Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky

Swan Lake – Hồ Thiên nga là vở ballet đầu tiên và cũng là vở ballet nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Nga Peter Ilyich Tchaikovsky.

Khi bắt đầu viết Hồ Thiên nga thì P.I.Tchaikovsky đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng mặc dù vẫn còn rất trẻ. Tchaikovsky viết vở ballet đầu tiên của mình theo đơn đặt hàng của Nhà hát Lớn, một phần cũng do nhuận bút khá lớn so với thời bấy giờ – 800 rúp. Mặc dù là một người yêu thích ballet, nhưng nhạc sĩ vẫn cho rằng ballet là “không có được sự tồn tại vững chắc”. Không phải là điều đó không có cơ sở: những vở ballet hồi đó không trụ trên sân khấu được lâu, còn âm nhạc trong những vở ballet thì ngay từ đầu đã không đặt mục đích trở thành âm nhạc nghiêm túc. Và bản thân Tchaikovsky cũng có những cảm xúc khác nhau đối với âm nhạc trong những vở ballet của mình. Khi thì bỗng dưng ông gọi nhạc trong ballet là “hoàn toàn vớ vẩn”, khi thì lại tỏ ra hy vọng rằng một vài đoạn sẽ được phổ biến hơn để làm nền cho những điệu khiêu vũ dạ hội.

Nhạc sĩ đã nghĩ gì khi viết nhạc Hồ thiên nga? Có phải là về những truyện cổ tích Nga, nơi có những “cô gái đẹp như thiên nga” mà ông đã nghe thời thơ bé? Hay là nhớ lại những dòng thơ trong “Vua Saltan” của Pushkin, nhà thơ mà ông vô cùng yêu quý – ở đó con thiên nga sau khi được công tước Gvidon cứu thoát đã “bay lên trên sóng vào bờ rồi lắc mình hóa thành một cô công chúa”? Cũng có thể trước mắt ông lại hiện ra những hình ảnh của thời gian hạnh phúc khi ông đến Kamenka – điền trang của Alekxandra Ilinhichna Đavưđôva, chị mình và cùng những đứa con của bà chị đã dựng những vở kịch gia đình. Một trong số những vở kịch đó là Hồ Thiên nga và Tchaikovsky đã viết nhạc riêng cho vở kịch ấy. Chủ đề thiên nga viết từ thời bấy giờ sau này cũng xuất hiện trong vở ballet mới này.

Cũng vào thời Tchaikovsky sáng tác vở Hồ Thiên nga, ở xứ Bavaria thuộc nước Đức bây giờ có vị vua Ludvig Đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, nổi tiếng say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Ludvig Đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Thiên Nga, đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng. Tòa lâu đài, khu hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường đã gợi lên niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác nên vở Hồ Thiên nga tuyệt tác, một vở ballet được xếp vào loại bi, trữ tình. Và có lẽ vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt cho hoàng tử nhân vật chính của mình một cái tên Đức, dù Tchaikovsky là người Nga.

Ảnh: Internet.

Có lẽ là tất cả các yếu tố này đều tác động đến nhà soạn nhạc – đó là trạng thái tâm hồn của ông. Và một điều khác cũng rất quan trọng đối với chúng ta – vốn là một nhà soạn nhạc giao hưởng, nên trong Hồ Thiên nga không phải là âm nhạc minh họa cho những tình tiết của libretto, mà là âm nhạc tổ chức hành động sân khấu, cuốn theo mình suy nghĩ của biên đạo múa, bắt nhà biên đạo hình thành sự phát triển các sự kiện trên sân khấu, và các hình tượng của các nhân vật, quan hệ của họ theo ý đồ của nhà soạn nhạc. Sau này Piotr Ilich nói “Ballet cũng là một bản giao hưởng”. Nhưng khi xây dựng vở ballet Hồ Thiên nga, vở ballet đầu tiên của mình, thì khi đó ông đã tư duy như thế – trong những nốt nhạc của ông mọi thứ đều liên quan với nhau, tất cả các chủ đề ngắn đều được đan xen vào thành một nút chặt mà người ta sẽ gọi đó là kịch nghệ âm nhạc.

Chỉ tiếc rằng năm 1877, khi vở ballet Hồ thiên nga được trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu Moscow thì chẳng có nhà biên đạo nào hiểu được tác giả và có thể ở ngang tầm những tư tưởng của nhà soạn nhạc. Khi đó Julius Reizinger, biên đạo múa của Nhà hát Lớn đã rất chăm chỉ, cần mẫn thử đem những giải pháp sân khấu của mình để minh họa cho kịch bản văn học do nhà soạn kịch V. Beghichev và diễn viên múa V.Geltser viết ra. Reizinger sử dụng âm nhạc như truyền thống – âm nhạc chỉ là phần nền nhịp điệu. Kết quả thử nghiệm không thành công và người ta quên lãng Hồ Thiên nga trong một thời gian khá lâu. Hồ Thiên nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ Thiên nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của nhạc Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của Hồ Thiên nga, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu ballet.

(Nguồn: Nhaccodien.info)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*