Nghệ sĩ Nhật đánh cược sinh mạng vì nghệ thuật

Bất chấp chấn thương dai dẳng, nghệ sĩ múa đương đại Moriyama Kaiji vẫn tự nhủ phải “đánh cược sinh mạng” trong mỗi buổi trình diễn để tạo ra những khoảnh khắc đẹp nhất, hằn sâu vào tâm trí khán giả.

Kaiji được Tổng Cục văn hóa Nhật Bản giao nhiệm vụ làm “Đại sứ giao lưu văn hóa” và đang ở Hà Nội để giao lưu với trẻ em cũng như sinh viên trường múa. Anh cũng sẽ tham gia Liên hoan Múa Quốc tế tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20/11.

Báo VnExpress trao đổi với Kaiji về con đường nghệ thuật mà anh đang theo đuổi.

4233-moriyama-kaiji-7906-1384412986

Chân dung nghệ sĩ múa đương đại nổi tiếng Nhật Bản Moriyama Kaiji. Ảnh: Sadato ISHIZUKA.

Nhiều năm gắn bó với múa, môn nghệ thuật này đem lại cho anh những trải nghiệm gì trong cuộc sống?

– Hồi nhỏ, tôi là một người không giỏi về biểu cảm cơ thể và cảm xúc trên gương mặt. Tôi hay xấu hổ, đỏ mặt và cũng trầm tính. Sau khi có cơ hội gần gũi với nghiệp múa, tôi cảm nhận được rõ hơn cách sử dụng cơ thể để biểu đạt tình cảm, cảm xúc. Thông qua các điệu múa, cảm xúc của tôi cũng được thăng hoa nhiều hơn.

Ngày xưa, khi múa nhạc kịch, tôi có múa đơn nhưng lúc nào nó cũng gắn liền với âm nhạc. Nhiều lúc tôi tự nhủ hóa ra mình vẫn phải dựa vào điều gì đó, mình nhảy đơn nhưng thực ra vẫn là kép. Nhưng bây giờ, khi trưởng thành và qua nghiệp múa, tôi thấy rằng múa giúp chúng ta kết nối được với nhau, với âm nhạc và với những bộ trang phục.

– Một đặc điểm trong văn hóa Nhật là sự kết hợp giữa những khuôn phép, quy chuẩn nhiều khi đến mức cực đoan và sự đòi hỏi khả năng tìm tòi, sáng tạo vượt trội. Điều đó được thể hiện trong phong cách nghệ thuật của anh như thế nào?

– Trong đạo của những kiếm sĩ Samurai, họ dành hết sức lực, tuổi thọ cũng như cả cuộc đời để đạt được một điều gì đó. Còn trong nghệ thuật của tôi, một điều khắc nghiệt là khi đứng biểu diễn trước mọi người, bạn phải dốc toàn bộ sức lực, phải tâm niệm mình gần như cược cả tính mạng. Sự nghiêm khắc là tinh thần mà người Nhật luôn đòi hỏi và tôi luôn ghi nhớ điều đó.

Tôi cũng tự nhủ không nên quá ràng buộc mình vào khuôn khổ. Tôi có thể diễn vai một kiếm sĩ Samurai, trong một không gian lặng như tờ. Nhưng tôi cũng có thể trở thành một người rất vui nhộn dạy trẻ em “Điệu nhảy cả thế giới cùng rửa tay”. Bây giờ, đặc trưng riêng của tôi là không bị bất cứ phong cách nào ràng buộc.

Phong cách múa của anh từng được ví như “thanh kiếm xé tan không trung với sự mềm mại và nhạy cảm, vượt qua ranh giới thế hệ”. Phong cách này được hình thành ra sao?

– Đó là nhận xét của một người xem tác phẩm múa “Katana” (Thanh kiếm) mà tôi trình diễn ở Mỹ vào năm thứ hai khi bắt đầu nghiệp múa. Sinh ra và lớn lên ở Nhật nhưng trước đây tôi cũng không hiểu rõ về tinh thần kiếm sĩ, vì vậy khi đóng về cây kiếm, tôi phải tìm hiểu sâu hơn.

Để trở thành thanh kiếm, tôi phải thể hiện sự tôi luyện, độ sắc, độ cứng, độ bền của nó. Nhưng càng luyện tập, tôi càng thấy người cứng đơ lại, không thể biểu diễn sự sắc bén của kiếm. Ngược lại, tôi lại nghĩ cây kiếm cứng không có nghĩa là nó không mềm dẻo. Do đó, tôi đổi hướng luyện tập, sử dụng hơi thở hòa vào không khí và thể hiện sự mềm dẻo trong cơ thể. Dần dà, tôi thấy mình đã đi đúng hướng.

Con người, tuy nhìn là một đường thẳng nhưng thực ra lại là đường cong. Cây kiếm cũng thế, khi chém ra tưởng chừng như một đường thẳng nhưng thực ra lại là đường cong gấp khúc. Giống như cây tre, khi đứng rất cứng rắn nhưng có hơi nước, không khí thì rất mềm dẻo, linh hoạt. Vì vậy, tôi đã thể hiện như một sợi dây mềm mỏng đấy nhưng cũng không mất đi sự sắc bén.

Vậy khó khăn lớn nhất anh từng trải qua khi gắn với nghệ thuật múa đương đại là gì?

