Một cái nhìn về múa đương đại

Múa đương đại Việt trên sân khấu hiện nay không còn là “món ăn” lạ lẫm mà được khán giả tiếp nhận như một “thực đơn quen thuộc” trong đời sống tinh thần hàng ngày…

Múa đương đại xuất hiện ở Việt Nam khá lâu. Nếu nhìn lại những tác phẩm đã được khẳng định qua thời gian như “Bến lụy” (biên đạo: NSND Phạm Anh Phương) một tác phẩm được phóng tác trên nền nhạc của ca khúc “Chảy đi sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương ta sẽ nhận thấy ngôn ngữ múa đương đại đã được sử dụng ở tác phẩm này khá rõ rệt. Ở tác phẩm “Bên dòng Lô năm xưa” của biên đạo – NSND Công Nhạc, tác phẩm “Mẹ mặt trời” của biên đạo Xuân Thanh, chúng ta cũng thấy về cấu tứ, ngôn ngữ đã mang màu sắc đương đại khá rõ nét… Tuy nhiên, nó chỉ thực sự gây chú ý và bùng nổ như một làn sóng khi một loạt tác phẩm của biên đạo Việt kiều Pháp Easola Thủy như “Hạn hán và cơn mưa 1“, “Hạn hán và cơn mưa 2″, “Thế đấy, thế đấy“…ra mắt công chúng. Chùm tác phẩm của biên đạo này đã tốn không ít giấy mực, gây nhiều tranh cãi, nhiều luồng dư luận trái chiều… nhưng đã được nhiều người trong giới chuyên môn coi đây là “phát súng đầu tiên” cho xu hướng múa đương đại Việt Nam.

4025-ben-luy-vuong-mai-lan

Nữ nghệ sĩ Vương Mai Lan trong tác phẩm múa “Bến Lụy”, Biên đạo: NSND Phạm Anh Phương – Ảnh: Tiến Thắng

Sau đó, như một làn sóng ngấm ngầm chảy lan trong xu hướng sáng tác và thể hiện, nhiều biên đạo – nhất là các biên đạo trẻ – đều cũng đã thử sức mình với thứ ngôn ngữ này. Vở “Nơi đến” của Lê Vũ Long do các nghệ sĩ khiếm thính biểu diễn được công diễn ở nhiều trường Cao đẳng, Đại học miền Bắc. “Nơi đến” hướng tới đối tượng khán giả là những sinh viên, trí thức trẻ. Tuy nhiên, có lẽ cái mà vở diễn này thu được là tính nhân văn khi những con người khuyết tật có cơ hội được thể hiện mình trên sân khấu. Sức hút của “Nơi đến” nảy sinh từ ngưỡng mộ về khả năng của những con người khuyết tật hơn là xuất phát từ một phong cách nghệ thuật mới… Rồi đến các vở Hồn tre, Mùa đom đóm, Gánh tương tư của một vài biên đạo trẻ cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn, song nhận định chung những tác phẩm này còn trên bước đường thử nghiệm, còn dừng lại ở sự phô diễn kĩ thuật…

Bằng nỗ lực không mệt mỏi của các biên đạo, múa đương đại đã từng bước trở thành một bộ phận cấu thành của nghệ thuật múa nước nhà như một tất yếu lịch sử. Theo dõi nhiều tác phẩm múa dân tộc được sáng tác trong thời gian gần đây chúng ta sẽ bắt gặp “tính đương đại” được bộc lộ ngày càng nhiều hơn. Trong tác phẩm “Đêm trăng bên cối gạo mới” của biên đạo Phan Duy Hưng dù được biểu hiện dưới chất liệu ngôn ngữ múa dân gian dân tộc Kh’Mú nhưng người xem vẫn cảm nhận được nhịp đập đương đại khá rõ rệt trong tác phẩm này. Ở “Men tình” của biên đạo – NSND Kim Chung và biên đạo Quỳnh Dương, đằng sau ngôn ngữ múa dân tộc Mông, người xem vẫn thấy “tính đương đại” hiện hữu thật gần. Trong các tác phẩm “Vũ điệu của nắng” (biên đạo – NSƯT Hồng Phong), “Đá chuyển” (biên đạo – NSƯT Hữu Từ), “Nguồn thép sáng” (biên đạo – NSƯT Thu Hà) và rất nhiều tác phẩm múa được các biên đạo sáng tác qua kỳ Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 vừa qua, tính đương đại, ngôn ngữ múa đương đại đã được sử dụng trong từng tác phẩm như một quy luật tự nhiên.

