Biên đạo múa: Không thiếu nhưng mà yếu

Có thể nói chưa bao giờ múa, nhảy được phát huy như hiện nay. Nhưng theo đó, chúng đã bị buông lỏng về chất lượng nghệ thuật qua các bàn tay biên đạo nghiệp dư đang mọc lên như nấm sau mưa. Ai cũng có thể dựng múa, ai cũng có thể dạy nhảy, ở bất cứ đâu, tạo nên sự xô bồ, không kiểm soát nổi. Đó là sự nan giải sau vấn nạn ca nhạc thị trường bùng phát.

268-10-mot128-400

Một tiết mục trong Đêm Nghệ thuật múa đương đại Pháp-Việt.

Thời gian gần đây, không ít người đứng ra tự quảng cáo mình, nào là “Dàn dựng chương trình, biên đạo múa gồm những điệu nhảy hiện đại”, nào là “múa dân gian, ballet…”. Họ tự nhận là những thanh niên đầy nhiệt huyết và được đào tạo bài bản về chuyên môn. Xem ra lực lượng biên đạo múa này ắt phải đông đảo lắm, họ hoạt động khắp nơi với mọi chương trình, từ múa minh họa ca nhạc, thời trang, hội nghị đến các sự kiện hoạt động xã hội. Vậy mà, các nhà chuyên môn đều kêu, biên đạo múa Việt Nam còn nhiều hạn chế, hoặc rất thiếu biên đạo múa. Vậy đâu là sự thật? Và các biên đạo múa nói trên – họ là ai?

Vung tay và đá chân – thế thôi!

Mặc dù đã qua cái thời mà múa chỉ được xem là bắt chước hay minh họa cho thật giống các hoạt động cơ bắp trong sản xuất, chiến đấu và đi lại, song các điệu múa hiện nay vẫn còn nhiều mô phỏng na ná các chi tiết trong đời sống, hoặc chỉ là những đường cong mềm mại giống nhau, giật lắc một cách vô cảm theo điệu nhạc, lời hát. Các vũ công chỉ với hai động tác rất nhàm chán là vung tay và đá chân trong minh họa. Họ thực hành đúng bài bản của những biên đạo… nghiệp dư.

Đó chính là các biên đạo múa “tay ngang” đang tràn lan trên sàn diễn. Chả thế, cách đây không lâu đã có vụ kiện điệu múa “Chị em Tấm Cám” của biên đạo Nguyễn Anh Phương đã bị bê nguyên xi lên sàn diễn, với một cái tên nhà biên đạo lạ huơ lạ hoắc. Trên thực tế, nhiều biên đạo “tay ngang” sẵn sàng copy những sáng tạo về tổ hợp động tác cơ bản trong một tiết mục múa có sẵn để lắp ráp và biến thành tác phẩm của mình.

Chính Hiệu trưởng Trường Múa TP HCM cũng kể lại một số bài múa của ông bị các biên đạo khác lấy nguyên xi dàn dựng cho phong trào, hội diễn múa không chuyên ở các địa phương. Những biên đạo “tay ngang” này lý luận rằng, nghệ thuật múa cũng chỉ có những động tác cơ bản nhất định giống như 7 nốt trong âm nhạc, nên ai cũng xử dụng được như “của chung”.

Bên cạnh đó còn xảy ra hiện tượng “chép” rập khuôn từ các video clip nước ngoài, hoặc lắp ghép các bản sao để dàn dựng cho diễn viên, coi như một tiết mục mới. Nhưng mọi chuyện lộ tẩy ngay khi biểu diễn vì chúng rời rạc, thiếu ý tưởng và hồn cốt hình tượng chính. Ngay kể cả các biên đạo múa chuyên nghiệp đôi khi cũng mắc phải sự vận dụng kỹ thuật múa quốc tế vào các tiết mục múa dân gian không được khớp.

Như múa đôi của người Mông nguyên bản chẳng hạn, đâu có cảnh cõng vác, bế nhau của kỹ thuật ballet và múa hiện đại. Sự tùy tiện ấy tạo nên sự khập khiễng trong nghệ thuật múa. Cách làm này luôn luôn thao túng sàn diễn với quan niệm làm cho có, múa cho xong. Về hiện tượng này, biên đạo múa Hải Hà đã có lần cho biết:

– Phần đông các biên đạo múa hiện nay đều hành nghề nhờ vào kinh nghiệm. Họ biết gì dạy nấy hoặc nhảy theo cảm tính.

Nghệ sĩ múa trẻ nổi tiếng Linh Nga cũng kêu giời vì tình trạng thiếu các biên đạo giỏi và trẻ. Lại nhớ, tiết mục múa được giải nhì trong hội thi múa ít người năm trước (của biên đạo Trần Thị Bích Lan) với cái tên “Tôi là ai? Ai là tôi?” như một lời tự vấn về tình trạng đội ngũ biên đạo đang bị nghiệp dư hóa trước thị trường nghệ thuật hiện nay.

Những biên đạo nhà nghề – họ là ai?

Mặc dù bị chi phối mạnh bởi thị trường, song hiện vẫn còn có những gương mặt biên đạo múa sáng giá đang âm thầm làm việc với nhiệt huyết sáng tạo không ngừng cho ngôn ngữ nghệ thuật của cơ thể. Đó là những cái tên: Easola Thủy, Nguyễn Tuyết Minh, Trần Ly Ly, Thùy Chi, Đàng Quang Dũng, Lê Vũ Long, Trung Nghĩa, Hiền Trang…

Nếu như “người đàn bà múa” Easola Thủy từng nổi tiếng thế giới khi đưa 13 cụ già nông dân hát chèo ở hai làng Thượng Liệt và An Khê (Thái Bình) lên sân khấu trong tác phẩm múa “Hạn hán và cơn mưa” vào các năm 1993 và 2009, thì biên đạo múa Lê Vũ Long đã mạnh dạn khai thác chất liệu ở những diễn viên khiếm thính trong hai vở múa “Nơi đến” và “Ký ức thở dài“.

