Kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” sống mãi với thời gian

809-ngonluanghetinhlogo

Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” là một tác phẩm Kịch Múa đỉnh cao trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật của nghệ sĩ, chiến sĩ toàn quân trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị nghệ sĩ, diễn viên các Đoàn Nghệ thuật quân đội mà nòng cốt là Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị đã thực hiện thành công kịch Múa này.

Tác phẩm còn được lưu giữ bằng cuốn phim màu nghệ thuật “Kịch Múa Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” đến ngày nay và được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT NĂM 2000.

Sau thắng lợi của hội diễn văn nghệ toàn quân, vào những năm 1959 – 1960, Tổng cục Chính trị mời các đoàn chuyên gia Trung Quốc, Triều Tiên giúp ta đào tạo, huấn luyện một khóa học gồm nhiều thành phần đối tượng dự học, chủ yếu là các học viên trong quân đội. Sau một thời gian tiếp thu, học hỏi các phương pháp, thủ pháp, kết cấu thể hiện nghệ thuật múa, kịch múa, lớp học đã đi thực tế về miền Trung – mảnh đất có nhiều phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân giàu lòng yêu nước, có khí thế quận khởi, không chịu áp bức, không chịu làm nô lệ để tìm đề tài sáng tác. Các học viên mỗi người một ý tưởng và được sự chỉ dẫn tận tình của nghệ sĩ, biên đạo múa giáo sư Kim Tế Hoàng – một chuyên gia Triều Tiên am hiểu văn hóa phương Đông, tỏ tường văn hóa Việt Nam, trong thời gian đó đã hoàn thành kịch bản kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” với 5 màn, 2 cảnh, phản ánh cuộc đấu tranh trong những năm 1930 – 1931 của nông dân, công nhân Thanh Chương, Đô Lương, thành phố Vinh, Hà Tĩnh…

Lực lượng diễn viên thời kỳ đầu từ 1960 – 1963 chủ yếu là của Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị, cuối năm 1963 – 1964, các nghệ sĩ toàn quân được tập trung về Hà Nội tập huấn, toàn diện các bộ môn về nghệ thuật, được nghe nói chuyện về lịch sử phong trào cách mạng 1930 – 1931, các nhà biên đạo đã biên soạn, bố cục, kết cấu lại kịch bản một cách hợp lý, chặt chẽ, phối hợp nhuần nhị giữa ngôn ngữ múa dân gian dân tộc với một số động tác quay nhảy kỹ thuật cao của múa ballet (Cổ điển Châu Âu) để người xem cảm nhận được sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong vũ đạo. Mặc dầu các nghệ sĩ tham gia vở kịch múa chưa được đào tạo chính quy, song với tinh thần yêu nghề, yêu nghệ thuật, toàn bộ nghệ sĩ tham gia vở kịch múa đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, hòa đồng thành một khối thống nhất, vừa học vừa làm, vừa bổ sung những khiếm khuyết trong chuyên môn để vở diễn ngày càng được nâng cao về chất lượng, thể hiện đượctinh thần vở diễn, tinh thần phong trào cách mạng của nhân dân.

Thành công của kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” có vai trò của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật, ánh sáng sân khấu. Những họa sĩ đã cho người xem thấy được quang cảnh nông thôn Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình; những cánh đồng lúa vàng óng và cảm nhận được vẻ đẹp hiền hòa tĩnh mịch, bình yên của nông thôn xứ Nghệ Việt Nam.

Âm nhạc là linh hồn của nghệ thuật múa đã được các nhạc sĩ NSƯT Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ Lê Huy Thục, nhạc sĩ Nguyễn Thành sáng tác thành công cùng với phần phối khí của các nhạc sĩ NSND Lê Đóa, NSƯT Ngô Trọng Mai. Chất liệu dân ca xứ Nghệ được các nhạc sĩ khai thác triệt để cho nội dung, một dàn nhạc “hai quản” với khoảng 70 – 80 nhạc công được huy động trong toàn quân về thực hiện tác phẩm. Người xem tự hào về nền âm nhạc Việt Nam ở thập niên 60 của thế kỷ XX đã có được một bản nhạc giao hưởng vũ kịch tầm cỡ quốc tế. Hiện nay trên làn sóng tiếng nói Việt Nam vẫn thường xuyên sử dụng. Kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” đã từng được lưu diễn tại Thủ đô Hà Nội, các thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, v.v… Đặc biệt tác phẩm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị xem và khen ngợi. Tại Hội diễn văn nghệ toàn quốc lần thứ hai đầu năm 1962, tác phẩm đã đoạt 6 huy chương vàng cho kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, phục trang, thiết kế ánh sách và diễn viên nữ chính NSƯT Lê Thanh Nga.

Từ năm 1960 – 1964 qua bốn năm lưu diễn, kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” được cán bộ chiến sĩ toàn quân và nhân dân nhiệt liệt khen ngợi. Với thành công vang dội của kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh”, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định quay thành phim nhựa để phục vụ được rộng rãi và lưu giữ được lâu dài, cho đến hôm nay vẫn được các nghệ sĩ xem và nghiên cứu học tập. Bộ phim đã được Xưởng phim Bát Nhất Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giúp đỡ dựng phim thành công. Đây là bộ phim màu đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ. Trước khiduwngj lại tại Bắc Kinh để quay phim Đoàn kịch múa Việt Nam đã lưu diễn tại Nam Ninh, Quảng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh. Hầu hết các vị lãnh đạo cấp cap của Đảng, chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đông đảo khán giả nước bạn tới xem. Sau buổi biểu diễn, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Chu Ân Lai và các tướng lĩnh cao cấp lên sân khấu tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ Việt Nam

Sau 50 năm, vở kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” vẫn còn nguyên giá trị và năm 2000 đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý – Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Bài viết: Đào Đức Đại

Muavietnam.com sẽ lần lượt giới thiệu tới quý vị khán giả những trích đoạn từ tác phẩm này.

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*