NSND Phạm Anh Phương: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”

Nắm giữ cương vị Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam từ năm 1999, NSND Phạm Anh Phương đã đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng. Nói về sự lựa chọn của mình với múa, ông rất tâm đắc câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Người nghệ sĩ tài năng

Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, Phạm Anh Phương sớm bộc lộ tài năng múa bẩm sinh khi còn là cậu bé 11 tuổi sinh hoạt trong CLB Thiếu nhi của phường. Năm 1969, tài năng nhí ấy đã được tuyển vào trường múa Việt Nam.

Tốt nghiệp trường Múa với tấm bằng loại ưu, Phạm Anh Phương được giữ lại trường giảng dạy. Từ 1980 đến 1986, anh được Nhà nước cử đi học ở Liên Xô. Về nước, anh tham gia sáng tác, biên đạo múa, đồng thời làm Giảng viên trường múa Việt Nam. Từ năm 1997 đến nay, anh được bổ nhiệm giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam.

 

Trong lĩnh vực sáng tác, NSND để lại cho nghệ thuật múa Việt Nam nhiều tác phẩm ấn tượng về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ cao. Và những cái tên như “Hơi thở tình yêu” “Một lần và mãi mãi”, ‘Khai sơn phá thạch” (Kỷ niệm 300 năm Sài gòn), “Bến lụy” “Nghệ sĩ Lê Vi biểu diễn), Hồ tương tư (âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo)… là những tác phẩm gắn liền với nghệ thuật múa Việt Nam từ những ngày đầu phát triển.

Bên cạnh đó, Nghệ sĩ cũng tham gia xây dựng kịch múa cùng NSND Lê Công Nhạc, sáng tác tác phẩm múa Y Đăng, xây dựng vở balê “Nguồn sáng” cùng với Nghệ sĩ Lê Phong…

NSND Phạm Anh Phương

NSND Phạm Anh Phương cũng là người đầu tiên được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) cử đi học về múa đương đại ở Australia. Sau một năm du học và biểu diễn ở Australia, nghệ sĩ Phạm Anh Phương đã dựng vở múa đương đại Cuộc sống, con người và vũ trụ biểu diễn tại Hà Nội và TP.HCM, mang đến cho đời sống múa hơi thở mới…

Năm 1994, Phạm Anh Phương dựng Lời ru của rừng – tác phẩm múa đầu tiên thể nghiệm khuynh hướng mới: dân gian kết hợp với múa đương đại. Sau này, Lời ru của rừng cùng với chùm tác phẩm của ông đã được tặng giải thưởng Nhà nước.

Trong suốt quãng đường hoạt động, gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật Múa Việt Nam, NSND Phạm Anh Phương được tặng thưởng nhiều Huy chương vàng, Huy chương bạc và giải thưởng chuyên ngành của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin vì có thành tích xuất sắc trong nghệ thuật từ 1996-1999; Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tặng huy chương vì sự nghiệp Nghệ thuật múa Việt Nam 2000. Danh hiệu NSND anh vinh dự được phong tặng năm 2007.

 Kiên trì với định hướng ban đầu

Cách đây khoảng10 năm, nghệ thuật hàn lâm hầu như vắng bóng. Nghệ sĩ luôn mang trong mình một ao ước: được đứng trên sân khẫu biểu diễn, được nhìn thấy khán giả. Với tư cách đoàn trưởng, NSND Phạm Anh Phương đã có không ít băn khoăn, trăn trở. Làm sao để đáp ứng được mong ước biểu diễn của nghệ sỹ? Chỉ có một cách.

Đó là xây dựng thật nhiều các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Song song với đó, là việc thu hẹp khoảng cách của công chúng với nghệ thuật hàn lâm. Thời gian đầu, khó khăn chồng chất khó khăn. Mặc dù có những vở diễn khá ấn tượng, được đầu tư công phu nhưng vẫn vắng bóng khán giả. NSND Phạm Anh Phương cho rằng, đó hiện đang là một thực tế đau xót của nước ta.

