Múa cho tôi thứ mà người giàu không thể có

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp Nguyễn Phúc Hùng trong căn hộ đơn sơ của gia đình anh ở khu tập thể văn công Mai Dịch (Hà Nội) năm 1997. Lúc ấy, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Tài năng nghệ thuật múa Việt Nam còn đang học năm cuối trường múa, vẫn lộc ngộc đi xách nước lên tầng 4 cho mẹ.Bẵng đi mấy năm, gặp lại, Phúc Hùng lúc này đã là solist của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HSBO). Vẫn say mê trên sàn tập và đi dạy thêm để kiếm sống. Nhiều người nghe nói tên Nguyễn Phúc Hùng lúc ấy còn nhầm sang Nguyễn Phi Hùng, cũng một nghệ sĩ theo học ballet cổ điển, cũng bỏ Hà Nội vào Nam lập nghiệp, nhưng đã bỏ múa và lập danh trên con đường ca hát giải trí.Rồi nghe nói anh sang Hà Lan học múa. Lại nghe nói, hết thời hạn du học, bạn cùng đi xách vali về nước ngay, thì Hùng xin ở lại thêm năm nữa để học thêm ngay cả khi không còn học bổng.Giờ thì Hùng ngồi trước mặt tôi, không, đúng ra là tôi ngồi trước Hùng, vì anh không chịu tới nơi hẹn mà nhất định hẹn chúng tôi tại sàn tập, nơi anh cùng các đồng nghiệp đang bám trụ từ sáng tới tối. Vẫn sôi nổi, lôi cuốn như những điệu vũ mạnh mẽ của anh, và giờ đây còn đầy tự tin trong vai trò Tổng đạo diễn chương trình Giai điệu mùa Thu (GĐMT) năm nay (đã diễn ra trong 3 đêm 17,18, 19/8 tại Nhà hát Thành phố) – một trong những chương trình nghệ thuật đỉnh cao được kỳ vọng nhất hàng năm ở thành phố gần 10 triệu dân này (ở tuổi 34 có lẽ Hùng là tổng đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử 7 năm của chương trình).Thế giới thay đổi, ballet cũng phải khác* Trước hết xin chúc mừng “tân tổng đạo diễn” GĐMT năm nay, sự kiện được chờ đợi là tạo nên một bước đột phá cho một chương trình nghệ thuật hàn lâm có truyền thống. Nhìn vào chương trình của GĐMT lần thứ 7 này, tôi đoán sự đột phá sẽ đến từ múa – vốn là mảng mờ nhạt nhất trong các năm trước, nay sẽ có riêng một đêm gala với một dàn nghệ sĩ trở về từ những trung tâm múa đương đại châu Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan). Có thể hiểu được điều này đơn giản vì anh vốn là dân múa?

– Nói thế thì oan cho tôi! Bây giờ ở nhà hát chúng tôi làm việc theo ê-kíp, toàn những người trẻ như nhau, mỗi người một thế mạnh: Trần Nhật Minh chỉ huy hợp xướng, Nguyễn Mạnh Duy Linh và Việt Anh phụ trách phần âm nhạc, còn tôi và Nguyễn Phúc Hải lo mảng múa. Chúng tôi cùng nhau lên ý tưởng chương trình và chú trọng “đẩy” cả ba mảng (khí nhạc, hợp xướng, múa). Năm nay có lẽ mọi người thấy múa được chú trọng, đơn giản bởi vì mọi khi nó “lép vế” hơn thôi.

1157-phuchung

Tổng đạo diễn Giai điệu mùa thu 2011 Nguyễn Phúc Hùng

* Múa năm nay trong GĐMT nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó có cả sự tò mò, bởi nó được dự báo là sẽ mang tới một luồng gió mới của múa đương đại chứ không phải ballet cổ điển. Anh vốn là dân ballet cổ điển cơ mà. Hay “đi Tây” về có khác?

