Nhắm mắt lại và đừng cố hiểu

Âm nhạc đương đại, múa đương đại… và những khái niệm “đương đại” đã từng khiến nhiều khán thính giả Việt Nam cảm thấy xa lạ và khó tiệp cận. Bài viết dưới đây có thể không nói đến Múa, nhưng Âm nhạc là một phần trong Múa, và bởi vậy Muavietnam.com đăng bài viết để khán giả có thể tiếp cận gần hơn với những loại hình nghệ thuật đương đại nói chung, và âm nhạc hay múa đương đại nói riêng.

Đây là bài viết của một khán giả trẻ sau khi thưởng thức chương trình “Nước Đức tại Việt Nam năm 2010″, của Trần Thị Kim Ngọc, một trong những nhà soạn nhạc đương đại nổi tiếng nhất của Việt Nam, được thực hiện tại Hà Nội bởi các nghệ sĩ và dàn nhạc musikFabrik Cologne, một trong những dàn nhạc mới hàng đầu thế giới.

177-kimngoc

Chân dung nhạc sỹ Trần Thị Kim Ngọc

***

Nhắm mắt lại và đừng cố hiểu

Khán giả trong phòng biểu diễn của Nhà hát Lớn ngơ ngác nhìn nhau. Một vài người lôi tờ rơi giới thiệu ra đọc lại. Một vài người nhìn ngó quanh quất. Một vài người ghé tai bạn rủ rỉ. Vài người khác cúi xuống lạch cạch ấn phím điện thoại.

Các nhạc công không trình diễn Treatise theo cách thông thường. Họ không tập trung ở vị trí trung tâm của sân khấu, mà đứng rải rác lẫn vào khán giả, cứ hai người một phía của ban công tầng 2 (giống như những anh chàng si tình thưở xưa chơi đàn trên ban công dưới ánh trăng).. Những nhạc cụ của họ cũng không phải loại thường thấy. Cô gái ngồi trên tôi thì thầm với bạn trai: “Anh ơi cái kèn của ông kia lạ nhỉ”. Những thanh âm đầu tiên cất lên. Chỉ có âm nhạc của họ là thứ rất bình thường.

Khi người ta tiếp xúc với những sản phẩm văn hóa cao cấp, phần lớn số đông khán giả hay mặc cảm rằng mình không hiểu. Trái ngược với những sản phẩm văn hóa đại chúng, những bản nhạc giao hưởng, múa đương đại, hay tóm gọn lại là những thứ được biểu diễn trong nhà hát Lớn, là loại hình giải trí được mặc định chỉ dành cho một số ít người. Người ta ăn mặc chải chuốt khi bước vào khán phòng của nhà hát danh giá nhất thủ đô, và họ chờ đợi những trải nghiệm không đại trà.

Câu hỏi thường xuyên bật ra khi một người bình thường đứng trước một bức tranh hiện đại, hậu hiện đại, siêu thực hay gì gì đó, là cái tranh này vẽ gì đây. Chúng ta thường cố hiểu, cố hình dung đồ vật hay cảnh tượng họa sĩ miêu tả, để rồi lắc đầu thất vọng khi không xuyên qua được những lớp màu xiên xẹo và đường nét méo mó. Đôi khi ta sẽ tự bảo mình kém hiểu biết, nhưng thường xuyên hơn, ta sẽ hùa theo số đông và nói đó là một tên họa sĩ dở hơi, vì tác phẩm của ông ta số đông không hiểu. Mà số đông bao giờ cũng đúng ở một khía cạnh nào đó – một lập luận cũng có phần bùi tai.

Nhưng nếu người ta nghĩ được rằng, không phải lời nào ta nói ra cũng để miêu tả một vật hay sự việc, thậm chí không phải lời nào cũng để bộc lộ cảm xúc. Không phải câu chuyện nào cũng cần có mở và kết, có người xấu kẻ tốt, hay có mục đích gì mới kể. Rất nhiều khi, người ta kể chỉ để kể và nói chỉ để nói. Tại sao không áp dụng vào tranh nhỉ? Chẳng lẽ họa sĩ không có quyền vẽ chỉ để bày tỏ một cảm xúc và khơi gợi một chút gợn lòng trong người xem, chứ không phải để áp đặt lên người xem bất kì điều gì hết?

