Sân khấu đặt ngay trên chiến hào, trong ánh đèn măng-sông, những nghệ sĩ vẫn hết mình biểu diễn cho đồng bào và bộ đội xem. Đang diễn, máy bay địch tới, diễn viên phải giật vội phông màn, đeo balô cùng súng đạn tất tả chạy về cứ… Đó là kỷ niệm không thể quên thời tham gia văn công giải phóng của biên đạo múa, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Việt Cường.
Năm 1965, khi mới 21 tuổi, nghệ sĩ múa Vũ Việt Cường có tên trong danh sách đoàn cán bộ văn nghệ sĩ tăng cường cho chiến trường miền Nam, gồm 22 văn nghệ sĩ do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn. Trong đoàn văn công vào chiến trường lúc đó, có năm nghệ sĩ múa, gồm nghệ sĩ Nguyễn Thái Ly – sau này trở thành Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) của ngành múa Việt Nam, Minh Nguyệt, Bích Thủy, Hồng Vân và Việt Cường. Đoàn còn có một số gương mặt khác như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, hoạ sĩ Lê Lam, biên kịch Xung Phong…
Nghệ sĩ Việt Cường kể, sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, trong thời gian trường đi sơ tán, chú Lưu Hữu Phước gọi lên tôi và nói: “Cường ơi, miền Nam cần một số văn nghệ sĩ nòng cốt để tăng cường cho chiến trường. Chưa biết khi nào đất nước giải phóng, cháu có tên trong danh sách được Nhà nước gửi đi học nước ngoài, nhưng Tổ quốc rất cần”. Và ông đã trả lời rành mạch: “Cháu xin vào miền Nam hoạt động. Sau này, khi đất nước giải phóng, cháu sẽ đi học sau”.
Vũ Việt Cường đến với múa năm 15 tuổi. Chàng trai trẻ quê Nam Định trúng tuyển khóa đầu tiên của Trường múa Việt Nam năm 1959, được các thầy cô giáo người Liên Xô cũ trực tiếp giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, anh ở lại trường phụ giảng, làm đội trưởng Đội kịch múa thể nghiệm (tiền thân của Nhà hát nhạc – vũ kịch Việt Nam hiện nay). Việt Cường đã được giao vai chính trong vở ballet “Bả Khó” của cố Giáo sư – NSND Thái Ly – tác phẩm được coi như vở ballet đầu tiên của Việt Nam.
Rời Thủ đô, chàng diễn viên múa trẻ cùng hơn 20 đồng đội bắt đầu hành trình vào Trường Sơn lửa đạn. Lúc hành quân, với thể lực khỏe mạnh của diễn viên múa, Cường chịu trách nhiệm vác gạo cho cả nghệ sĩ Thái Ly và nghệ sĩ Hồng Vân. Đường hành quân vất vả và nguy hiểm, có lúc gặp biệt kích, bom pháo giữa đường. Niềm an ủi đơn giản là đôi lúc được lắng nghe tiếng cười của những cô gái trẻ cùng đoàn, tựa như luồng gió mát vơi đi nỗi mệt nhọc.
Tập luyện trong rừng dường như là chuyện không tưởng. Thức ăn nhiều khi chỉ có gạo và muối, đói hoa cả mắt. Đến Tổng trạm ở Bình Long, Việt Cường bị sốt rét ác tính. Ông nhớ lại: “…Anh Sáng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng), thầy Thái Ly nói Cường sốt cao quá, hết cả nhiệt kế. Tưởng học trò đã cận kề cái chết, nghệ sĩ Thái Ly đã chuẩn bị hậu sự bằng bộ quần áo biểu diễn đính kim tuyến. Rất may, một bác sĩ ở chiến trường chẩn đoán Cường bị bệnh thương hàn và điều trị giúp. Sau hai tuần thì tỉnh, cảm giác đầu tiên là thèm ăn mọi thứ. Ngọn rau muống nhai nát, muốn nuốt nhưng vẫn phải nhè ra, bởi ăn vào sẽ chết”.