Khán giả cũng dần có một thói quen thưởng thức và cái nhìn thân thiện hơn với loại hình múa này… Trong nhiều chương trình giải trí được phát sóng trên truyền hình thời gian gần đây như “Bước nhảy hoàn vũ”, “Thử sức cùng bước nhảy”, “Vũ điệu xanh”… múa đương đại đã tạo được một mối thiện cảm và được công chúng háo hức đón nhận như một món ăn tinh thần hấp dẫn…

Sân khấu múa chuyên nghiệp cũng đã xuất hiện một vài tác phẩm múa đương đại được giới chuyên môn và bạn nghề đánh giá khá tốt như “Nữ thần đen”, “Thiền” của biên đạo Trần Ly Ly. Hai tác phẩm này đều được khai thác từ một chủ đề mang đậm tính dân tộc. Nhưng dưới cách biểu đạt của ngôn ngữ múa đương đại, nó đã tạo được sự độc đáo, mới lạ mà không xa lạ với cách cảm thụ và văn hóa người Việt. Điều đó khiến khán giả cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận. Hoặc ở tác phẩm “Dấu trừ” của biên đạo Ngọc Anh, tác phẩm vừa tham dự “Liên hoan Múa đương đại Châu Âu gặp Việt Nam” lần thứ hai vừa qua, chúng ta thấy tác giả đã đề cập tới một vấn đề mang tính thời sự của xã hội đương đại đó là mối quan hệ của con người với con người, con người với thế giới bên ngoài trở nên đa chiều, đa phương hơn nhờ sự xuất hiện của internet. Mối quan hệ này đã được biểu hiện bằng ngôn ngữ múa đương đại dựa trên chất liệu cơ bản của ballet cổ điển giúp cho công chúng có cách tiếp cận gần gũi, chân thực và dễ hiểu hơn… Những tác phẩm trên đã tạo được một dấu ấn khá đẹp trong lòng bè bạn, đồng nghiệp. Đây là một hướng đi lạc quan, hứa hẹn cho một tương lai xán lạn cho nghệ thuật múa đương đại Việt Nam…

Nhiều tác phẩm múa đương đại của các biên đạo trẻ, nhất là các biên đạo miền Nam sáng tác trong thời gian gần đây đã thay đổi cái nhìn về múa đương đại của Việt Nam, khiến chúng ta có thể lạc quan, tin tưởng hơn về sự phát triển của một dòng múa mới đã dần định hình được phong cách và chuyên nghiệp hơn trong cách biểu đạt…

Không ai có thể phủ nhận rằng ngôn ngữ múa đương đại có thế mạnh là biểu hiện các sự vật, hiện tượng, các mối quan hệ trong xã hội một cách khoáng đạt, tự do và đời thường hơn chứ không theo phong cách biểu diễn kinh điển, một chiều của ballet cổ điển. Hơn nữa xã hội hiện nay đã khác, vẻ đẹp của ballet cũng chỉ là một trong muôn ngàn vẻ đẹp. Cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ và nghệ thuật thì luôn có khát vọng biểu hiện cuộc sống một cách sinh động, trọn vẹn hơn. Đó cũng là lí do vì sao nhiều biên đạo trẻ của ta hiện nay có thiên hướng sáng tạo đi theo cách biểu hiện của ngôn ngữ nghệ thuật múa đương đại ngày càng nhiều.

Tuy vậy, xuất phát từ đặc trưng của ngôn ngữ múa này dựa trên tuyên ngôn cho sự hiện thân của tự do, phóng khoáng, không theo quy chuẩn, luật lệ nào nên múa đương đại lại manh nha trong nó một sự lệch chuẩn, khó có một định hướng rõ ràng, cách biểu hiện và dàn dựng cũng khó có một quy ước, tiêu chí cụ thể nên chuyện thưởng thức và thẩm định tác phẩm phụ thuộc nhiều vào cảm xúc và tâm trạng của người xem. Đây cũng là vấn đề chính gây trở ngại, khó khăn cho nhiều nghệ sĩ, nhiều khán giả yêu múa. Vì vậy, việc đánh giá, thẩm định chất lượng nghệ thuật ở những tác phẩm múa đương đại cũng thật khó có một tiếng nói chung và khách quan. Đây cũng là một thách thức lớn cho giới chuyên môn và những nhà chức trách trên con đường hội nhập và phát triển văn hóa nghệ thuật một cách bền vững.

Thanh Hoa

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*