Pina: Bộ phim 3D cho Pina Bausch của Wim Wenders

630-pina

Pina là tựa đề bộ phim tài liệu nói về góc nhìn nghệ thuật của Pina Bausch, nhà biên đạo múa người Đức lừng danh thế giới, khai phóng thể loại Tanztheater. Do đạo diễn Wim Wenders thực hiện với công nghệ làm phim ba chiều, tác phẩm này suýt nữa bị bỏ rơi sau khi nhà biên đạo múa đột ngột qua đời vào năm 2009.

Tác phẩm Pina là một dự án hợp tác giữa đạo diễn Wim Wenders với nhà biên đạo múa Pina Bausch từ lúc bà còn sống. Ngoài đời, hai người là bạn của nhau và họ quyết định cách đây hơn ba năm thực hiện một cuộn phim nói về các vở múa của Pina Bausch. Ở trong giai đoạn tiền kỳ, Pina Bausch và Wim Wenders đã quyết định chọn lựa 4 vở múa ưng ý, để phản ánh nghệ thuật của Pina Bausch trong lãnh vực múa ballet đương đại, tiêu biểu nhất là các vở nguyên tác Café Muller, VollmontKontakthof và bản phóng tác của tác phẩm Le Sacre du printemps (Lễ đăng quang mùa xuân) dựa theo nền nhạc của Stravinski.

Pina là tựa đề bộ phim tài liệu nói về góc nhìn nghệ thuật của Pina Bausch, nhà biên đạo múa người Đức lừng danh thế giới, khai phóng thể loại Tanztheater. Do đạo diễn Wim Wenders thực hiện với công nghệ làm phim ba chiều, tác phẩm này suýt nữa bị bỏ rơi sau khi nhà biên đạo múa đột ngột qua đời vào năm 2009.

Rũ bỏ lớp bụi thời gian

630-pina-bausch-1434732c-300x187

Chân dung Pina Bausch

Được mệnh danh là người đi truy tìm một ngôn ngữ mới cho nghệ thuật múa, các tác phẩm của Pina Bausch không những thể hiện những ý tưởng độc đáo, táo bạo mà còn thay đổi các quy tắc truyền thống của ngành ballet. Pina Bausch tìm cách rũ bỏ lớp bụi thời gian dày đóng trên các động tác múa, phá vỡ các khuôn thước thẩm mỹ của ballet, để đưa người xem vào thế giới của trực giác và cảm quan.

Với Pina Bausch, điệu múa không chỉ đơn thuần là những động tác đẹp mắt, mà còn có thể là một cử chỉ bộc phát từ phản xạ, kích thích để diễn đạt cảm xúc thầm kín trong nội tâm, có nhiều kịch tính mà không cần sử dụng đến lời thoại ở trong kịch. Theo lời đạo diễn Wim Wenders, qua bộ phim Pina, ông đã muốn thể hiện một cách gần sát nhất tư tưởng sáng tạo của nhà biên đạo múa. Ống kính ở đây không được đặt ở phía trước, mà lại được đặt ở bên trong vở múa. Bằng cách này, khán giả không ở trong tư thế truyền thống tức là xem tất cả những gì đang diễn ra ở trước mắt, mà lại ở trong tư thế nhập cuộc, nhìn một điệu múa dưới nhiều góc độ khác nhau.

Xem phim Pina, dù khán giả chưa hề tiếp cận với các tác phẩm của Pina Bausch, nhưng họ vẫn có thể hiểu được phần nào cách xây dựng tác phẩm của nhà biên đạo múa. Bà ít có bao giờ chỉ dẫn các diễn viên, mà lại đặt ra nhiều câu hỏi để rồi khuyến khích họ tự tìm câu trả lời thông qua ngôn ngữ của điệu bộ. Tư tưởng sáng tạo của Pina Bausch có thể được tóm gọn trong một câu : bà không quan tâm đến chuyện con người di chuyển như thế nào, mà điều gì đã làm cho họ di chuyển.

