Cái tên đảm bảo cho chất lượng múa Việt Nam

Nghệ sĩ Cao Chí Thành sinh năm 1980, một người thuộc thế hệ 8X đầy tài năng của Việt Nam. Từ nhỏ, Thành rất thích thú mỗi lần xem trên tivi vở diễn “Cái chết của thiên nga”.

Cao Chí Thành đã chia tay với sàn diễn để chuyên tâm vào công việc giảng dạy tại trường Cao đẳng Múa Việt Nam, dù không còn trên sàn diễn nhưng “Hoàng tử” mới 32 tuổi, cùng những tâm huyết, tình yêu với ballet vẫn vẹn nguyên, sung sức như cái ngày anh được vinh danh tại Cuộc thi ballet quốc tế danh giá Helsinky – Phần Lan.

3950-f49caochithanhtrongvolec

Cao Chí Thành trong vở La Crif

Nghệ sĩ Cao Chí Thành SN 1980, một người thuộc thế hệ 8X đầy tài năng của Việt Nam. Từ nhỏ, Thành rất thích thú mỗi lần xem trên tivi vở diễn “Cái chết của thiên nga”. Thấy Thành bị cuốn hút và tỏ ra say mê những điệu múa, bố mẹ hỏi Thành: “Con có thích học múa không?“. Câu hỏi như một định mệnh gắn cuộc đời Thành với nghiệp múa từ đó. Con đường đến thành công không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi Thành chểnh mảng, thầy giáo đã gọi Thành lên, cho đứng một góc lớp, và nói “Anh hãy tự suy nghĩ đi…“. Và cứ thế cho đến lúc Thành trở lại say mê luyện tập.

3950-1821520812

Hoàng tử ballet Cao Chí Thành

Sau này, khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, thầy giáo Vũ Dương Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam) mới nói: “Nếu có điểm 11, 12, tôi cũng cho anh!”. Năm 1999, Cao Chí Thành dự thi Ballet châu Á – Thái Bình Dương tại Nhật Bản, đã lọt vào tới chung kết. Năm 2001, Thành tham gia cuộc thi Ballet Quốc tế tổ chức tại Thượng Hải. Lần này, Thành đã vào tới vòng hai. Năm 2003- 2005, Thành đi du học chuyên ngành ballet ở Hồng Kông.

Nhớ lại năm 2005, Cao Chí Thành “đơn thương” xách va li đựng đồ diễn tham gia cuộc thi Ballet Quốc tế Helsinki tổ chức tại Phần Lan. Cuộc thi hội tụ các tài năng ballet nổi trội của gần 40 nước trên thế giới. Nhìn các thí sinh được mọi người chăm lo chu đáo, Thành cứ thui thủi, một mình mình làm, một mình mình lo! Thế rồi, khi tiếng nhạc vang lên, sân khấu, ánh đèn, giai điệu… làm cho Thành bỗng chốc quên hết tất cả mọi sự lo lắng. Hàng loạt động tác quay, lắc mình trên không, các động tác kỹ thuật cao trong lĩnh vực múa ballet được Thành tập trung hết sức để biểu diễn. Và không thể tin vào tai nữa khi Thành nghe đọc tên mình đoạt giải 4, Thành đã tự vấn mình: “Tỉnh hay mê đây?”. Sung sướng, bất ngờ, Thành nhớ đến công lao của cha mẹ, thầy cô và những người đã vun đắp cho thành công của Thành. Cao Chí Thành đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải chính thức của cuột thi Ballet Quốc tế Helsinki – một trong bốn cuộc thi ballet danh tiếng nhất thế giới.

Cuộc sống của diễn viên múa ở Việt Nam dù là nổi tiếng như Thành, một người được gọi bằng cái danh xưng quý tộc – hoàng tử ballet cũng không ít khó khăn. Anh cho biết, đấy là bản thân còn trong diện được ưu ái, được Nhà hát, được Bộ Văn hoá quan tâm, được nâng lương trước thời hạn. Nhưng mức lương anh hưởng tại Nhà hát chỉ là 2 triệu đồng. Thêm tiền thanh sắc lĩnh mỗi quý là 600.000. Còn lại tháng nào có vở diễn thì mới có thêm tiền bồi dưỡng. Tháng nào không có vở thì… “nhịn”. Các diễn viên trẻ mới vào Nhà hát, làm việc theo hợp đồng ngoài quỹ lương, thì bậc lương đã thấp, họ cũng không có cả tiền thanh sắc như diễn viên trong biên chế.

Chưa kể, nghề múa là công việc đòi hỏi sự lao động cật lực. Trong suốt quá trình từ tập luyện đến khi lên sàn diễn, diễn viên không chỉ vắt kiệt sức lực của cơ thể cho những động tác kỹ thuật như một vận động viên chuyên nghiệp mà họ còn phải vận động trí não tối đa như bộc lộ tâm lý nhân vật, phối hợp với bạn diễn, chú ý đến không gian biểu diễn, khán giả để kể câu chuyện của tác phẩm cho họ nghe. Mặc dù vậy, diễn viên múa không có chế độ bồi dưỡng thể lực riêng. Nếu như ở nước ngoài, tuổi nghề của diễn viên có thể kéo dài đến 45-50 nhờ được chăm sóc thể lực tốt thì ở Việt Nam chỉ đến 35, 36 là cùng. Như tôi là già rồi“. Thành tâm sự.