177-musikfabrik2

Nhóm nhạc nổi tiếng musikFabrik từ Cologne – Đức

Đêm nhạc đương đại của ban nhạc Đức và nhạc sĩ Kim Ngọc cũng phần nào đó giống một bức tranh siêu thực. Bản nhạc “thế giới của Mỵ Châu” thực sự ấn tượng trong cách sắp xếp sân khấu, ánh đèn và biểu hiện xúc cảm trên nét mặt của công chúa Mỵ Châu. Một cô gái mặc áo lông ngỗng trắng toát ngồi giữa một nửa vỏ trai (mà bạn tôi lúc đầu đã ngơ ngác: ơ quả dừa hả mày?), xung quanh nàng là dàn nhạc với đủ loai nhạc cụ cả tây lẫn ta, ánh đèn lúc dìu dịu màu xanh của biển, lúc trắng toát làm bật mái tóc đen óng, lúc đỏ quạch như màu máu nhuộm ròng biển sâu. Gương mặt nàng chuyển biến đủ các tâm trạng từ trầm mặc khi tiếng sóng biển vi vu bắt đầu thì thầm kể câu chuyện từ ngàn xưa, rồi dần thảng thốt, ngơ ngác như không hiểu tại sao mình bị kết tội, rồi ai oán, rã rời với tiếng nức nở của những loài côn trùng, sinh vật, tiếng khóc của đất trời, cuối cùng lại bình thản, lại chịu đựng, lại chấp nhận khi công chúa lặng lẽ bứt từng chiếc lông ngỗng thả bay theo gió nhẹ nhàng.

Nhưng tôi vẫn nói rằng âm nhạc của họ bình thường, bởi vì họ đã lấy chất liệu là những âm thanh của cuộc sống. Tiếng sóng biển, tiếng khóc của những con vật nhỏ bé, tiếng gào rú của đất và nước đều là tôi tưởng tượng ra. Trên sân khấu chỉ có một cô gái ngồi xếp chân, hơi đu đưa khe khẽ, những sợi lông ngỗng trắng muốt phất phơ, và nàng tuyệt đối im lặng. Cũng như thế, trong màn trình diễn thứ hai, tôi nghe thấy tiếng côn trùng trong rừng rậm, tiếng sói tru, tiếng xích xe nghiến trên đường, tiếng người đi lại rầm rập, tiếng cựa mình của rừng núi. Tôi đã nghe thấy tất cả những điều đó khi tôi chán ngước lên nhìn những cây kèn kì lạ trên ban công tầng 2. Tôi đã nhắm mắt lại. Và thế giới âm thanh mở toang tràn ngập ánh sáng. Tôi tự nhủ thầm: “có phải lúc nào âm nhạc cũng phải là những giai điệu ghi được trên khuông nhạc sáu dòng kẻ đâu”.

Nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại.

Tôi nghe những thứ âm thanh hỗn tạp không thèm cố gắng chút nào để dung hòa với nhau và thấy người nóng dần lên, bởi vì bỗng dưng tôi thấy sự sống ngồn ngộn quá. Mọi thứ cứ dồn dập dồn dập ập vào thính giác – giác gian duy nhất còn mở, và mở to. Giống như từ trước tới giờ tôi đã không biết lắng nghe, hoặc không chịu lắng nghe, rồi bỏ qua một thế giới quá tải sự sống vừa gấp gáp vừa sôi sục như thế này. Chẳng ăn nhập lắm, nhưng chính trong khoảnh khắc đấy, tôi thấy hình ảnh của người nhạc sĩ trong câu hát “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. Tôi tự thấy mình bị choáng ngợp giữa những con đường rất đông, dòng người, dòng thời gian, dòng đời trôi qua chớp nhoáng, không thể nào nắm bắt nổi. Rồi đứt phựt. Tôi bừng tỉnh còn khán phòng thì lặng đi.

Còn kết thúc “thế giới của Mỵ Châu”, mắt tôi nhòe nước. Không biết vì ánh đèn màu quá chói thay đổi liên tục hay vì tôi đã bắt đầu học được cách nghe hiểu ngôn ngữ của âm nhạc?

Hay là vì tôi thương Mỵ Châu, như từ trước đến nay tôi vẫn thương nàng?

Bài viết: Nguyễn Hồng Vân

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Comments

  1. I found just what I was needed, and it was etneritaning!

Speak Your Mind

*