Trailer bộ phim Pina

Ở trong giai đoạn tiền kỳ, đạo diễn Wim Wenders đã cùng với Pina Bausch chọn ra 4 tác phẩm điển hình cho lối sáng tác kết hợp múa và kịch nghệ. Đây là một dự án hợp tác mà hai nghệ sĩ đã đeo đuổi từ nhiều năm qua. Sau khi bà đột ngột từ trần vào ngày 30/6/2009, dự án này bị gián đoạn trong nhiều tháng liền và suýt nữa không được hoàn thành. Trả lời phỏng vấn của ban tiếng Pháp RFI, đạo diễn Wim Wenders cho biết động lực nào đã thôi thúc ông tiếp tục công việc quay phim để hoàn tất kế hoạch.

Wim Wenders: Bộ phim này thật ra là một dự án mà Pina Bausch và tôi đã ấp ủ từ 20 năm nay. Rốt cuộc thì cuộc đời đã không cho phép chúng tôi cùng hoàn tất dự án này với nhau. Pina qua đời hai ngày trước khi chúng tôi bấm máy quay thử với công nghệ ba chiều. Mặc dù vào lúc đó, giai đoạn tiền kỳ đã được chuẩn bị xong. Cái chết đột ngột của Pina khiến cho toàn bộ dự án bị gián đoạn. Bởi vì chủ đề cuộn phim không phải là đơn thuần thu hình các vở múa của bà mà lại là thể hiện và diễn đạt góc nhìn của nhà biên đạo múa. Nhãn quan ấy đã bất ngờ chợt tắt. Tôi còn nhớ là vào lúc đó cả đoàn múa gồm tất cả là 36 diễn viên ballet hoàn toàn bị sốc. Pina Bausch đang làm việc thì thình lình lại ngã bệnh. Giới bác sĩ phát hiện ra là bà bị ung thư, và chỉ 5 ngày sau bà vĩnh viễn ra đi.

630-3110-1024x768

Đạo diễn Wim Wenders & quay phim Hèlène Louvart trên phim trường của bộ phim Pina

Đoàn múa chẳng những mất đi cánh chim đầu đàn, mà còn mất luôn lẽ sống, mất luôn lý do để tồn tại. Họ thuyết phục tôi nên tiếp tục dự án làm phim thay vì bỏ dở. Sau hơn 4 tháng bị gián đoạn, tôi bắt tay trở lại vào công việc quay phim. Đối với tôi, tác phẩm Pina không chỉ là một bộ phim tưởng nhớ người đã khuất, mà còn để làm sống lại tư tưởng sáng tạo của nhà biên đạo múa. Sinh thời, các vở múa của Pina Bausch đã làm cho tôi rung động đến tột cùng. Cảm xúc ấy như một con vi trùng ăn sâu vào xương tủy. Qua bộ phim này, tôi hy vọng rằng con vi trùng cảm xúc sẽ lây lan qua khán giả.

Truy tìm ngôn ngữ mới cho nghệ thuật múa

Khán giả đi xem phim Pina nhận thấy ngay là có một sự gắn bó rất lớn giữa đạo diễn Wim Wenders và nhà biên đạo múa Pina Bausch. Người ta có thể giải thích điều đó một phần vì ngoài đời, hai người là bạn của nhau. Nhưng đồng thời cả hai tác giả này có một sự đồng điệu trên phương diện cảm xúc nghệ thuật. Đạo diễn Wim Wenders cho biết từ đâu lại có một sự gắn bó, gần gũi đến như vậy.

630-w477-wim-wenders-with-pina-bau-001-jpg-300x179

Đạo diễn Wim Wenders & Pina Bausch

Wim Wenders: Nhà biên đạo múa Pina Bausch và tôi có một cách tiếp cận với hình ảnh và nhất là với âm nhạc gần giống nhau. Cho dù chúng tôi không có cùng bộ môn nghệ thuật, nhưng phương cách tạo hình của bà thông qua các vở múa tương tự như lối tạo dựng ngôn ngữ điện ảnh. Khác biệt hay chăng là cách sử dụng lời thoại. Một nhà làm phim buộc phải dùng đối thoại giữa các nhân vật để phục vụ diễn tiến của câu chuyện. Còn trong nhãn quan của nhà biên đạo múa, thì cử chỉ động tác hay điệu bộ tự nó đã đứng vững, không cần đến lời thoại mà vẫn diễn đạt được cảm xúc hay nội tâm của nhân vật. Từ Pina Bausch, tôi học được cách sử dụng âm nhạc. Tiếng động và âm thanh trợ lực cho hình ảnh giúp thể hiện một ý tưởng, một cảm xúc nào đó mà không cần đến lời thoại.

