Mơ một tương lai ổn định hơn cho ballet Việt

Ballet là sự chia sẻ và kết nối, nên tôi vẫn mơ một ngày nào đó khi tôi trở lại, ballet Việt sẽ được chia sẻ và kết nối trong một tương lai ổn định hơn“, biên đạo Johanne Jakhelln Constant chia sẻ.

Một cảnh trong vở vũ kịch Cô bé búp bê được tổng duyệt tại Nhà hát thành phố chiều 27-8  Ảnh Tiến Long

Một cảnh trong vở vũ kịch Cô bé búp bê được tổng duyệt tại Nhà hát thành phố chiều 27-8 – Ảnh: Tiến Long

Trong hai ngày 28 và 29-8 tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) lần đầu tiên giới thiệu vở vũ kịch Cô bé búp bê (Coppélia) do biên đạo múa nổi tiếng người Na Uy Johanne Jakhelln Constant dàn dựng.

Đây được xem là một trong những tác phẩm vũ kịch kinh điển hài hước nhất của thế kỷ 19 và được biểu diễn trên khắp thế giới từ đó đến nay.

Johanne Jakhelln Constant từng là giám đốc nghệ thuật cho đoàn múa ballet Quad Cities (Mỹ) trong 10 năm. Đây là lần hợp tác thứ ba của nữ biên đạo tài năng này với HBSO, sau thành công của hai vở vũ kịch Kẹp hạt dẻ và Cô bé lọ lem thuộc chương trình hợp tác với dự án Transposition, Na Uy.

1831-johanne-portrait

Bà cho biết: “Tôi rất vui được trở lại VN và tiếp tục hợp tác với HBSO trong tác phẩm ballet kinh điển Coppélia. Đó là một câu chuyện hài hước về tình yêu, sự ghen tuông và niềm tin, với một cái kết có hậu vui vẻ“.

* Sau nhiều lần làm việc với các diễn viên múa VN, bà có nhận xét gì về khả năng của họ?

– Tôi có thể nói rằng các vũ công VN rất khá về mặt kỹ thuật biểu diễn, chứng tỏ họ đã được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Tôi không gặp trở ngại nào trong việc biên đạo động tác, dàn dựng các tổ hợp và truyền đạt cho các diễn viên. Tuy nhiên, điều thử thách của tôi lại nằm ở chỗ khó mà tập hợp được đông đủ các diễn viên để tập luyện.

Một phần trong số các diễn viên vẫn còn đang là sinh viên, phần khác thì bận chạy sô để tăng thu nhập. Họ có nhiều lý do để vắng mặt nên tôi cũng khá vất vả để sắp xếp lịch tập sao cho có đông người nhất có thể.

Là một biên đạo, tôi cần nhìn rõ bức tranh tổng thể với đầy đủ mọi người ở đó, trong khi là một diễn viên họ cũng sẽ rất khó khăn nếu vắng mặt vì sẽ không theo kịp những gì tôi đã truyền đạt hôm trước.

* Điều này là thực tế buồn của nghệ thuật nói chung ở VN và ngành múa nói riêng vì lương nhà hát không đủ để các diễn viên trang trải cuộc sống nếu họ không chạy sô. So với các nước Âu, Mỹ mà bà từng làm việc, có sự khác biệt nào không?

– Tôi từng làm việc ở Mỹ trong một nhà hát mới chỉ có 12 vũ công chính thức. Họ cũng rất khó khăn để bắt đầu mọi thứ, cũng phải thuê rạp diễn, huy động thêm sinh viên ngành múa… Tuy nhiên dần dần họ có được những tác phẩm hay, bán được vé và huy động được những nguồn tài trợ từ các quỹ văn hóa và mạnh thường quân.

Đến nay nhà hát này rất thành công và các vũ công ở đó được toàn tâm toàn ý múa. Vậy nên, mọi thứ rất khác. Họ lúc nào cũng sẵn sàng để có mặt ở sàn tập đúng giờ và tập luyện từ sáng đến tối cho đến khi hoàn hảo. Một số vũ công có đi dạy thêm ở ngoài nhưng đó chỉ là vì sở thích chứ không phải vì cơm áo gạo tiền, nên khi nhà hát cần là họ luôn có mặt.

* Vậy theo bà thì cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

– Tôi nghĩ Nhà nước và nhà hát cần hỗ trợ nhiều hơn cho múa. Chuyện phải lo lắng về cơm áo gạo tiền chắc chắn là một vấn đề khiến các diễn viên mệt mỏi và nghĩ liệu có nên ở lại với múa.

Nếu có một giấc mơ dành cho những diễn viên múa ở đây, tôi ước gì ngày nào đó họ sẽ được múa toàn thời gian trong một môi trường ổn định, chuyên nghiệp, bền vững và được trả hậu hĩnh. Tôi cũng muốn khi gặp lại họ trong những năm sau, ai cũng đều ở lại với múa và phát triển kỹ năng của mình lên một mức cao hơn.

* Ở VN hiện vẫn chưa có nhiều vở vũ kịch được dàn dựng và công diễn. Phần lớn các chương trình đều có sự hợp tác với nước ngoài và không thường xuyên. Bà có nghĩ ballet ở VN sẽ có một tương lai khác?

– Trong ngành múa, ballet lại vốn được xem thuộc hàng kinh điển và khó xem nên ở VN không có nhiều khán giả, các diễn viên cũng không có nhiều đất diễn bằng các loại hình múa đương đại khác. Nhưng bạn cứ nghĩ xem, có phải người ta thích chương trình So you think you can dance (Thử thách cùng bước nhảy – PV) nơi họ trố mắt với những điều phi thường mà cơ thể con người có thể đạt tới?

Bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy tất cả những điều đó ở ballet. Một vũ công ballet giỏi sẽ dẫn dắt khán giả vào thế giới của cảm xúc ngay cả khi họ không hiểu gì về kỹ thuật hay động tác.

Tôi đã đến với ballet hơn 30 năm và sẽ cảm thấy mất phương hướng nếu không được làm việc nữa. Vậy nên tôi tin các học trò VN của mình cũng nghĩ giống tôi. Múa ballet rõ ràng là thứ mà người ta phải thật sự yêu thì mới làm được vì nó sẽ lấy của họ ít nhất mười năm để rèn luyện.

Ballet là sự chia sẻ và kết nối, nên tôi vẫn mơ một ngày nào đó khi tôi trở lại, ballet Việt sẽ được chia sẻ và kết nối trong một tương lai ổn định hơn.

TTO – HOÀNG OANH thực hiện

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*