Sau sáu tháng hành quân, đoàn vào đến Bình Long – Bình Phước. Trên chặng đường gian khổ ấy, đã có những đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường như nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Vĩnh Bảo, họa sĩ Núi… Sau khi vào đến căn cứ Trung ương Cục (R) được mấy ngày, đang giờ ăn cơm trưa thì máy bay B52 tới. Việt Cường kịp nhảy xuống hầm, nhưng đợt bom đó đã giết chết năm diễn viên cải lương trong căn hầm gần đó. Bom cũng rơi cách hầm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và đạo diễn Ngô Y Linh chỉ nửa mét.
Năm 1967, địch mở những trận càn như Manhattan, Junction City. Đoàn văn công của nghệ sĩ Việt Cường với gần chục người đi xuống chiến trường diễn phục vụ đồng bào Củ Chi, hết ấp này lại đến ấp khác. Năm 1969-1972, nghệ sĩ Việt Cường được cử xuống miền Tây mở lớp ca múa nhạc cho anh em ở đó. Hành trình tới đó cũng rất hiểm nguy, phải vượt những địa danh ác liệt như cánh đồng Chó Ngáp, kênh Vĩnh Tế… Thời gian hành quân từ Hà Nội vào Tây Ninh mất sáu tháng, nhưng hành trình đi từ Tây Ninh xuống Rạch Giá (T3) cũng dài nửa năm. Ở những thời điểm ác liệt trọng điểm, có những đoàn phải đi mất hai năm.
Nghệ sĩ Việt Cường vẫn nhớ mãi những kỷ niệm biểu diễn trong thời chiến tại Tây Ninh. Văn công diễn trong rừng cao su, dưới chiến hào là quân và dân, diễn dưới ánh sáng của ngọn đèn măng-sông. Căn cứ phải ở xa, du kích chặn tại bốt địch. Địch càn tới khoảng một cây số thì giao liên chạy báo. Đang diễn, máy bay địch tới, lại giật dây phông màn, xong chạy ra đeo balô cùng súng đạn, tất tả chạy về cứ. Cảm động nhất là những nữ văn công ở chiến trường. Diễn viên Hồng Vân bị sốt, nhưng chỉ vừa ngưng sốt đã ra diễn cho bộ đội xem, bác sĩ đứng cạnh sân khấu để tiêm thuốc trợ sức.
Trong những năm tháng ở rừng, có những chuyện làm ông day dứt mãi. Năm 1967, trên đường trở lại R sau khi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ Củ Chi. Sau một buổi diễn cho bộ đội, nghệ sĩ quay lại hầm trú ẩn, căn hầm của ông bị ngập hơn nửa mét nước. Một anh bộ đội tình nguyện đổi hầm cá nhân cho Việt Cường ở nơi khô ráo. Vừa chui xuống hầm, bom pháo giặc dội xuống ầm ầm. Người chiến sĩ nhường hầm đã bị thương nặng, không biết sống chết thế nào. Rồi có lần, cũng tại gần đó, Việt Cường ngồi cạnh nghệ sĩ Thái Ly. Thầy vừa bảo trò kéo chân vào, chỉ một tích tắc sau, mảnh pháo rơi xuống đúng nơi ông vừa duỗi chân. Có lẽ, phép mầu đã giúp nghệ sĩ Việt Cường giữ được đôi chân lành lặn ở chiến trường, để còn có thể múa trong nhiều năm sau này.
Nghệ sĩ Việt Cường bùi ngùi nói, biểu diễn trong rừng, mới hiểu được hết tình cảm của bộ đội, nhân dân với văn công giải phóng. Bộ đội muốn xem văn công biểu diễn. Còn nghệ sĩ thì thấy biểu diễn cho chiến sĩ ta ra trận như được tiếp thêm năng lượng. Với người nghệ sĩ lúc đó, suy nghĩ đơn giản mà đầy khí khái: có thể hy sinh, nhưng vẫn phải diễn cho bộ đội, giúp họ có tinh thần thoải mái để lên đường chiến đấu, giành chiến thắng. Đó cũng coi như chiến công của nghệ sĩ.