Bên cạnh sự đồng điệu nghệ thuật, còn có một yếu tố khác giải thích cho sự gắn bó giữa tôi với nhà biên đạo múa : chúng tôi là người đồng hương, sinh ra trong cùng bối cảnh của nước Đức sau thời chiến. Mỗi người đeo đuổi một bộ môn nghệ thuật khác nhau vào cùng một thời điểm. Năm 1973, Pina về làm việc với đoàn múa Wuppertal, trước khi sáng chế ra thể loại Tanztheater kết hợp điệu múa với kịch nghệ. Cùng năm ấy, tôi có mặt tại Wuppertal để quay bộ phim Alice trong thành phố. Lúc đó, chúng tôi không hề quen biết nhau, và mãi đến sau này khi trao đổi với nhau chúng tôi mới biết được điều này. Tuy không hề vấn ý nhau nhưng có thể nói là chúng tôi đeo đuổi cùng một tiêu chí nghệ thuật : để tạo ra một ngôn ngữ mới, thì người nghệ sĩ phải xé rào vượt qua những quy tắc truyền thống. Tôi đã thử ứng dụng điều này khi thực hiện những bộ phim. Còn Pina Bausch thì càng đi xa hơn nữa khi san bằng các khuôn thước của nghệ thuật múa ballet để tạo dựng cho mình một ngôn ngữ hoàn toàn mới.

Nhà tiên tri của ngệ thật múa đương đại

630-wim-wenders-pina

Khoảnh khắc ấn tượng trong Pina

Nhiều nhà phê bình mệnh danh Pina Bausch là nhà tiên tri của nghệ thuật múa hiện đại. Một tầm nhìn xa và sâu rộng hơn so với các tác giả cùng thời. Các vở múa của Pina Bausch không chỉ thể hiện một lối quan sát tinh tế và tỉ mỉ về quan hệ giữa con người với nhau mà còn diễn đạt thế giới của nội tâm. Về điểm này, đạo diễn Wim Wenders cho biết nhận xét của ông.

Wim Wenders: Pina Bausch có một cái nhìn sắc sảo, chính xác và sâu xa hơn tất cả những người mà tôi đã gặp trong đời. Có lẽ cũng vì ngay từ đầu, nhà biên đạo múa đã gạt qua một bên khả năng dùng ngôn từ và lời thoại. Pina Bausch lúc nào cũng có một thái độ nghi ngờ đối với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ. Trong cách nhìn của bà, cảm xúc tâm hồn mất đi tính chân thực của nó một khi trải qua lăng kính của ngôn từ, và ngôn từ càng hoa mỹ trau chuốt chừng nào thì cảm xúc càng không thành thật chừng nấy. Tất cả những diễn viên múa từng làm việc với bà đều nói rằng bà có cái tài nhìn thấu tâm can của họ : phải chăng do linh cảm hay do trực giác đơn thuần mà Pina Bausch có thể nhìn thấy những ray rứt trăn trở của những người làm việc chung với mình. Dù gì đi nữa, bà luôn luôn khuyến khích các diễn viên múa hãy tận dụng những cảm xúc chôn sâu trong nội tâm ấy để rồi diễn tả qua động tác và cử chỉ.

Trong lãnh vực điện ảnh, cũng có một số nhà đạo diễn đi theo trường phái này. Trước ống kính, họ bảo các diễn viên đừng đóng kịch, mà cứ diễn đạt qua ánh mắt hay điệu bộ một cảm xúc nào đó trong một tình huống nhất định. Chẳng hạn như nhân vật muốn thể hiện nỗi buồn của mình trước cái chết, thì thay vì diễn đạt qua lời nói họ nên gắn liền cái cảm xúc đó với một kỷ niệm có thật ở trong đời. Khi hồi tưởng lại cái giây phút từng trải đó, thì cảm xúc trên khuôn mặt của họ là một sự rung động thực thụ chứ không phải là đóng phim giả vờ.