– Cách đây bảy năm, do luyện tập quá sức và phán đoán sai, tôi bị chấn thương lưng, lệch cột sống. Nhưng tôi không kêu ca với bất cứ ai, kể cả biên đạo múa của mình. Chương trình thì không chỉ có điệu múa của tôi mà tôi còn phải kết hợp với người khác để biểu diễn.

Tôi đã uống rất nhiều thuốc giảm đau, nhưng đúng vào ngày diễn tôi bị “đứng hình”, không thể cử động được. Phải bò từ sân khấu vào cánh gà, tôi đã rất sốc và gục ngã.

4233-nghe-si2-jpg-7140-1384412986

Kaiji trong trang phục đời thường. Ảnh: Trọng Giáp.

Bác sĩ dặn tôi phải nghỉ hẳn một thời gian. Nhưng vì cuộc sống, tôi không thể không diễn buổi nào trong một thời gian dài, và tôi cũng đã ký kết một số hợp đồng nên không hủy được. Vì vậy, sau khi nghỉ, mỗi lần đi diễn, tôi lại ốm và phải nằm viện. Mỗi lần biểu diễn, tôi lại tự dối mình để qua những cơn đau. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ, có lẽ vì ngay từ đầu tôi đã hạ được quyết tâm lớn là theo nghiệp múa.

Nghệ thuật múa đương đại còn mới mẻ ở Việt Nam và các nghệ sĩ vẫn trăn trở tìm hướng đi cho mình. Là một nghệ sĩ sống trong nghề múa đương đại 14 năm, anh tích cóp được kinh nghiệm gì muốn chia sẻ?

– Chính những trăn trở đó mới làm nên nghệ thuật múa đương đại. Môn nghệ thuật này không cần bạn phải giỏi, phải múa hay, mà bạn phải thể hiện năng lượng, cái tôi của mình.

Có rất nhiều người trên thế giới luôn nghĩ rằng phải thể hiện bản thân mình, sự hiện diện của mình, rằng “Tôi ở đây”. Nhưng sau một quá trình dài, tôi lại muốn thể hiện làm sao như “mình vẫn ở đây nhưng lại không ở đây”. Khi tìm hiểu văn hóa truyền thống như kịch Noh của Nhật, tôi thấy sự tồn tại của mình như hư không dù mình có mặt ở đó. Đó là một nét đẹp tôi mong muốn có trong điệu múa của mình.

Theo anh làm thế nào để thu hút thêm khán giả xem múa đương đại?

– Ở Nhật, cũng rất ít người xem múa đương đại so với lượng người xem nhạc kịch, kịch nói, tivi và chúng tôi cũng rất nỗ lực để tăng lượng người xem. Có một thời gian tôi đi phát ảnh, phát sách về mình, đi nhảy trên đường phố, câu lạc bộ, lên sân khấu nhạc kịch hay nhảy nền.

Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là bạn phải thể hiện hết mình và làm sao để có những khoảnh khắc đẹp nhất lưu lại trong lòng khán giả. Chúng ta có thể làm ra một tác phẩm hay, chạy theo thị hiếu, nhưng nếu nó không khắc sâu vào trí nhớ khán giả thì dần dần sẽ bị lãng quên, mất nét chân thực của múa.

Nếu bạn thành công trong việc khắc ghi khoảnh khắc đó vào tâm trí người xem, họ sẽ tiếp tục đến với bạn và họ sẽ truyền tải thông tin, giới thiệu cho người khác.

Vì vậy tôi luôn tự nhủ khi đã múa, phải như đánh cược tính mạng của mình để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất cho người xem.

Lần này đến Hà Nội tham gia hai sự kiện: Giới thiệu với học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm “Điệu nhảy cả thế giới cùng rửa tay” và giao lưu với sinh viên khoa múa của Trường cao đẳng múa Việt Nam, anh mong đợi điều gì?

– Với trẻ em, có thể có em làm được, có em không, thì cũng không sao. Mục đích của tôi không phải là luyện cho tất cả cùng làm được. Điều quan trọng là cảm nhận khả năng của cơ thể mình và chúng ta cùng nhau chia sẻ, vận động càng nhiều càng tốt.

Với thanh niên, các em đương nhiên có khả năng nhất định. Tôi sẽ bắt các em vận động càng nhiều càng tốt. Tôi mong rằng sẽ truyền tải được lối múa, tác phong múa của mình để các em lấy đó làm kinh nghiệm cho tương lai. Tôi sẽ kể lại những gì tôi phải vượt qua để các em lấy đó làm nền tảng.

Moriyama-Kaiji profile_phSinh năm 1973, Moriyama Kaiji là một nghệ sĩ kiêm biên đạo múa đương đại nổi tiếng Nhật Bản, với thâm niên 14 năm. Từ năm 1999, anh đã bắt đầu hoạt động như một nghệ sĩ múa đương đại tại các đoàn kịch trong và ngoài nước. Anh từng lưu diễn ở nhiều tỉnh thành khắp Nhật Bản và tại Pháp, Italy, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Việt Nam, Nga…

Kaiji từng giành giải Takya Eguchi Award, dành cho nghệ sĩ múa đương đại xuất sắc, và giải Những nghệ sĩ Mới Geijutsu Senshou National Award của Bộ Văn hóa Nhật Bản.

Ngoài múa đương đại và biên đạo múa, Kaiji còn đóng phim, tham gia các chương trình truyền hình và là đồng tác giả một số cuốn sách.

Trọng Giáp

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*