Chính vì thế, khi chuyển sang công việc giảng dạy, ngoài chuyện luyện tập cho học sinh của mình, Thành còn phải lo cả chuyện động viên tâm lý của các em, khuyến khích tình yêu nghề của các em. Bởi nếu chỉ nhìn vào thực tại thu nhập của nghệ sỹ múa ballet chuyên nghiệp sẽ chẳng mấy ai còn đủ tâm huyết để theo nghề đến cùng. “Tôi biết có nhiều em suy nghĩ chẳng cần học giỏi mà làm gì. Học giỏi ra trường cũng chẳng có chỗ dùng. Thà rằng tập luyện vừa vừa, học vừa vừa, tốt nghiệp thì đầu quân về một đoàn nghệ thuật hay vũ đoàn nào đấy, đi múa quần chúng, múa minh hoạ cho các ca sỹ… còn có thu nhập cao hơn là vào các nhà hát để biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy đó là suy nghĩ thực dụng, nhưng thực tế“.

Bản thân Cao Chí Thành cũng hoàn toàn có khả năng chạy show event để kiếm thêm thu nhập, để nuôi cái đam mê cháy bỏng của mình. Nhưng đấy là lý thuyết. Còn thực tế thì solist số 1 này không đắt show lắm với lý do như Thành lý giải là “mình vô duyên“. Có lẽ, các đơn vị khi tổ chức event cứ nghĩ ngôi sao của múa thì castse cũng phải hàng “ngôi sao” chăng? Hoặc như một người bạn của anh tâm sự “có những show tớ muốn mời cậu lắm nhưng chả biết phải trả cậu thù lao thế nào cho xứng“. Thành đùa: “Cậu cứ nghĩ như thế thì tớ chết đói“.

Đùa thế chứ ai cũng biết Cao Chí Thành sẵn sàng từ chối những show diễn có castse tiền triệu để tập trung dựng vở cùng với người bạn thân là NSƯT Tuyết Minh. Cả hai mang cái khát vọng đem nghệ thuật ballet đến gần với công chúng hơn và tạo ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ được cọ xát với sân khấu bằng các vở diễn tự bỏ tiền túi ra làm. “Đó cũng là cách duy nhất để các em trẻ không nản chí trước thực tại, để các em thấy: À, ballet Việt Nam không hề kém cỏi. À! cũng có người hy sinh tất cả cho nghệ thuật chứ không quá vướng víu lệ thuộc bởi cơm áo gạo tiền“. Dù để có một vở diễn như thế ra đời, anh phải chạy đôn chạy đáo đi tìm tài trợ, thức trắng vài đêm để khâu, vẽ phông màn sân khấu, trong khi vẫn phải lên sàn tập luyện vở cho diễn viên, chưa kể công việc giảng dạy của mình.

Thành bảo: “Thế là mình may mắn, hạnh phúc lắm rồi vì có nhiều người giúp đỡ, chỉ không “hoành tráng” được như Vũ của Linh Nga thôi!“(cười). Sự giúp đỡ ấy có khi chỉ là mấy người bạn ở Liên đoàn Xiếc giúp thay phông sân khấu sau mỗi cảnh, là việc cho mượn sàn tập của trường múa, cho mượn thảm biểu diễn của Nhà hát. Tiền thù lao tập luyện cho diễn viên còn phải cân đối tỉ mỉ với tiền bán vé ít ỏi thu được, lấy đâu ra kinh phí để quảng bá, PR, chụp ảnh, quay DVD để “hoành tráng”?

Nhưng có lẽ, tình yêu không vụ lợi với ballet đã khiến “hoàng tử” lạc quan hoá mọi khó khăn. Và đó cũng là cái cớ để nụ cười “hoàng tử” luôn ngự trên khuôn mặt Cao Chí Thành: bay bổng, vô tư như thể anh chưa từng nói một lời than nghèo kể khổ nào!

Một thầy giáo Cao Chí Thành bình dị giữa Hà Nội và một chàng thợ săn Actaeon đứng trên sân khấu Helsinky trong những tràng pháo tay kinh ngạc của khán giả chẳng khác nhau là mấy! Vẫn mái tóc dài lãng tử, vẫn sự trẻ trung dù đã 6 năm trôi qua, nhưng khát vọng với múa thì đã thay đổi. “Trước đây mình dồn mọi tâm huyết và ước mơ cho sàn diễn, mong muốn sẽ thành người này, người kia, sẽ thay đổi được điều này điều khác cho nghệ thuật múa Việt Nam. Giờ thì mình thực tế hơn, chỉ mong có thể dành hết thời gian và khả năng của mình truyền lại cho các em trẻ kỹ thuật, kinh nghiệm và tình yêu của mình, để có một lớp kế cận với các em giỏi hơn mình, làm rạng danh nghệ thuật ballet Việt Nam như ước mơ lúc trẻ của mình“.

Niềm tiếc nuối phải rời sàn diễn quá sớm có phảng phất trong tâm trí Thành, nhưng bù lại, anh được sống lại tuổi thơ miệt mài với múa, cả đau đớn lẫn hạnh phúc với múa qua những giờ lên lớp cùng học trò. Và cùng với những dự án ballet đang chờ đợi anh phía trước, khi mà cái tên hoàng tử ballet Cao Chí Thành luôn là minh chứng cho chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm ballet “made in Vietnam”.

Thảo Linh

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*