Khi làm việc với các diễn viên, Pina Bausch tuy gọi là biên đạo múa nhưng ít khi nào chỉ đạo bằng lời nói, bảo các diễn viên phải làm thế này hay thế nọ. Bà chỉ khuyến khích các diễn viên tìm lại trong ký ức của họ một kỷ niệm, và từ cái cảm xúc của hồi tưởng mà thể hiện một động tác nhưng tuyệt đối không trải qua lăng kính của ngôn từ. Trong nghệ thuật múa của Pina Bausch, có một sự đối chiếu giữa lý trí và tình cảm. Tất cả những gì được thể hiện qua lời nói đều ít nhiều phải trải qua sự sắp đặt, và đâu đó phải vận dụng lôgíc của trí óc. Còn ngôn ngữ múa của bà thì nảy sinh từ cảm xúc nguyên thủy.

630-0468-2-1024x768

Đạo diễn Wim Wenders trên phim trường của bộ phim Pina

Gạt bỏ khả năng sử dụng ngôn từ

Làm thế nào để diễn đạt các tác phẩm của Pina Bausch với công nghệ làm phim ba chiều. Làm thế nào để quay các vở múa dưới dạng tái tạo, xen kẽ các màn biểu diễn trên sân khấu với các màn múa ngoài đường phố mà không làm sai ý tác giả. Đó là thách thức lớn nhất đối với đạo diễn Wim Wenders cũng như đoàn làm phim, khi chuyển thể các vở múa của Pina Bausch lên màn ảnh lớn.

Wim Wenders : Công nghệ làm phim ba chiều buộc tôi phải định nghĩa lại khái niệm của không gian. Khán giả không còn ở trong tư thế thụ động, ngồi xem những gì đang xảy ra trước mắt họ. Công nghệ ba chiều có khả năng lôi cuốn người xem vào trong cuộc, khán giả có cảm tưởng là họ ngụp lặn trong một không gian có chiều sâu và bề dày. Hiện giờ, đa số các bộ phim thương mại sử dụng công nghệ quay phim ba chiều như một hiệu ứng hình ảnh, nó có tác dụng ngoạn mục y hệt như kỹ xảo điện toán khiến cho khán giả phải trầm trồ thán phục. Trong trường hợp của bộ phim Pina, chúng tôi đặt trọng tâm vào các tác phẩm của nhà biên đạo múa.

630-4334884776-aae7cc70b4

Đạo diễn Wim Wenders chiêm ngưỡng những khoảnh khắc 3d kỳ diệu của Pina

Công nghệ làm phim ba chiều ở đây chỉ là một phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho nội dung nghệ thuật của các vở múa. Chúng tôi phải quay một cách thật tự nhiên, làm thế nào để cho khán giả chỉ vài phút sau là có thể nhập đề trực tiếp, tức là họ xem các động tác múa chứ không còn để ý tới cách quay phim ba chiều. Ở đây ta có thể so sánh lối quay phim với cách viết văn. Nếu như một người đọc sách ngay từ những trang đầu bị lôi cuốn ngay vào nội dung cốt truyện thì coi như là nhà văn đã thành công.

Nếu như độc giả vừa cầm quyển sách vừa chú ý tới cách hành văn của tác giả, thì đâu đó nội dung cốt truyện bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Một cách tương tự, nếu như ngay từ những phút đầu khán giả hòa mình ngay vào các vở múa của Pina Bausch thì coi như là tôi đã đạt được mục đích tối hậu. Bởi vì suy cho cùng, tôi muốn chia sẻ với khán giả những gì đã làm cho tôi thổn thức rung động, tôi thực hiện bộ phim này cho tất cả những khán giả nào chưa từng được dịp xem một vở múa của Pina Bausch trên sàn diễn.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*