Không ít buổi biểu diễn trong rừng, nghệ sĩ phải rớt nước mắt, vì những đơn vị khi xem biểu diễn trước khi lên đường rất đông, khi trở về chỉ còn mười mấy người. Không đau xót sao được khi bao chiến sĩ của mình đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt.
Nghệ sĩ Việt Cường có một em trai tham gia trinh sát đặc công trong mặt trận miền nam. Cùng chiến trường Nam Bộ, nhưng hai anh em không thể gặp nhau, chỉ nhận được vài lá thư nhờ chuyển qua các phóng viên. Sau này, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, ngày 15-5-1975, anh em mới hội ngộ, khi người em vẫn còn nguyên vết thương trên người.
Vở múa kỷ niệm 40 năm sau giải phóng
Nghệ sĩ Việt Cường tham gia hoạt động trong rừng đến cuối năm 1974, sau đó trở lại miền bắc. Ngày 30-4 lịch sử, ông tham gia đoàn nghệ sĩ Việt Nam đi lưu diễn ở Nga cùng mấy nước bạn. Nhưng nghe tin chiến thắng, ai nấy nhanh chóng về nước, rồi vào ngay Thành phố mới giải phóng.
Sau khi hòa bình lặp lại, nghệ sĩ Việt Cường được cử đi học đạo diễn, biên đạo múa tại Liên Xô cũ. Với những kiến thức đã được đào tạo, ông đã dàn dựng thành công một số vở múa mang “thương hiệu” của TP Hồ Chí Minh giai đoạn sau này như “Ngọc trai đỏ”, “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga”, “Chuyện tình non sông”…
Năm 2001, hai tác phẩm này tham dự Liên hoan các tác phẩm kịch múa Việt Nam lần đầu tiên. “Ngọc trai đỏ” giành đoạt Huy chương vàng, nhận 5/6 giải thưởng xuất sắc nhất cho kịch bản, biên đạo, âm nhạc, diễn viên, thiết kế. Còn vở “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” giành Huy chương đồng. Hai vở vũ kịch này cũng ghi một dấu ấn trong chặng đường nghệ thuật của ông.
Chia sẻ về những hoạt động nghệ thuật mới nhất, ông hồ hởi khoe, hai vở múa “Còn mãi bản hùng ca” và “Những bông hoa thành phố” của mình đã được dàn dựng nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đến nay. Đây là những tác phẩm ông tái hiện hai thời kỳ lịch sử của thành phố Sài Gòn, từ năm 1954 đến1975 và từ sau khi thống nhất đất nước. “Những đứa con thành phố” và “Còn mãi bản hùng ca” sẽ trình diễn trong thời gian sắp tới.
22 người trong Đoàn văn công đi B ngày nào giờ không còn đông đủ, người còn, người mất. Đội ngũ văn công giải phóng tham gia các chiến trường có gần 200 người hy sinh và qua đời, chỉ còn khoảng 60-70 người. Nhớ lại những tháng ngày gian khổ, NSND Vũ Việt Cường thêm trân trọng tình đồng đội thời bình.
* Đạo diễn, biên đạo múa Vũ Việt Cường, sinh năm 1944, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam khoá 1. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Mâm vàng Cửu Long” (Solo, 1991); “Bài ca chim G’rứ” (Solo, 1991); “Huyền thoại Gò Công” (Thơ múa, 1995); “Ngày ấy Sài Gòn” (Thơ múa, 1995); “Ngọc trai đỏ” (Vũ kịch, 1998); “Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga” (Vũ kịch, 2000); “Ánh sáng và con đường” (Vũ kịch, 2000); “Sự ân hận muộn màng” (Vũ kịch, 2003); “Tiếng cồng vượt thác” (Ca cảnh, 2005); “Chuyện tình non sông” (Vũ kịch, 2006); “Còn mãi bản hùng ca” (Vũ kịch); Những bông hoa thành phố (Vũ kịch). Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001.
Speak Your Mind