Múa đương đại Việt chưa có “tên” trong bản đồ khu vực

“Chúng ta chưa thể vẽ lên bản đồ khu vực và thế giới cái tên Việt Nam về múa đương đại. Điều đó cần một đội ngũ tác giả, tác phẩm và diễn viên từ tốt đến cực tốt. Chúng ta có một số biên đạo, một số diễn viên nhưng nhen nhúm, nhỏ lẻ chưa thành đội ngũ”- Biên đạo múa Trần Ly Ly – hiện là Phó hiệu trưởng Trường Múa TPHCM thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Một cuộc hội thảo về múa đương đại sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 8 tới tại TP.HCM với mục đích tạo sự đột phá trong công tác đào tạo loại hình này. Thông tin về hội thảo khiến không ít người ngạc nhiên khi biết: múa đương đại đã định cư ở Việt Nam hơn chục năm nay, nhưng chưa có một cái “thẻ căn cước” chuẩn tại các cơ sở đào tạo.

Cuộc trò chuyện với biên đạo múa Trần Ly Ly – hiện là Phó hiệu trưởng Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh để thấy một bức tranh rõ nét hơn về múa đương đại và đào tạo múa đương đại tại Việt Nam hiện nay.

+ Múa đương đại đã không còn là một khái niệm mới mẻ với công chúng so với cách đây vài năm, thậm chí chính nó đã đưa nghệ thuật múa đến gần công chúng hơn. Nhưng dường như, đang tồn tại một khoảng cách giữa những người trẻ theo đuổi múa đương đại và những người bảo tồn quan điểm múa truyền thống? Và khoảng cách đó đang tạo ra một trở ngại trong việc thúc đẩy múa đương đại Việt Nam?

– Tôi nghĩ bạn nói đúng về múa đương đại và tầm quan trọng của nó trong việc thúc đẩy nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng.

Đến thời điểm hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận vị trí và vai trò của múa đương đại. Thực tế cho thấy, múa đương đại đã và đang phát triển ở toàn cầu. Nhưng, bất kì một bước tiến nào cũng cần phải có thời gian và có sự thể nghiệm, kiểm nghiệm mọi sản phẩm cho dù sản phẩm ấy là sản phẩm về vật chất hay là sản phẩm về văn hoá.

Do đó, giữa các quan điểm có sự khác biệt là chuyện bình thường. Có điều, người tiến bộ thì sẽ chấp nhận “cái mới” đến một cách mừng rỡ vì điều đó chứng tỏ mọi thứ đang vận chuyển theo quy luật tự nhiên của nó. “Cái cũ” mất đi, “cái mới” xuất hiện, hoặc “cái cũ” mất đi ở dạng cũ, tái xuất hiện ở dạng mới.

4023-thien-mot-tac-pham-mua-duong-dai-ngan-cua-tran-ly-ly

Cảnh trong vở “Thiền” – một vở múa đương đại ngắn của Trần Ly Ly

Chính vì thế, người ta cần hiểu rằng: nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại cần phải đứng song song với nhau. Sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại làm cho nghệ thuật truyền thống cần phải tinh lọc lại, xuất hiện lại với sự cốt lõi của nó để tồn tại. Nghệ thuật đương đại cần lấy mấu chốt của nghệ thuật truyền thống để làm nguồn cảm hứng hay để làm “xương sống” cho tác phẩm. Cái hiện đại nhất có thể lại là truyền thống nhất và cái truyền thống nhất lại mang tính hiện đại nhiều nhất.

+ Mặc dù đã được đưa vào thành môn học chính thức trong trường múa, nhưng vị trí của múa đương đại vẫn khiêm tốn so với các thể loại khác. Với giáo trình và thời lượng học hiện nay, một sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể trình diễn múa đương đại thuần thục hay không?

– Trên thực tế, tất cả các trường múa của Việt Nam đến nay vẫn chưa xây dựng được giáo trình khung về múa đương đại. Nhưng thời gian tới mà rất gần thôi, tôi và các bạn tôi sẽ xây dựng giáo trình khung cho múa đương đại để sử dụng trong nhà trường, đầu tiên là tại Trường Múa TP.HCM. Hiện tại chúng tôi đang có chương trình chi tiết môn học mà trong đó dành khá nhiều đất cho các giáo viên- nghệ sĩ múa đương đại vùng vẫy. Chúng tôi cũng thực nghiệm nhiều lớp và dần rút ra những yêu cầu cốt lõi của bộ môn để tiến tới xây dựng giáo trình.

Các học sinh tại Trường Múa TP.HCM sẽ được học 4 tiết (1 tiết = 45′) múa đương đại/ tuần trong 2 năm cuối, tương đương với 240 tiết. Với thời gian như trên, các bạn sẽ không thể trở thành diễn viên múa đương đại được mà chỉ học múa đương đại để bổ trợ cho nghề nghiệp mà thôi.

