Bế mạc Liên hoan múa quốc tế lần thứ nhất năm 2014

Diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18/4 tại Thành phố Huế, Liên hoan Múa quốc tế lần thứ nhất năm 2014 đã quy tụ 8 đoàn nghệ thuật quốc tế và 16 đơn vị nghệ thuật trong nước. Lần đầu tiên liên hoan được tổ chức tại Việt Nam nhưng đã thu hút nhiều đơn vị biểu diễn múa tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới và nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Việt Nam đã mang đến liên hoan những tiết mục đặc sắc.

Sau 5 đêm diễn đặc sắc, tối 18/4, tại Trung tâm VHTT tỉnh (41A Hùng Vương) đã diễn ra chương trình bế mạc Liên hoan Múa Quốc Tế lần thứ I. Với tổng số 47 tác phẩm, trong đó có 31 tác phẩm trong nước và 16 tác phẩm của các đoàn nghệ thuật múa nước ngoài, đây là con số đáng tự hào cho lần tổ chức đầu tiên. Liên hoan múa đã thể hiện sinh động và lan tỏa những sáng tạo, nét đặc trưng, các giá trị tiêu biểu trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền; tạo cho khán giả và BTC sự đồng cảm và sự hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống văn hóa tinh thần, phong tục tập quán và sự tinh tế thông qua nghệ thuật múa.

Ban tổ chức đánh giá cao về chuyên môn, ý tưởng và quá trình lao động nghệ thuật của các đoàn tham dự liên hoan múa quốc tế. Kết thúc chương trình, Ban tổ chức Liên hoan đã trao bảy Huy chương Vàng và 10 Huy chương Bạc cho các tiết mục đặc sắc nhất.

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội giành được Huy chương Vàng với tiết mục “Cánh cò bay lả bay la”, (Chỉ đạo nghệ thuật: Thiếu tướng, NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh; biên đạo: NSƯT Kiều Lê, NSƯT Hiền Trang, Nguyệt Thu; âm nhạc: Quang Duy, Vân Mai, Minh Dương; biểu diễn: Văn Mùi, Mỹ Linh, Phi Trường, Bảo Ny, Quỳnh Thương và tập thể học viên). Đây là một trong những tiết mục đã gây ấn tượng đặc sắc với Ban giám khảo và khán giả tại Liên hoan. Với đề tài dân gian dân tộc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã chọn cho mình một cách riêng để tạo nên tác phẩm nghệ thuật mang giá trị cao.

Chu Tễu DSC04187 DSC04177

“Cánh cò bay lả bay la” là một bức tranh đầy màu sắc vẽ lên hình ảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ, là hình ảnh phản chiếu về hiện thực cuộc sống, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước Việt Nam. Tác phẩm gồm 3 phần: “Tễu làng”, “Mẹ” và “Kẹp ba lá”.

Điểm đặc trưng và khác biệt của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội so với các tiết mục dự thi của các đoàn nghệ thuật khác là ngoài ngôn ngữ hình thể còn là sự nổi bật về phần âm nhạc. Phần âm nhạc cho múa được sử dụng bằng việc các nghệ sĩ chơi nhạc “live” ngay trên sân khấu, đã gây một ấn tượng mạnh mẽ cho Ban tổ chức. Vị giám khảo người Philippines đã phải thốt lên ngạc nhiên về sự độc đáo ấy và bày tỏ lòng ngưỡng mộ với các nghệ sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Sáu huy chương vàng còn lại được trao cho tiết mục “Mùa đom đóm” của Nhà hát vũ kịch Việt Nam; “Kịch múa: Lêkima đỏ” của đoàn Ca múa nhạc Công an Nhân dân; tiết mục “Philippinescape” của Đoàn múa Bayanihan Philippines; tiết mục “Đêm sâu lắng” của nhà hát ca múa nhạc Trịnh Châu, Trung Quốc; “Mùa xuân trên bản H’Mông” của nhà hát ca múa nhạc Việt Nam và tiết mục “Múa quạt” của Đoàn múa truyền thống Hàn Quốc.

Liên hoan múa quốc tế lần thứ nhất năm 2014 là sự kiện văn hoá nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giữa Việt Nam và các vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới. Đồng thời là dịp hội tụ các đơn vị biểu diễn nghệ thuật múa tiêu biểu; là cơ hội để các nghệ sỹ múa Việt Nam tiếp cận, giao lưu, trao đổi, học hỏi tinh hoa nghệ thuật múa quốc tế; đổi mới về phương pháp sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật múa đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở thời đại, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới. Đây là bước đi đầu tiên, tiến tới định hình phong cách, tạo thương hiệu cho Liên hoan múa quốc tế tại Việt Nam những năm tiếp theo; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá đặc sắc của Việt Nam với du khách và bạn bè quốc tế.

TUỆ MINH
Ảnh: PHÚC HẢI
(Nguồn: vnq.edu.vn)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*