– Hồi tôi mới qua Hà Lan, có mang theo mấy băng ghi hình các tác phẩm của mình làm hồi ở trong nước cho các bạn bên đó xem. Chúng nó cười ngất và bảo: Trông mặt mày châu Á thế này mà đòi làm hoàng tử châu Âu à? Càng học tôi càng nhận ra điều họ nói không phải không có lý. Thầy giáo dạy tôi bên đó từng là solist một của Nhà hát Ballet Hà Lan, nói với chúng tôi rằng: “Ballet có từ bốn, năm trăm năm trước thì không có lý gì khi con người đã lên vũ trụ rồi mà múa vẫn còn ở lại thời hoàng tử, công chúa. Xã hội luôn luôn chuyển động, thay đổi, vậy thì múa không thể giữ khuôn khổ cũ, múa cũng phải đổi thay“. Bản thân thầy cũng dạy chúng tôi theo phương pháp đó, rất hiện đại, thanh thoát, không gò bó theo khuôn mẫu truyền thống của ballet cổ điển. Hiện nay, trên thế giới, nhiều công ty múa đã và đang làm lại các vở kinh điển như Carmen, Người đẹp ngủ trong rừng… nhưng họ làm mới hết. Hình thể của người Việt Nam, theo tôi, không hợp với ballet cổ điển, bộ môn gần như là độc tôn của người châu Âu. Nghệ sĩ ở phía Nam có gương mặt của ballet, tôi thấy, chỉ mình Thảo Dung.

Trong đêm gala múa tại GĐMT năm nay, chúng tôi muốn giới thiệu tới khán giả TP.HCM xu hướng múa đương đại đang thịnh hành trên thế giới. Các nghệ sĩ tham gia đều là những tên tuổi đến từ các công ty múa nổi tiếng của châu Âu như Samuel LefeuvreBùi Ngọc Quân (công ty Les Ballets C de la B Bruxell, Bỉ), Fancesca Imoda (công ty Nanine Linning ở Đức) và Quách Phương Hoàng từng du học và làm việc ở Pháp từ Hà Nội vào. Có thể nhận ngay ra sự khác biệt giữa họ với hình ảnh những diễn viên múa ballet truyền thống mà bạn vẫn thường thấy. Hoàn toàn không có sự đồng đều về hình thể. Quân rất gầy. Samuel thậm chí chỉ cao 1m60. Tuy nhiên đêm gala múa không chỉ có thế. Phần đầu của chương trình vẫn là múa cổ điển. Mọi sự thay đổi phải từ từ thôi…

1157-capmotb

* Ý tưởng thay đổi này của các anh có gặp phải khó khăn gì không để được chấp nhận, nhất là đối với một chương trình lớn mang tính truyền thống của nhà hát như GĐMT?

– Chúng tôi nói với nhau chưa ở đâu sướng như ở nhà hát này, được ban giám đốc tin tưởng và cho thực hiện mọi ý tưởng. Tất nhiên, như đã nói, mọi sự thay đổi đang được làm từ từ, nhưng có lẽ cái từ từ của chúng tôi nhanh hơn cái từ từ của những thế hệ đi trước chăng. Trước GĐMT chúng tôi cũng đã thử nghiệm những thay đổi này trong chương trình Đối thoại và đã nhận được rất nhiều lời khen. Nhạc sĩ Dương Thụ, một người rất khó tính, sau khi xem xong đã nói chuyện với chúng tôi để bàn việc tìm tài trợ đưa Đối thoại ra Hà Nội. Chúng tôi có điều kiện thuận lợi là đều vừa trở về sau những khóa đào tạo bài bản ở châu Âu, tiếp cận được với những xu hướng hiện đại. Nhưng không vì thế mà muốn “bôi” cái gì thì “bôi”, nếu “bôi” mà không bán được vé thì chẳng ai cho mình “bôi” đến lần thứ hai đâu.

* Nhưng được lãnh đạo nhà hát gật đầu chi cho cả đống tiền để làm chương trình, để mời các nghệ sĩ Việt Nam từ nước ngoài về, thậm chí cả nghệ sĩ nước ngoài tham gia, chẳng dễ…

– Tài chính năm nay cũng khó khăn lắm, chỉ gọi là dễ thở hơn một chút thôi. Tôi chỉ dám nói với các bạn nước ngoài là tranh thủ kỳ nghỉ Hè về làm cùng tôi cho vui, nhưng họ đã chuẩn bị nghiêm túc đến không ngờ: một tác phẩm múa đơn 25 phút, một màn múa duo dài tới 45 phút – bằng cả một chương trình biểu diễn rồi. Sang đây tập cật lực từ 9 giờ sáng đến 6 giờ rưỡi chiều trong suốt 10 ngày qua, rồi diễn một đêm mà tiền thù lao mỗi nghệ sĩ chỉ có 100 USD!

Tôi muốn múa… một hơi dài* 100 USD? Tôi cũng giật mình khi nghe con số này, nhất là khi tận mắt xem một buổi tập của các bạn trên sàn tập?