Nếu như bạn nào thực sự muốn trở thành diễn viên múa đương đại thì cần ít nhất 3 tiếng một ngày để luyện tập với cường độ cao trong vòng từ 2 đến 4 năm đến vô giới hạn.

Tuy nhiên, hầu hết các thầy cô say sưa với nghề đều dạy thêm các em ngoài giờ, đặc biệt là những em có tố chất thì các thầy sẽ bồi dưỡng thêm trong các tác phẩm.

Còn trong thực tế, các bạn sinh viên tốt nghiệp ra trường muốn theo đuổi múa đương đại chưa thực sự có được cơ hội làm múa đương đại chuyên nghiệp, bởi chưa có các đoàn chuyên nghiệp về múa đương đại cả của nhà nước lẫn tư nhân. Trong khi thị trường tiêu thụ của múa đương đại còn yếu và nhỏ lẻ.

+ Mặc dù vậy, khán giả đại chúng đang rất hào hứng với múa đương đại. Gần đây nhất, vở Sương sớm của nhóm Arabesque đã được khán giả cả TP.HCM lẫn Hà Nội đón nhận nồng nhiệt. Song, dường như các nghệ sỹ vẫn ngại ngần gì đó khi không tổ chức nhiều chương trình múa đương đại. Theo chị, nguyên nhân là vì sao?

– Tại vì nhiều nguyên do. Một là có thể do các nghệ sĩ muốn tìm các hướng mới cho chính bản thân mình, vẫn suy nghĩ và suy nghĩ chưa hành động. Hai là chưa đủ nguyên vật liệu. Ba là lười.

+ Đã có lác đác tác phẩm múa đương đại của Việt Nam đoạt giải trong các liên hoan múa đương đại quốc tế. Theo chị, như thế đã đủ vẽ vị trí của múa đương đại Việt Nam trong bản đồ khu vực hay chưa?

– Chúng ta chưa thể vẽ lên bản đồ khu vực và thế giới cái tên Việt Nam về múa đương đại. Điều đó cần một đội ngũ tác giả, tác phẩm và diễn viên từ tốt đến cực tốt. Chúng ta có một số biên đạo, một số diễn viên nhưng nhen nhúm, nhỏ lẻ chưa thành đội ngũ. Chúng ta yếu về tổ chức sản xuất và rất yếu về “sale” (“sale” ở đây có nghĩa là quảng bá và bán vé – PV).

+ Đã có những chính sách từ phía Nhà nước đối với việc phát triển nghệ thuật múa Việt Nam nói chung như nguồn kinh phí ổn định để dựng và công diễn các tác phẩm múa xuất sắc. Song với riêng múa đương đại thì chưa. Cá nhân chị mong muốn gì ở những chủ trương cấp vĩ mô dành cho nghệ thuật múa đương đại?

– Tôi cho rằng, chúng ta nên tổ chức các cuộc thi dành riêng cho múa đương đại. Chúng ta cần có những đầu tư nghiêm túc về nhân lực, vật lực. Chúng ta cần có những vị giám khảo thực sự giỏi về múa đương đại thì mới thu hút được các nghệ sỹ tham gia sáng tác.

Bên cạnh đó, đầu tư vĩ mô cấp nhà nước cần tập trung vào một số trung tâm phát triển nghệ thuật đương đại, giao trọng trách cho những người hoạt động đương đại tích cực, có những quan tâm thực tế đến các trung tâm này. Đó sẽ là nền móng để thành lập các đoàn múa đương đại trong tương lai.

+ Với cá nhân chị, trở về Việt Nam và phải đứng trước sự bảo thủ của “cái cũ”, “cái mới” là chị đã từng cảm thấy “cô đơn kinh khủng”. Nỗi cô đơn ấy bây giờ còn không khi lực lượng nghệ sỹ được học múa và biên đạo múa đương đại từ nước ngoài về ngày càng đông đảo?

– Thực ra, nghệ sỹ thì vẫn cần phải cô đơn. Cô đơn trong cái thế giới suy tưởng của mình thì nghệ sỹ mới hay, mới lạ. Nhưng thật đáng mừng là hiện nay tôi đã nhìn thấy những cá thể lấp lánh đủ để chúng ta làm những làn sóng mới. Nó đang đem lại cho tôi những nguồn cảm hứng mới đầy màu sắc để sáng tạo.

+ Thế nhưng, lâu nay không thấy chị làm những tác phẩm múa đương đại dầy dặn mà chủ yếu là tác phẩm múa ngắn dựng cho thí sinh tham gia liên hoan, cuộc thi múa chuyên nghiệp. Vì sao vậy?

– Sau Living in the box, tôi cần thời gian. Và khi chuyển vào TP.HCM, tôi chưa tìm được đủ nguyên vật liệu. Với tôi, tập trung giảng dạy cũng là một cách xây dựng đội ngũ và tìm “quặng”. Còn hiện tại, tôi đang xây dựng kịch bản cho vở đương đại mới của mình và chắc sẽ trình làng sớm vào tháng 4/2014.

+ Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Hồng

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*