Không phải vở diễn không hay, không phải diễn viên diễn không tốt…mà có lẽ vì chưa có nhiều khán giả thực sự yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Để khản giả đến gần hơn với nghệ thuật hàn lâm không phải là việc một sớm, một chiều. Điều đó cần có sự định hướng, cần có chiến lược dài lâu. Cụ thể hơn, bộ môn nghệ thuật này phải đưa vào giảng dạy trong nhà trường, in sách, quảng bá trên tivi. Có như thế, công chúng mới có những hiểu biết để thưởng thức rồi yêu mến được.

Có những vở diễn NSND Phạm Anh Phương cùng toàn thể anh em trong Nhà hát gửi vé nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá nhưng số người đi rất ít. Không thể kéo dài mãi thực trạng này, toàn Nhà hát Vũ kịch nung nấu quyết tâm phải bán được vé. Kiên trì với định hướng ban đầu, sau gần 10 năm miệt mài, NSND Phạm Anh Phương cho biết, anh rất tự hào vì trong mấy năm trở lại đây Nhà hát đã bán được vé và lượng khán giả thì ngày càng đến đông hơn.

Trước đây, nhiều anh chị em nghệ sỹ phải bươn chải kiếm sống, nay Nhà hát đã nhận thêm nhiều “sô”, nên đời sống của anh chị em nghệ sỹ cũng được cải thiện hơn. Tuy vậy, vẫn có một số nghệ sỹ muốn dứt áo ra đi khỏi Nhà hát. Về điều này, NSND Phạm Anh Phương chia sẻ rằng: “Người nghệ sỹ muốn ra đi là vì nhiều lẽ. Tôi luôn tôn trọng quyết định của họ bởi nếu một người đã viết đơn xin nghỉ việc tức là họ đã suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều”.

Đến bây giờ, có lẽ cái được nhất của Nhà hát chính là việc tạo thói quen thưởng thức múa, nghe nhạc giao hưởng cho công chúng Hà Nội. Có rất nhiều hoạt động được NSND Phạm Anh Phương cùng các anh em nghệ sĩ triển khai như tặng vé xem nhạc miễn phí cho thành viên CLB, phát vé cho sinh viên, khuyến khích lớp khán giả trẻ tiếp cận với nghệ thuật.

Được đánh giá là một trong những nhân tố đầu tiên của múa đương đại Việt Nam, những tác phẩm NSND Phạm Anh Phương biên đạo luôn mang những nét mới, có tính đột phá. Theo ông, đã đến lúc phải thay đổi để nghệ thuật được thăng hoa hơn nữa. Cơ duyên của sự thay đổi này khởi nguồn từ năm 1998, khi đoàn nghệ thuật múa đương đại Phương Bắc của Australia sang Việt Nam biểu diễn.

Nhận thấy, NSND Phạm Anh Phương là người có tố chất, lại được đào tạo bale cơ bản nên đã mời ông sang đó hợp tác 1 năm. “Từ đó, tôi bắt đầu với những thay đổi và tôi mừng là cho đến tận bây giờ, tôi vẫn tiếp tục với hướng đi của mình, tiếp tục có những cống hiến, những thành công nhất định”, NSND Phạm Anh Phương chia sẻ.

Nghe cách NSND Phạm Anh Phương say sưa kể về múa và những câu chuyện xoanh quanh múa, không khó để nhận ra múa luôn chảy trong huyết mạch ông. Kiên định với múa mấy chục năm trời, đến ngày hôm nay, NSND Phạm Anh Phương không bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn cho dù con đường đó có rất nhiều chông gai.

Có gian nan thử thách thì vinh quang mình đạt được càng có ý nghĩa. Người nghệ sĩ ấy rất tâm đắc câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và coi đó là kim chỉ nam cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Nhiệt huyết cùng vốn ngoại ngữ thành thạo Nga, Anh, NSND Phạm Anh Phương tự tạo cho bản thân và Nhà hát những cơ hội hợp tác với nhiều nhà biên đạo múa tài năng, để rồi cho ra những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Có thể kể ở đây những tác phẩm từng được khán giả đón nhận nồng nhiệt như Spartacus, chương trình múa kỷ niệm 50 năm trường Múa Viêt Nam, và mới đây nhất là Nàng Giselle…

Thùy Dương

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*