Lê Vũ Long đến với những diễn viên múa khiếm thính không chỉ với mục đích làm từ thiện, còn biên đạo Easola Thủy lại nhìn người phụ nữ nông dân không phải là những người kém hiểu biết và thiếu tự tin. Cả hai điều ấy đã làm nên sức mạnh nghệ thuật và phần nào chứng minh được lý do vì sao múa đương đại không thể mãi bằng lòng với múa ballet hay múa dân gian thuần túy.

Cùng với hai nhà biên đạo trên, biên đạo múa trẻ Nguyễn Tuyết Minh thuộc thế hệ 8X của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam còn nổi bật ở tài năng múa xuất sắc suốt 7 năm liền. Bắt đầu nổi lên từ vai múa “Tiên nữ”, giờ đây Tuyết Minh đã là một biên đạo rất thành công qua các vở kịch múa “Quan Âm Thị Kính”, “Bên trong, bên ngoài” và đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi biên đạo trẻ năm 2007 với tác phẩm “Suối tóc”.

Chưa hết, vừa cuối năm 2009, Tuyết Minh dàn dựng thành công vở kịch múa “Chiến thắng mùa hoa đào”, tái hiện câu chuyện về Hoàng đế Quang Trung, thì mới đây, vào giữa tháng 3/2010, cô lại tạo nên một sự kiện bất ngờ với sự ra mắt vở ballet kinh điển “Carmen”, với vai trò tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa. Thậm chí, với công trình nghệ thuật này, cô đã tự bỏ toàn bộ kinh phí để dàn dựng. Tuyết Minh tâm sự:

– Trước hết, đó là đam mê của tôi, và nếu nói xa hơn nữa, đó là vì tương lai của những thế hệ nghệ sĩ múa muốn chọn con đường theo nghệ thuật ballet.

Cùng với Tuyết Minh, biên đạo Trần Ly Ly, sinh năm 1978, được đào tạo ở Australia và Pháp về, hiện là giảng viên tại Trường Múa Việt Nam, lại sớm khẳng định tư duy mới lạ trong vở “Một ngày”.

Với cách dàn dựng hiện đại, múa ngẫu hứng có kết cấu, đòi hỏi sự tinh tế cao đối với diễn viên múa, Trần Ly Ly cho rằng cái ngẫu hứng làm cho nghệ sĩ tự do diễn; đến một độ nào đó không còn là múa nữa, chỉ còn nhịp thở của hình tượng. Triết lý nghệ thuật múa của cô còn được thêm lần phát huy qua vở kịch múa đương đại mới nhất, mang cái tên rất lạ: “Cuộc sống trong những cái hộp”.

Vốn say mê nhạc Trịnh, cô thường thể hiện trong tác phẩm của mình những vỉa trầm tích suy tưởng. Với cô, múa không phải chỉ là “nhìn” mà còn cần sự trao đổi, hóa giải mọi phiền muộn trong cuộc sống qua hình tượng giàu chất thơ như nhạc Trịnh…

Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ biên đạo chuyên nghiệp và hết lòng như trên hiện hoạt động còn rất hạn chế, với số lượng ít ỏi. Trong khi đó, hàng trăm nghệ sĩ múa đêm đêm phải đi diễn kiếm ăn với đồng tiền rẻ bèo trong thị trường ca nhạc.

Để tránh sự nhàm chán

Trước hết vẫn là khâu đào tạo và hình thành một tổ chức nhà nghề cho các biên đạo múa trước tình trạng bát nháo hiện nay. Nếu tính trung bình trong một chương trình ca múa nhạc, thì bao giờ các vũ công cũng xuất hiện nhiều nhất, với thời gian dài nhất.

Chưa kể tâm lý làm đẹp cho bất kể loại hình hoạt động xã hội nào, nhà tổ chức cũng ưu tiên cho múa, với các vũ nữ xinh đẹp để khai mạc hay kết thúc, nhằm tạo không khí sôi nổi và ấn tượng khó quên. Còn trong các lễ hội hay Festival du lịch ở khắp các tỉnh thành thì múa lại là chủ yếu, bởi lẽ ở các hoạt động này, các vũ công tha hồ hở hang trong các điệu nhảy nhằm thu hút người xem.

Có thể nói chưa bao giờ múa, nhảy được phát huy như hiện nay. Nhưng theo đó, chúng đã bị buông lỏng về chất lượng nghệ thuật qua các bàn tay biên đạo nghiệp dư đang mọc lên như nấm sau mưa. Ai cũng có thể dựng múa, ai cũng có thể dạy nhảy, ở bất cứ đâu, tạo nên sự xô bồ, không kiểm soát nổi. Đó là sự nan giải sau vấn nạn ca nhạc thị trường bùng phát.

Các nhà quản lý, trước hết là các nhà chuyên môn cần có một giải pháp cấp bách hoàn chỉnh và phát triển đội ngũ biên đạo ở các cấp độ khác nhau, phù hợp với từng chương trình để tránh hiện tượng ở đâu thích múa là múa lấy được, khi nào thích nhảy là nhảy loạn cào cào như hiện nay

Vương Tâm

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*