Blanca Li, 20 năm sự nghiệp biên đạo múa đương đại

Cách đây đúng 20 năm, nhà biên đạo múa Blanca Li thành lập một đoàn múa ballet hiện đại tại Paris. Từ đó cho tới nay, cô đã sáng tác 12 vở múa và đã dựng 10 vở kịch opera, dưới dạng sáng tác riêng hay hợp tác chung với các nhà đạo diễn danh tiếng. Trong năm 2013, tác phẩm mới của cô đề tựa Elektro Kif được trình làng tại nhà hát La Cigale ở Paris.

Blanca Li

Trước khi chọn nước Pháp làm quê hương thứ hai, Blanca Li – người Tây Ban Nha sinh năm 1964 – từng được đào tạo trong vòng 5 năm tại New York và tốt nghiệp trường múa Martha Graham. Vở múa đầu tiên của Blanca Li ra đời vào năm 1993 và được biểu diễn trong khuôn khổ liên hoan sân khấu kịch nghệ Avignon. Trong nhiều năm liền, cô không ngừng hợp tác với các trường dạy múa cũng như các nhà hát lớn để chuyển thể phóng tác các vở kịch trứ danh như Don Giovanni cho nhà hát Metropolitan Opera thành phố New York, vở Guillaume Tell cho nhà hát Opéra Bastille, vở Shéhérazade cho nhà hát Opéra Garnier .

Bên cạnh đó, còn có những sáng tác mới trong khuôn khổ của các liên hoan nghệ thuật múa Montpellier, liên hoan thành phố Lyon tổ chức hai năm một lần (biennale), hay festival kịch tại nhà hát lớn thành phố Nancy. Nổi tiếng trong làng biên đạo múa quốc tế từ năm 1999 nhờ vở múa Macadam, cô Blanca Li chuyên kết hợp nhiều ngôn ngữ biểu hiện khác nhau trên cùng một sân khấu. Ý tưởng này đã manh nha từ những năm tháng đầu đời, qua việc kết hợp vũ điệu flamenco với nhạc rap từ thời cô còn học múa tại New York. Trong vở múa Un Tango pour Monsieur Lautrec (Bài tango cho danh họa Lautrec), cô dùng ngữ điệu La tinh để minh họa cho cảm hứng sáng tác của danh họa người Pháp. Trong vở Indes Galantes, Blanca Li dung hòa các động tác múa hiện đại với nghệ thuật âm nhạc baroque.

Có người từng so sánh cách tiếp cận ngôn ngữ múa của Blanca Li như một chiếc quạt nan : một khi xếp lại, tác phẩm trong tổng thể có lối dẫn dắt trung thành với tuyến truyện, đến khi xòe ra, nó lại thể hiện cho một góc nhìn mở rộng 180 độ, đa dạng trong lối biểu hiện, phong phú trong cách dùng chi tiết và thường dung hòa những bộ môn nghệ thuật mà thoạt nhìn khó thể kết hợp lại với nhau.

Tác phẩm Le Indes Galantes

Nhưng điều gì đã thúc đẩy Blanca Li chọn nghề múa thay vì các bộ môn nghệ thuật khác ? Theo lời kể của Blanca Li, nhân một cuộc phỏng vấn trên đài RFI, bằng tiếng Pháp, thì cô chọn nghề này không phải là vì cô mê một diễn viên múa, mà chủ yếu vì cô đã được dịp xem một bức tranh đồ sộ. Họa phẩm mà Blanca Li có rất nhiều ấn tượng từ thời còn nhỏ là bức tranh bộ ba đề tựa Le Jardin des Délices, tạm dịch là Vườn địa đàng của danh họa Hà Lan Jérôme Bosch.

Trong tiếng Anh, bộ tranh này được gọi là The Garden of Earthly Delights. Còn danh họa Jérôme Bosch tên thật là Hieronymus van Aken, sinh vào khoảng những năm 1450, mất vào năm 1516, là một họa sĩ thuộc phong trào hậu gothic, tiền Phục Hưng. Sinh thời, ông nổi tiếng là người chuyên vẽ về các chủ đề tôn giáo nhưng không tuân thủ phong cách truyền thống mà lại biểu hiện đề tài một cách bí ẩn, kỳ dị, đến nỗi sau này nhà phân tâm học nổi Carl Jung gọi ông là bậc thầy của bút pháp ma quái. Nhà biên đạo múa Blanca Li cho biết cảm nhận của cô về bức tranh này.

