Kịch múa “Khoảnh khắc bất tử”: Khúc tráng ca về người con gái Đất Đỏ

Sẽ biểu diễn hai đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” vừa được các nghệ sĩ Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam hòan thành là một tác phẩm công phu chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

NSND Ứng Duy Thịnh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, NSND Chu Thúy Quỳnh, Đạo diễn Phạm Anh Phương đã có buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về vở kịch múa tái hiện hình ảnh người con gái Đất Đỏ, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đây là công trình phối hợp giữa Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Khoanh khac bat tu 1

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (đứng) cùng các nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh (bên trái) Chu Thúy Quỳnh, Phạm Anh Phương tại buổi gặp gỡ báo chí.

Kịch bản “Khoảnh khắc bất tử” của nghệ sĩ Tuyết Minh được chọn trong 18 kịch bản tốt nhất từ cuộc thi kịch bản sân khấu về đề tài LLVT và CTCM để dàn dựng. Các nghệ sĩ đã vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về kinh phí do các thủ tục giải ngân, để tập trung luyện tập suốt thời gian qua. Đạo diễn, NSND Nguyễn Anh Phương – Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ, nhận nhiệm vụ thực hiện vở diễn, các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã rất hào hứng và tâm huyết, từ việc dàn dựng, hình thành ý tưởng dựng các cảnh, lớp, phối hợp với âm nhạc… quyết tâm tạo nên tác phẩm có tầm cỡ cho nền nghệ thuật múa của đất nước.

Hai phần quan trọng nhất làm nên một vở kịch múa là âm nhạc và múa ballet đều được chăm chút ở “Khoảnh khắc bất tử”. Đặc biệt, các nghệ sĩ tham gia vở diễn sẽ được múa trên nền nhạc sống thay vì “nhạc máy” nên sự cộng hưởng giữa âm nhạc và múa hòa quyện cũng như tạo sự thăng hoa cho nghệ sĩ. Phần âm nhạc của vở diễn do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đặng Hùng và nhạc sĩ Đỗ Bảo đảm nhiệm. 60 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng đã cùng làm việc với các nghệ sĩ múa trong từng buổi tập suốt thời gian qua.

Khoanh khac bat tu 2

Trích đoạn cảnh 3 vở “Khoảnh khắc bất tử” có tên “Những người con Đất Đỏ”.

Đỗ Hồng Quân cho biết, một ê kíp đã đưa ra chủ đề, ý đồ, cấu trúc về âm nhạc. Sau đó anh cùng với nhạc sĩ Đặng Hùng, Đỗ Bảo cùng thực hiện, 3 người làm một năm, hòan thành bản tổng phổ và Đỗ Hồng Quân thống nhất lại. Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ, hai đặc điểm cần phải thể hiện rõ trong âm nhạc của vỡ diễn, đó là sự thánh thiện của một con người trẻ tuổi hi sinh cho Tổ quốc đi vào cái chết có ý thức và rất bình thản, ngược lại với đó là sự tương phản – kẻ thù đàn áp dã man để tạo nên âm hưởng ngợi ca, trữ tình. Bài hát nổi tiếng “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng đã được sử dụng cho vở diễn, một nhân vật hát mộc một đoạn trong bài khi mở đầu vở diễn và khép lại bằng những giai điệu không lời.

Có lẽ kể từ vở kịch múa đầu tiên mang tên “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” được dàn dựng và biểu diễn từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, phải hàng chục năm mới có một vở mới quy mô xuất hiện do các nghệ sĩ trong nước dàn dựng. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, việc hòan thành “Khoảnh khắc bất tử” đã đánh dấu sự hiện diện trở lại của loại hình nghệ thuật hàn lâm kịch múa trên sân khấu Việt từ sau vở “Mệnh trời tình đất”, đến lần này mới lại có một vở diễn được dàn dựng “ra tấm ra món”.

Khoanh khac bat tu 3

Trích đoạn cảnh 4 có tên “Trận càn”.

NSND Ứng Duy Thịnh cho biết, hội đồng nghệ thuật hai hội Nghệ sĩ múa và Nhạc sĩ đánh giá, với “Khoảnh khắc bất tử” dùng ngôn ngữ múa ba lê và dàn nhạc giao hưởng tạo nên một tác phẩm múa quy mô về đề tài chiến tranh cách mạng, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam đã trở lại được tư thế của một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của đất nước. Ông nói rằng, đây là công trình lao động nghệ thuật của hai hội ở hình thức cao nhất là kịch múa, có tính chuyên nghiệp cao nhất. Đặc biệt “Khoảnh khắc bất tử có sự tham gia của 3 biên đạo, nghệ sĩ Hồng Phong, nghệ sĩ Tuyết Minh, nghệ sĩ Nguyễn Anh Phương nhưng cả 3 biên đạo đã tìm được sự đồng nhất trong xúc cảm, không phát hiện “mối hàn” từ biên đạo này sang biên đạo khác, điều đó cho thấy tài năng và kỹ năng của các biên đạo. Hình tượng Võ Thị Sáu cũng sẽ được thể hiện bởi hai nghệ sĩ Ngọc Cần (xuyên suốt vở diễn) và Việt An (hình tượng chị Sáu trong mơ).

Trước buổi gặp gỡ báo chí, các nhà báo cũng được xem mộc giới thiệu tóm tắt cảnh 3 (có tên “Những người con Đất Đỏ”) và cảnh 4 (có tên “Trận càn”) của “Khoảnh khắc bất tử”. Vở diễn sẽ chính thức ra mắt công chúng bằng hai đêm diễn vào ngày 25 và 26/8 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây cũng là hoạt động chào mừng Quốc khánh 2/9 và hướng tới kỷ niệm 70 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

THIỆN NGUYỄN

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*