010, 20h00, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tràng Tiền.

Và một đêm 8.6.2010, 20h00, tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, đường Đồng Khởi, quận 1.

672-25

brochure vở diễn

Trong brochure nhận trước cổng nhà hát TP.HCM, vở diễn được giới thiệu như sau:

Con người tranh đấu với nhau và vì thế chắng có gì tồn tại vĩnh cửu. Có thể là mãi mãi là một tác phẩm cộng đồng do hai nhà biên đạo danh tiếng thế giới Meg Stuart và Philipp Gehmacher cùng sáng tác. Những bài hát của ca sĩ kiêm nhạc sĩ viết ca khúc Niko Hafkenscheid dẫn dắt hai nghệ sĩ trên sân khấu, để họ nhảy điệu Walzer trên một “miền đất hứa”. Cùng với những bài ca về tình yêu và nỗi nhớ của Hafkenscheid, Meg Stuart và Philipp Gehmacher kể chuyện về sự chia ly, về nỗi đau đớn và kỷ niệm qua các vũ điệu của họ. Với những vuốt ve thật gần gũi và cũng thật cách xa, họ cố gắng đến với nhau trong vòng tay ôm ấp…

Thông tin về 2 biên đạo và múa Meg Stuart, Philipp Gehmacher cũng có trong brochure và đầy trên mạng. Hỏi thăm Google là ra liền, thành thử khỏi nhắc lại.

Vở diễn kéo dài 80 phút, không thật sự ấn tượng, không thật sự hấp dẫn, ít ra là cá nhân anh cảm thấy vậy, còn các bạn khác thấy sao thì anh cóc biết.

Rõ ràng, nội dung vở diễn rất rõ ràng, điều mà các hai nhà biên đạo múa kiêm diễn viên múa muốn gửi gắm đến khán giả (hoặc ai đó, gì đó) anh cho là cũng rất rõ ràng. Trong suốt vở diễn, các yếu tố nghệ thuật, những hình ảnh đầy tính ẩn dụ trong vũ đạo, cử chỉ,… làm anh cảm thấy quá rườm rà, và lặp lại; hoặc giả, anh không hiểu hết những gì mà người nghệ sỹ muốn thể hiện.

Ấn tượng tốt đẹp nhất của vở diễn mà anh có được là ánh sáng, hình ảnh và âm thanh, giọng thoại của hai diễn viên, cùng với những bài hát của Hafkenscheid (anh này nhìn hay hay) tạo cảm giác thính giác rất tốt. Anh thích điều này. Âm thanh mộc, tiếng guitar (điện) và ánh sáng hợp lý cùng background là một bức ảnh có hai bông hoa bồ công anh nhìn rất đẹp, có lẽ sẽ làm anh nhớ nhiều đến vở diễn hơn là vũ đạo của các diễn viên. Kể cả phần thoại của Meg Stuart và Philipp Gehmacher cũng vậy. Nó đem lại cảm xúc tốt hơn là khi họ chuyển động.

Không biết vì sao.

Thật sự, khoảng 20 phút đầu tiên, cảm xúc của anh là khá tốt. Kể cả khi ánh sáng mờ mờ, không âm thanh, trên sân khấu chỉ là những cử động của hai diễn viên. Những cái run rẩy, co mình, từng cử động cho người ta thấy được sự khắc khoải, mỏi mệt, và hơn hết là nỗi cô đơn và hoảng sợ. Họ thật sự cô đơn. Họ thật sự hoảng sợ. Và họ cần nhau. Cần nhau, để hy vọng.

Đáng tiếc, tất cả chỉ dừng lại ở đó.

672-35

Có thể nhận thấy ở phần sau là sự hoảng loạn, bế tắc và yếu đuối của người đàn ông. Là sự vị tha, chăm sóc và nội tâm dằn xé đầy mâu thuẫn của người đàn bà. Là yêu thương, sẻ chia, giận dữ và sự bao dung. Là sự chia lìa, đau đớn. Là sự giải thoát, và cách thức tự giải thoát của mỗi người.