Lần đầu tiên tôi được dịp xem bức tranh Le Jardin des Délices của danh họa Jérôme Bosch là tại Viện Bảo tàng Quốc gia El Prado, tại thủ đô Madrid. Lúc đó tôi còn nhỏ và bức tranh đã để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu đậm, bởi vì trong mắt của trẻ thơ, bức tranh này giống như một quyển sách mở, một câu chuyện cổ tích mà đứa bé nào cũng thích được nghe kể lại. Bức tranh này là tác phẩm bộ ba (triptyque), phía bên trái vẽ chốn Thiên Đường, bức tranh trung tâm là cõi Trần Gian và tấm bên phải vẽ cõi Địa Ngục. Tác phẩm này có nhiều màu sắc và nhân vật, nó làm cho tôi thích thú ngạc nhiên, nhưng trong nơi chốn thần tiên vẫn có một chút gì sợ hãi.Tôi đã được dịp xem lại bức tranh này nhiều lần và cứ mỗi lần tôi lại khám phá nhiều chi tiết mới. Tôi có cảm tưởng là bức tranh này thay đổi với thời gian hay nói cho đúng hơn là càng lớn lên và càng có kinh nghiệm sống, thì cảm nhận của tôi với tác phẩm này lại càng thay đổi. Ấn tượng của bức tranh này mạnh đến nỗi, khi tôi bắt đầu vào nghề múa, tôi tự nhủ là một ngày nào đó tôi sẽ biên kịch một vở múa ballet gợi hứng từ bức tranh. Mãi đến năm 2009, tôi mới hoàn tất điều mà mình ấp ủ từ lâu. Vở múa xung quanh chủ đề Le Jardin des Délices đã được diễn lần đầu tiên trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật múa đương đại của thành phố Montpellier, miền nam nước Pháp và tác phẩm vẫn được trình diễn trên sâu khấu cho tới giờ này.Trích đoạn tác phẩm Le Jardin des Délices

Tính đa dạng trong cách biên đạo múa của Blanca Li có lẽ đã bắt nguồn từ thuở ấu thơ. Thời còn nhỏ, cô sinh ra tại vùng Andalucia, nơi mà các bộ môn nghệ thuật từ bao đời đã thấm nhuần ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Các động tác múa do không bị rào cản bởi ngôn từ, cho nên được xem là một bộ môn nghệ thuật không biên giới. Điều đó giải thích vì sao Blanca Li đã sinh sống và làm việc tại nhiều nơi New York, Sevilla, Berlin, Paris. Blanca Li nhắc lại những kỷ niệm với những nơi chốn cô từng quen biết.

Những kỷ niệm đầu tiên dĩ nhiên là với thành phố Granada, ở vùng Andalucia. Đó là nơi mà tôi đã sinh ra và sống với gia đình tôi thời thơ ấu. Năm tôi lên tám, bố tôi thay đổi việc làm nên cả gia đình dọn về thủ đô Madrid sinh sống trong vòng 9 năm. Thời niên thiếu tôi đã luyện tập bộ môn Thể dục Dụng cụ và từng tham gia đội vận động viên quốc gia Tây Ban Nha. Năm 17 tuổi, tôi rời gia đình sang New York tầm sư học đạo. Tôi học múa tại trường Martha Graham và thường xuyên lui tới các khoá đào tạo của các trường dạy múa như Alvin Ailey, Paul Sanasardo và Clark Center . Có thể nói là vào lúc đó tôi rất say mê học hỏi, mỗi ngày học múa trong 8 tiếng đồng hồ liên tục, vì tôi quan niệm rằng tôi có rất nhiều may mắn, để đeo đuổi nghề mà tôi yêu thích.

Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều trong khoản thời gian 5 năm sống ở New York. Tôi khám phá nhạc jazz, nhạc hip hop và tình yêu đầu đời. Do vậy mà tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp với New York . Sau khi lập gia đình, chồng tôi nhận công tác mới nên buộc phải trở về châu Âu. Chúng tôi chọn nước Pháp làm nơi để lập nghiệp từ năm 1992, quyết định này phần lớn là do cơ hội nghề nghiệp, vả lại vào thời đó, không dễ gì có được một visa làm việc tại Hoa Kỳ. Rất nhiều người thường hỏi tôi là vì sao tôi chọn nghệ danh là Blanca Li, họ Li phải chăng là một cái tên gọi tiếng Hoa. Thật ra tôi tên là Blanca Guttierez, còn Li là họ của chồng tôi, anh ấy là người gốc Hàn Quốc. Tôi chọn Blanca Li làm nghệ danh vì tên gọi này cũng khá dễ nhớ.

