Xòe vòng: Nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái ở Tây Bắc

Xòe là điệu múa dân gian phản ánh cuộc sống lao động và sự đấu tranh sinh tồn giữa con người với thiên nhiên; đồng thời thể hiện ước mơ về một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc của hàng triệu đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao Tây Bắc.

Theo truyền thống của dân tộc Thái vào những ngày lễ, tết, ngày vui của dòng họ, gia đình, nhất là nhà đón khách quý… vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng và bên ánh lửa bập bùng tay trong tay tình cảm con người gần gũi, xiết chặt thể hiện nét đẹp truyền thống nhân văn sâu sắc.

Là dân cư nông nghiệp, người Thái thường tìm đến sinh sống cộng đồng thành bản gần nguồn nước ven sông, suối, định cư khá bền vững ở các thung lũng trù phú dưới chân đồi với cuộc sống làm lúa nước và phát nương làm rẫy, làm nghề rừng. Người Thái có nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, nền văn hóa đa dạng: thơ, hoa, văn, y phục, nhạc lý, làn điệu dân ca… và phải kể đến điệu múa xòe. Cuộc sống lao động đã hình thành nên một trong những nét đẹp truyền thống là vòng xòe, tiếng Thái là “Xóe voóng”.

1634-2

Khi múa xòe người ta cầm tay nhau múa du dương nên xòe vòng còn có tên là: xóe khăm khen. Lúc trong bản có ngôi nhà sàn mới hoàn thành, chủ nhà làm lễ mừng nhà mới, bà con hàng xóm trong, ngoài bản kéo nhau đến mừng cho chủ nhân. Tiếng trống, chiêng nổi lên đan xen tiếng reo hò của nam thanh, nữ tú vòng xòe được hình thành. Vòng xòe có sức hút mãnh liệt và không phân biệt già trẻ, gái trai. Khi nhạc cụ truyền thống vang lên mọi người đều có thể tham gia vào vòng xòe, quây quần bên đống lửa, vòng xòe không ngừng mở rộng.

1634-small-41083

Âm tiết của trống, chiêng góp phần tạo nên nhịp điệu xòe. Ảnh: Triệu Mai

Nhạc cụ chính phục vụ múa xòe là công và cống. Cống là loại trống dài khoảng 1m, đường kính khoảng 45 cm làm bằng thân cây gỗ đục rỗng, hai đầu bọc da trâu hoặc da bò. Công là loại trống dài từ 1,5 – 3 m, đường kính từ 5-7 cm, 2 đầu bịt da trâu, bò. Tiếng công trong, gọn, vang xa. Công còn có thể dùng để báo hiệu khi bản làng có sự việc cần thiết triệu tập dân đến hội họp. Ngoài tiếng công còn có tiếng chiêng vang rộn ràng tạo nên âm thanh lôi cuốn người xem hào hứng nhập cuộc vui. Tiếng nhạc công, cống, chiêng hòa vang đệm theo nhịp 2/4 tạo nên không khí tưng bừng ngày hội bản làng, đặc biệt sự nhún nhảy của người chơi nhạc tạo nên sự rạo rực, tăng thêm sức sôi động của vòng xòe.

1634-3

Khèn bè nhạc nền cho những điệu xòe

Truyền thống xòe Thái nổi bật hơn, trầm bổng hơn, có nhạc xòe bằng khèn bè trống mõ với ống nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh làm nhạc nền cho người múa. Xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Xòe Thái không gian nhỏ mà khuôn múa lớn, có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người tham gia, gọi là “đại xòe”. Văn hóa Thái còn gìn giữ được sáu điệu xòe cổ, điệu “khắm khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt, điệu “khấm khăn mời lẩu” tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách, điệu “phá xí” tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người, điệu “đổn hôn” tức tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau, điệu “nhôm khăn” tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… điệu “ỏm lọm tốp mư” vòng tròn cổ tay thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe.

1634-4

Đại xòe ở Tp. Yên Bái

Nằm trong hệ thống múa dân gian Việt Nam, xòe vòng đã đóng góp vai trò quan trọng vào kho tàng múa dân gian cổ truyền. Xòe vòng được dân tộc Thái tự hào vì là đặc trưng văn hóa truyền thống. Xòe là hình thức múa dân gian phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn giữa con người với cuộc sống thiên nhiên và phản ánh sức sống mãnh liệt của dân tộc Thái trong việc đấu tranh chống ngoại xâm. Múa xòe thể hiện giấc mơ của người dân về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no hạnh phúc. Sau những ngày lao động vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi bạn xòe đến quây quần cùng nắm tay lung linh trong đêm hội điệu xòe hoa.

1634-1

Xòe còn là nơi con người gửi gắm tình yêu của đồng bào dân tộc. Khi tham gia vòng xòe trai gái được gần nhau, được lựa chọn bạn xòe, là nơi để thể hiện tình cảm riêng tư. Vòng xòe gắn kết tình cảm con người với nhau. Người múa xòe đứng thành vòng tròn nắm tay nhau, thường thì nam, nữ đan xen. Khi múa, nếu vòng đơn thì vòng xòe quay ngược chiều kim đồng hồ, nếu vòng xòe kép thì các vòng xòe quay ngược chiều nhau trông đẹp mắt. Một trong những yếu tố thu hút người tham gia vòng xòe là sự dân giã, mộc mạc, dễ múa, dễ hiểu và sức quyến rũ của nhạc lý.

Sự tao nhã của múa xòe là cách mời bạn xòe của các thiếu nữ dân tộc Thái và phong tục mời rượu khi tham gia xòe. Những hàng cúc bướm lóng lánh, nụ cười duyên dáng, bàn tay mềm mại nâng chén rượu nồng làm đắm say lữ khách phương xa, tạo nên ấn tượng khó phai đối với ai từng một lần tham gia xòe vòng. Ngày nay đêm hội xòe hoa thể hiện sự đoàn kết trong niềm vui cuộc sống thanh bình, thể hiện sự mến khách của các dân tộc Tây Bắc.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*