Khánh Chinh đoạt giải đồng trong cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Hàn Quốc 2011

Cuối tháng 6, Khánh Chinh đoạt giải đồng trong cuộc thi múa đương đại quốc tế tại Hàn Quốc (Korea International Modern Dance Competition 2011). Trước và cả sau giải thưởng đó, Khánh Chinh vẫn là cái tên mới cóng.

Đến khi được tin, Khánh Chinh tham gia lần công diễn thứ 4 của vở vũ kịch “Chuyện kể những chiếc giày” vào ngày 2-3/8/2011, người viết mới tìm đến cô. Và cuộc trao đổi ngắn dưới đây diễn ra trong một quán café ngay trung tâm Sài Gòn vào một buổi sáng sớm.

Lần đầu tiên bạn tham gia một cuộc thi và ngay lập tức bạn đã có giải. Bạn có bất ngờ với thành tích này không?

Chinh không chỉ bất ngờ với kết quả mà còn bất ngờ khi được thầy cô trao cho cơ hội lớn. Chinh không nằm trong danh sách ban đầu, chỉ có một tháng để chuẩn bị cho cuộc thi. Đứng cạnh các thí sinh khác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc,… Chinh thấy rất run. Vì họ giỏi lắm, từ kỹ thuật, độ dẻo đến cảm thụ âm nhạc mình thua xa. Bởi vậy, chẳng ai dám nghĩ đến giải thưởng, chỉ cố gắng “căng tai căng mắt” ra học. Qua vòng 1, vào đến vòng 2 rồi bước vào chung kết cứ như là vượt rào, càng vượt càng hăng nhưng khi nghe công bố giải thưởng, Chinh quá bất ngờ.

Chỉ có một tháng để chuẩn bị, bạn đã xoay sở thế nào?

Lần đầu đi thi, đứa nào cũng sợ nhưng thầy cô khuyến khích, đi để thấy thế giới rộng lớn thế nào, là cơ hội tốt để học hỏi. Vượt qua chướng ngại tâm lý, Chinh và hai bạn (Quỳnh Ly, Genta – cũng vào chung kết) gặp phải khó khăn về kĩ năng biên đạo. Ba đứa phải tự lên ý tưởng và biên đạo tiết mục dự thi cho mình nhưng việc dựng bài còn quá mới mẻ với cả ba, chưa ai có kinh nghiệm nên cảm thấy rất khó khăn. Nhưng tụi Chinh không cô độc bởi bên cạnh luôn có các anh chị, thầy cô giúp đỡ. Thời gian đầu, chị Bi (biên đạo Ngô Thanh Phương) đã hướng dẫn Chinh và hai bạn phương pháp làm việc. Bài học lớn nhất là múa phải xuất phát từ bên trong, từ cảm xúc hình thành nên động tác, và rồi ba đứa cũng có được ý tưởng và động tác cho tiết mục đầu tiên. Sau đó, thầy Ngọc Anh (biên đạo Nguyễn Ngọc Anh – Diễn viên múa đương đại xuất sắc nhất nước Anh 2008) về nước, chuốt lại tiết mục đó và dựng thêm một tiết mục cho mỗi đứa nữa. Được làm việc với thầy dù chỉ trong vòng 3 – 4 ngày nhưng Chinh và các bạn đã có được sự chuẩn bị tương đối tốt để sang Hàn Quốc dự thi.

2522-2-25-1311829120-61-khanh-chinh-1-5de07

2522-khanh-chinh-trong-vo-vu-kich-chuyen-ke-nhung-chiec-giay-2522-2-25-1311829120-81-khanh-chinh-2-b2a06-209x300

Khánh Chinh trong vở vũ kịch Chuyện kể những chiếc giày

Chà, kể ra vậy các bạn đã được hỗ trợ cũng như tự nỗ lực rất nhiều. Giải đồng ở một cuộc thi mang tầm quốc tế có ý nghĩa như thế nào với bạn?

Giải thưởng này tuy không lớn nhưng sẽ trở thành động lực để Chinh cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, giải thưởng lớn nhất Chinh nhận là cơ hội khám phá bản thân, được học hỏi từ những người bạn, các thí sinh khác và hiểu được những điều thầy cô đã nói từ lâu nhưng mình chẳng chịu nghe (cười). Và Chinh biết chắc chắn mình không thể bỏ múa, muốn được học hỏi nhiều hơn nữa từ cô thầy, các anh chị đi trước, muốn được lớn lên sau những cơ hội làm việc.

Bạn có tham gia trình diễn vở “Chuyện kể những chiếc giày” lần thứ 3 (2010). Bạn thấy cuộc đời của diễn viên múa trong chương trình có đúng với thực tế không?

Chinh thấy đúng, từ chuyện tập cơ bản cho đến chuyện tìm chỗ đứng, cả sự vất vả để kiếm sống. Một diễn viên múa học 7 năm ra trường, tốt nghiệp xong, bạn chẳng là gì. Muốn có tiền, có kinh nghiệm thì phải quen với việc đi show, diễn đám cưới. Nhưng trên hết, Chuyện kể những chiếc giày nói đúng về tình yêu nghề của diễn viên múa, cụ thể như cô Tố Như, thầy Tấn Lộc, thầy Ngọc Anh, chị Bi, anh Trung, anh Khải… Cô thầy anh chị luôn hết mình với nghề, với học trò, đàn em, chẳng nề hà vất vả, cũng không dấu nghề. Khi tụi Chinh đi thi, không chỉ cô thầy ở nhà mà mọi người ở Đức, Hồng Kông, Thụy Sĩ cũng quan tâm, lo lắng, hồi hộp như chính mình đi thi vậy. Được sống trong tình cảm thân tình đó, được thổi lửa đam mê, học trò như Chinh hạnh phúc lắm!

Được biết, hiện bạn đang là sinh viên Trường ĐH kinh tế TP.HCM. Có chút gì đó hơi lạ ở đây?– Chắc sẽ còn nhiều chuyện lạ nữa đó chị! Gia đình Chinh không có ai làm nghệ thuật, ba dạy võ nhưng con gái thì múa từ năm 10 tuổi. Hồi nhỏ, cứ mở tivi ra là Chinh coi múa, bắt chước theo rồi phê bình người ta, sau đó thì đòi ba mẹ cho đi học. Ba mẹ nghĩ, cũng tốt, vừa khỏe người vừa phát triển nhưng chỉ học ở mấy lớp phong trào, vui là chính. Ai ngờ đi ngang trường múa, thấy trường đang tuyển sinh, thế là vào thi. Trong khi các bạn học trước, biết múa, còn Chinh chưa biết múa là gì ngoài mấy chiêu học lóm trên tivi. Vậy mà đậu, rồi học 7 năm, Chinh tốt nghiệp hệ trung cấp năm 2008. Còn chuyện học ĐH kinh tế, Chinh vẫn chưa chọn chuyên ngành nhưng đang suy nghĩ về marketing, bởi biết đâu, với kiến thức học ở trường, sau này Chinh có thể giúp được nhóm (Arabesque – gia đình thứ hai của Chinh)!

Cảm ơn bạn đã chia sẻ. Chúc bạn và nhóm Arabesque diễn thành công.

An Nhi

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*