Kể từ giữa những năm 1990 trở đi, Blanca Li trở thành một trong những cánh chim đầu đàn trong việc kết hợp hip hop với các bộ môn nghệ thuật khác. Vào thời cô sang thành phố New York để học múa, Blanca Li đã sống tại khu phố Spanish Harlem, nơi mà đa số cư dân là người thuộc cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, nơi mà các luồng ảnh hưởng văn hóa được dung hòa với nhau, từ flamenco cho đến rap, từ hip hop cho đến salsa.

Thời gian tôi sống ở New York, tôi đã khám phá phong trào hip hop và cảm thấy gần gũi với các động tác nhảy múa gắn liền với dòng nhạc này. Khi tôi đến Pháp vào đầu những năm 1990, tôi nhận thấy là phong trào hip hop đã không ngừng biến chuyển, từ một ngôn ngữ biểu hiện xuất phát từ đường phố dần dần trở thành một hình thức nghệ thuật. Vào năm 1999, tôi sáng tác vở múa Macadam, kết hợp hip hop với các kiểu múa hiện đại khác. Giờ đây, hip hop đã trở thành một bộ môn hẳn hoi với nhiều trường phái và cách diễn đạt khác nhau. Một số trường lớp cũng đã bắt đầu giảng dạy bộ môn này như một ngôn ngữ múa hiện đại.

Các nhà hát lớn cũng như các đoàn múa ballet như Lyon hay Montpellier mở cửa tiếp đón hình thức nghệ thuật này, hay đưa vào trong répertoire của các tác phẩm biểu diễn. Điều mà tôi rất thích trong hip hop là bộ môn này không ngừng biến chuyển thay đổi, các diễn viên múa hip hop thường thử nghiệm những động tác mới. Hiện giờ, tôi làm việc với một nhóm diễn viên múa hip hop. Thể loại mà họ chuyên biểu diễn là những kiểu múa gắn liền với dòng nhạc điện tử electro dance. Nhóm này gồm tám diễn viên, chúng tôi làm việc với nhau để cho ra đời một vở múa mới, tràn đầy năng lực và sinh khí.

Từ hai mươi năm qua, đoàn múa của Blanca Li đã tổ chức nhiều xưởng sáng tác. Để kỷ niệm 20 năm sự nghiệp, cô sẽ tham gia Ngày hội của nghệ thuật múa (La fête de la Fanse) vào mùa thu 2013 tại viện bảo tàng Grand Palais. Cách thức vận hành của đoàn múa tựa như một lò đào tạo các diễn viên, nhưng đồng thời giống như một phòng thí nghiệm tìm tòi các động tác mới. Vở múa Elektro Kif đang được trình diễn tại nhà hát La Cigale ở Paris, gồm 8 diễn viên múa nhưng tất cả đều là nghiệp dư, gặp ở ngoài đường phố, chứ không tuyển lựa qua các buổi diễn tập thử. Blanca Li cho biết:

Điều làm cho tôi thích thú khi làm việc chung với các diễn viên múa trẻ tuổi là tuổi trẻ có một niềm đam mê rất lớn. Một sự khao khát học hỏi vượt ngoài sức tưởng tượng của bản thân. Niềm say mê đó thúc đẩy họ không ngừng luyện tập trau dồi cho đến khi nào động tác múa, cách biểu diễn trở nên thuần thục nhuần nhuyễn. Họ làm cho tôi nhớ lại cái thời mà tôi còn trẻ, khi chân ướt chân ráo đến thành phố New York và bắt đầu học múa.Niềm say mê đó lớn đến nỗi tôi có cảm tưởng như lúc nào mình cũng bị ám ảnh, buổi sáng thức dậy hay buổi tối đi ngủ đều nghĩ tới nghệ thuật múa. Nhìn các diễn viên múa trẻ tuổi mà tôi chợt bắt gặp mình, bởi vì cái niềm say mê đó thời trước là của tôi và giờ đây là của họ. Theo tôi nghĩ thì tuổi trẻ vào thời nào cũng vậy, đam mê chính là cái động lực thôi thúc chúng tôi, khiến cho bản thân mình có cảm tưởng là với hai tay, ta có thể chuyển dời một ngọn núi.

Tuấn Thảo

(Nguồn: http://www.viet.rfi.fr)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*