Tuy nhiên, mọi thứ như một bữa tiệc được bày biện quá cầu kỳ, quá nhiều món ăn mà thực khách thì không thể nào… ăn hết. Lớp diễn tiếp theo của hai diễn viên cho anh cảm giác dường như họ đẩy những dằng xé nội tâm lên quá cao, với quá nhiều chuyển động bộc lộ nội tâm, quá nhiều tính ẩn dụ để rồi không thể nào giải thích được, không thể nào giải quyết được hết những cao trào đó, họ để vở diễn kết thúc hết sức đột ngột và đầy hụt hẫng.

672-44

Hai mươi phút mở đầu. Hơn năm mươi phút bày biện. Và, không đầy năm phúc để kết thúc.

Dài dòng, dư thừa, và đột ngột.

Cảm xúc bị đánh rơi và tiêu diệt một cách mau chóng. Đó là điều duy nhất anh cảm thấy luyến tiếc.

Xem xong vở diễn, chỉ có ba điều đọng lại.

Một, âm thanh – như đã nói ở trên.

Hai, cũng là âm thanh. Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh có kiến trúc mái vòm, giúp âm thanh vang vọng rất rõ, thành thử chỉ cần một âm thanh dù rất nhỏ cũng đủ làm ảnh hưởng đến các khán – thính – giả trong nhà hát. Vậy mà không hiểu sao, suốt quá trình diễn ra vở diễn, đầy đủ các loại âm thanh lạ lùng vang lên trong nhà hát!? Từ tiếng trẻ con khóc, tiếng điện thoại di động, tiếng nói chuyện, tiếng bước chân, tiếng kéo ghế cho đến cả tiếng nhai nhóp nhép rồi tâm sự nhỏ to… cứ vang lên đều đều suốt. Một phần cảm xúc bị rớt rơi bởi chính điều này. Câu chuyện mệt mỏi, theo dõi diễn tiến đều đều ở trên sân khấu đã mệt mỏi, bị âm thanh tạp nhạp làm loãng không khí lại càng mệt mỏi.

Ba, là một câu hỏi. Đọng lại sau 80 phút ngồi xem “Có thể là mãi mãi” là câu hỏi “Vậy, điều gì là mãi mãi?“. Câu trả lời chắc hẳn là tình yêu. Nhưng từ đầu, ngay khi chưa bước vào xem, người ta đã nói “… chắng có gì tồn tại vĩnh cửu…” Ngay cả tình yêu, trong vở diễn này, người ta cũng chỉ dùng từ “maybe – có thể“. Có thể, có thể thôi. Chỉ là có thể, chớ không phải là sự khẳng định. Rõ ràng, tuyên ngôn của vở diễn là không có gì là mãi mãi, không có gì là vĩnh cửu. Vậy thì bế tắc quá. Bế tắc như chuyện người đàn bà chọn giải pháp ra đi, như người đàn ông chọn cách tự kết thúc đời mình. Tất cả chấm dứt. Tất cả mâu thuẫn được giải quyết bằng sự giải thoát. Tự giải thoát!? Có thể, tình yêu trong họ không phải là bất biến, không phải là vĩnh cửu, nhưng có-thể-nó-là-thứ-duy-nhất-còn-lại-ở-giữa-họ!? Nó có thể mãi mãi còn lại ở giữa họ, sau tất cả!? Có thể là như vậy.

Đó là họ, còn anh? Điều mà anh cảm thấy một cách rõ ràng nhất khi ngồi xem vở diễn này, điều duy nhất mà anh thấy là mãi mãi, chính là sự cô đơn. Cái thứ lẻ loi, tịch mịch, cô đơn đến tột cùng trong mỗi con người.

Ai cũng cô đơn. Có những người mãi mãi cô đơn.

Tại sao lại như vậy?

Tại sao lại phải như vậy?

Bài viết: Phan Hải
[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*