Múa hiện đại Việt Nam: Cần hơn nữa tính dân tộc

Thời gian gần đây, múa hiện đại xuất hiện khá nhiều trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật và cũng đã có không ít tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc liên hoan, hội diễn. Người ta biết đến múa hiện đại Việt Nam với nhiều thuật ngữ mới như “cái tôi”, “khoảng lặng”, “kịch hình thể”… Tuy nhiên bên cạnh xu hướng đổi mới trong sáng tác, biểu diễn, múa hiện đại với những “hiện tượng mới” đôi khi đã làm lệch lạc đi tính dân tộc vốn có của múa Việt Nam.

Không bài bản dẫn đến lệch lạc

Theo NSƯT Hoàng Hà: “Hiện nay, múa hiện đại Việt Nam đang phát triển theo hai xu hướng rõ rệt, thứ nhất là xu hướng xây dựng cái mới trên cơ sở tìm về bản sắc của múa dân gian dân tộc, tiếp tục tìm kiếm, phát huy những tinh hoa tiềm ẩn trong nghệ thuật múa cổ truyền, lấy ngôn ngữ, động tác, kỹ xảo sử dụng đạo cụ của những hình thức múa dân gian, múa tín ngưỡng tôn giáo làm cơ sở để phát triển, xây dựng tác phẩm mang màu sắc hiện đại. Và thứ hai là xu hướng tiếp nhận các thủ pháp, kết cấu, phong cách thể hiện múa hiện đại của nước ngoài, vận dụng các động tác kỹ thuật múa vào xây dựng tác phẩm với mục đích tìm một thị hiếu thẩm mỹ mới để hòa nhập vào múa hiện đại thế giới“. Thời gian qua, hai xu hướng này phát triển song hành với nhau và cũng có những thành tựu nhất định, góp phần tạo nên những thị hiếu thẩm mỹ mới nhưng chưa nhiều.

3531-mua-hien-dai

Cần phải có sự kết hợp các yếu tố truyền thống trong múa hiện đại.

Tuy vậy, bên cạnh mặt được, vẫn còn không ít tác phẩm được gọi là “múa hiện đại” chỉ trình diễn những hình thức mới lạ, biến thể của những cái đã có từ bên ngoài, hay sáng tác theo cảm xúc cá nhân chỉ để thỏa mãn thị hiếu “tiêu dùng” của xã hội, hoặc chỉ biết khoe kỹ thuật biểu diễn bằng những động tác chắp vá, nửa cổ, nửa kim nhưng chưa hẳn là ngôn ngữ múa. Theo Ths. NSƯT Vũ Dương Dũng: “Việc hiện đại hóa tác phẩm không chỉ ở mặt chiêu thức, mà nó phải thực sự khai thác tư duy, ngôn ngữ múa và hình thức thể hiện. Hiện nay có nhiều tác phẩm múa, kể cả một số tác phẩm múa dân tộc hiện đại đạt giải cao trong các cuộc thi, chắp động tác này vào động tác kia, một sự chắp nối thiếu hiểu biết về luật động hiện đại. Các nhà biên đạo này chỉ được học qua loa về múa hiện đại nhưng đã vội vã ứng dụng vào các tác phẩm của mình. Vô hình chung họ đã tạo ra một tác phẩm có giá trị nghệ thuật thấp“.

Hiện đại nhưng phải có bản sắc dân tộc

Việc ứng dụng nhiều ý tưởng mới trong xây dựng tác phẩm múa hiện đại đã chứng tỏ được sự thích ứng của kịp thời của múa Việt Nam với văn hóa thời đại mới. Điều này thể hiện sự năng động của các nghệ sĩ. Nhưng điều quan trọng nhất là làm thế nào để dựa vào tính hiện đại kết cấu nên một tác phẩm, qua đó tôn vinh được bản sắc dân tộc cho tác phẩm đó thì mới đúng với tư duy sáng tác hiện đại.

Theo NSƯT Lâm Bích Nguyên: “Phải biết giữ gìn bản sắc, không nên quá sa đà đi tìm cái mới lạ của ngôn ngữ hiện đại“. Trên thực tế, các biên đạo múa, nhất là các biên đạo trẻ, là những người có nhiều cơ hội trong việc sáng tác theo lối hiện đại, bản thân họ lại có sự chủ động trong tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên chính sự tiếp thu nhanh chóng đó mà chưa có thời gian để “ngấm” và biến thành cái của mình lại làm cho tác phẩm của họ đôi khi ngây thơ về nhận thức và thiếu hụt kiến thức về ngôn ngữ thể hiện và bản sắc văn hóa dân tộc.

Để có hướng đi đúng đắn, theo Thạc sỹ Lê Hải Minh: “Các nhà biên đạo cần tìm hiểu kỹ hơn về múa hiện đại, từ đó sáng tạo để tìm ra cái hay, cái mới, kết hợp hài hòa với ngôn ngữ múa dân gian – dân tộc để phản ánh sâu sắc về đời sống, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của xã hội, của con người hôm nay“.

Tạ Nguyên

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*