Múa “Hậu hiện đại”

579-efsd-image4-300x102

Một quan niệm hiện đại cho rằng những phong trào ưa thể dục thể thao, thực hành yoga, cho đến sự lan tràn của nhạc nhảy điệu tiết mạnh là biểu hiện của một nỗi mong muốn trở về với thân xác và cộng đồng giữa một thế giới đã quá trừu tượng và máy móc. Hơn nữa, động tác và nhịp điệu có thể đem lại cơ hội độc đáo để con người tiếp xúc với sự thông thái nguyên thủy góp phần dung hòa thiên nhiên với văn hóa.

Rất ít người hiểu thuật ngữ “múa hậu hiện đại”, xuất hiện trong các giới chuyên môn ở Mỹ vào cuối thập kỷ 1970, thực sự nghĩa là như thế nào. Định nghĩa tốt nhất được nhà biên đạo múa Alvin Ailey đưa ra: “Múa hậu hiện đại ư? Nó có nghĩa là múa của thời kỳ sau Merce Cunningham“. Điều đó dường như chỉ nói lên một ranh giới về thời gian, nhưng thực ra từ ngữ này mô tả vị trí của không chỉ một mà là nhiều thế hệ các nhà biên đạo múa so với thiên tài múa người Mỹ này của nửa sau thế kỷ 20. Họ hoặc là tiếp nhận ngọn đuốc do Merce Cunningham trao lại hoặc là chống lại trường phái và mỹ học của ông.

579-6a00d8341c985253ef00e5507ee2508834-800wi-264x300

Mối quan hệ ấy là điều dễ thấy trong bối cảnh nước Mỹ, còn ở châu Âu chắc khó nhận ra. Quả rằng Merce Cunningham đã có một ảnh hưởng rất lớn tại Pháp từ thập kỷ 1960 và là nguồn cảm hứng thẩm mỹ cho nhiều nhà biên đạo múa trẻ tuổi. Nhưng tại Pháp cũng như tại hầu hết các nước khác ở châu Âu, ít nhất trong 15 năm qua, ảnh hưởng của nhà biên đạo múa Đức Pina Bausch còn mạnh hơn ảnh hưởng của Cunningham.

Cố nhiên, bản thân Pina Bausch không phải không chịu ảnh hưởng của nước ngoài. Bà đã được đào tạo tại Essen và tại Nhạc viện Julliard ở New York. Tuy nhiên ta không thể qui gọn lại khuynh hướng hậu hiện đại chỉ còn là loại “kịch múa” do bà tạo ra trong thập kỷ 1970, cho dù nó đã trở thành một phong cách kiểu mẫu trên toàn thế giới. Thực tế là múa đương đại không có sự thống nhất về phong cách lẫn thẩm mỹ: đó là một toà nhà rất phức tạp có nhiều phòng, mỗi phòng bày biện một cách khác nhau. Không thể qui nó lại ở trường phái hậu hiện đại Mỹ bao gồm chủ nghĩa tân cổ điển của Karole Armitage cũng như chủ nghĩa tối thiểu của Trisha Brown ở buổi đầu hay sân khấu múa châu Âu chịu ảnh hưởng của Pina Bausch mà những biến thể tại Đức và Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha rất khác nhau.

Ngoài hai trường phái lớn này, còn có nhiều khuynh hướng khác nữa trong múa đương đại, trong đó có Butô của Nhật Bản và những nhà biên đạo múa như Saburo Teshigawara, đã tìm cách đi xa hơn cả Butô; những cuộc thâm nhập ban đầu, có lẽ hãy còn rụt rè nhưng biết bao phong phú và đáng say mê, của các nền văn hoá không phải là múa phương Tây và múa đương đại: sự hoà nhập hư ảo của truyền thống Trung Hoa và kỹ thuật phương Tây mà Lin Hwai-min thể nghiệm tại Đài Loan; việc thế tục hoá múa cổ điển ấn Độ mà Chandralekha thực hiện tại Madras; sự pha trộn cách mạng giữa trường phái Bharata Natyam của ấn Độ với nhạc phương Tây do Shobana Jeyasingh tạo ra tại London; những vay mượn của truyền thống Phi do Irene Tassembedo và đoàn múa Burkina Faso Ebene của bà thực hiện; và việc mở cửa những hình thức múa cổ truyền của thổ dân Australia với những chủ đề đương đại do Sân khấu múa thổ dân và trên đảo hay đoàn múa Bangara ở Sydney tiến hành.

Một loạt những phương cách mà múa phương Tây đã hoà nhập vào với các hình thức múa không phải của châu Âu có thể làm cho người ta cảm tưởng là phong cách phương Tây đang ảnh hưởng ngày một nhiều đến các nền văn hoá ngoài phương Tây thông qua một hình thức thực dân văn hoá hiện đại. Cảm tưởng ấy là hoàn toàn sai lạc. Cần phải nhận ra rằng các ảnh hưởng diễn ra theo hai chiều và những phong cách múa ngoài châu Âu cũng áp đặt cả tại phương Tây. Tầm quan trọng ngày một lớn của múa cổ truyền châu Phi và châu á tại phương Tây không phải chỉ do những người nhập cư từ các lục địa này; và một người Mỹ hay người Âu, sống tại New York, Los Angeles, Paris hay London, không cần phải đi đâu xa cũng có thể khám phá được những cảnh diễn đích thực của múa châu Phi hay châu á.

Ngày càng có nhiều diễn viên múa phương Tây bắt đầu nghiên cứu các điệu múa không phải của châu Âu cũng như (hay thay vì) kỹ thuật của phương Tây, và công việc nghiên cứu của họ tất nhiên có một tác động đối với nghệ thuật của họ. Ngày nay, nhiều đoàn múa phương Tây đã hấp thu ảnh hưởng của Butô Nhật Bản, và không cần phải sinh ra ở Madras hay Jaipur cũng có thể làm chủ được những điều tinh tế của Bharata Natyam hay Kathak. Những ảnh hưởng như vậy chỉ làm cho múa thêm phong phú mà thôi. Xã hội đa văn hoá loại này đang phát triển tại các thủ đô và thành phố lớn của nhiều nước phương Tây, cũng sẽ phát triển diện mạo múa riêng của mình và không còn là thuần tuý phương Tây nữa, điều này sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng không thể coi nhẹ ảnh hưởng của balê cổ điển.

Có một điều rõ ràng là, trong múa cũng như trong hội hoạ khuynh hướng đưa ngày càng ít nội dung vào cái khung hình thức đã qua rồi. Khuynh hướng ngày nay là trở lại với chủ trương có nhiều động tác, mọi loại động tác trong mọi loại bối cảnh. Diễn viên múa sẽ phải múa chứ không phải đứng yên hay ngồi yên một chỗ nếu họ muốn ta coi việc biểu diễn của họ là múa

Hàn Hoa biên tập (Theo Người đưa tin UNESCO)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*