– Thật sự là tôi thấy ở nhà hát chúng tôi hiện nay nhiều thứ quá dễ dàng với diễn viên. Vừa vào là được ký hợp đồng, tháng nào cũng có lương, diễn thì có thêm tiền diễn. So với mặt bằng chung của các đoàn nhà nước thì HSBO, theo tôi biết, có mức lương cao nhất đấy. Trong khi solist của nhà hát khác múa một vở chỉ được trả 200 ngàn thì nhà hát chúng tôi trả cao hơn nhiều. Nhưng không phải người nào cũng hết sức, hết tâm với chương trình của nhà hát.

Diễn viên múa quốc tế một tuần chỉ được nghỉ 1 buổi, hàng ngày tập từ 9 giờ sáng đến 6 giờ rưỡi chiều, nghỉ ăn trưa 45 phút, lương trung bình khoảng 1.900 euro. Nếu đi làm thêm cho những chương trình mang tính thương mại thì tháng cũng kiếm được 6, 7 ngàn euro, nhưng nghệ sĩ múa chân chính đúng nghĩa thì lương chỉ gói gọn trong 1.900 euro thôi. Các công ty múa ở Hà Lan không bao giờ ký hợp đồng dài hạn với bất cứ diễn viên múa nào mà chỉ ký năm một, làm hết năm với kết quả tốt thì sẽ được đề nghị ký tiếp. Công ty tốt, có biên đạo giỏi thì sẽ giữ được chân diễn viên, không thì cứ đến Hè là diễn viên lại túa đi khắp châu Âu để thi tuyển.

1157-caphai

* Bản thân anh cũng đi làm show ngoài nhà hát mà?

– Tôi ra ngoài làm show kiếm thêm thu nhập và cũng là để có thêm kinh nghiệm của thị trường nhằm áp dụng vào những công việc trong nhà hát. Làm show nhưng không phải múa minh họa. Tôi vẫn tự hào vì từ hồi vào sống ở TP.HCM, chưa bao giờ phải đi múa minh họa. Sản phẩm của tôi đưa ra vẫn là múa, cho dù là múa ở các “event” thì cũng không phải đứng sau lưng những bộ môn khác. Tôi cũng không quá cần tiền để phải thành lập một nhóm múa minh họa chuyên phục vụ ca sĩ.

* Không thành lập nhóm múa minh họa cho ca sĩ, nhưng hoàn toàn có thể lập một nhóm múa riêng với những show múa riêng, như anh Tấn Lộc đã làm với nhóm Arabesque của anh ấy, gây tiếng vang gần đây với Chuyện kể những chiếc giày. Hay như Linh Nga với Vũ. Một nhóm múa riêng có vẻ dễ làm hơn, đỡ mất sức hơn và cũng dễ nổi tiếng hơn.

– Trước giờ sân khấu múa ở Việt Nam chỉ được trang hoàng theo kiểu văn nghệ quần chúng, có mấy cái đèn rồi dàn đội hình ra múa. Những người làm Chuyện kể những chiếc giày và Vũ rất hiểu 50% hiệu quả của một chương trình múa được quyết định bởi ánh sáng, âm thanh và âm nhạc. Hai vở này, theo tôi, đã tạo được 3 điểm nhấn quan trọng nhất trong múa là: âm thanh, ánh sáng và múa, điều trước nay các chương trình múa chưa làm được. Vũ được đầu tư rất lớn, Chuyện kể những chiếc giày có ý tưởng tốt và được hỗ trợ tối đa bởi các bạn của anh Lộc, những người giỏi trong ngành phim ảnh, ca nhạc, lại được PR rất tốt. Cả anh Tấn Lộc lẫn Linh Nga đều đã đặt được dấu ấn cá nhân lên các chương trình của họ.

Tôi chọn một con đường khác, bởi tôi biết không đâu tôi được hậu thuẫn tốt như ở nhà hát. Arabesque nhìn bề nổi thì rất tốt, nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu anh Lộc không có hậu thuẫn tốt. Arabesque mỗi năm chỉ làm được 1 chương trình, tận dụng lúc diễn viên ở nước ngoài được nghỉ thôi.

1157-capba

Các nghệ sĩ trên sàn tập vở múa đương đại Từ trường trong GĐMT. Ảnh: Khải Trí

Từng buôn nhà đất để nuôi múa* Về nước là anh không múa nữa, anh không thấy tiếc sao?

– Tôi đã múa 20 năm, giờ… già rồi (cười), chuyển sang làm biên đạo giống như chuyển sang một giai đoạn khác tất yếu.

* Tháng sau anh sẽ cưới, vợ cũng là diễn viên múa, anh sẽ đưa cô ấy về làm chung nhà hát chứ?

– Không. Cô ấy đang là solist của Nhà hát Quân đội với mức lương tốt đủ để tôi không phải lo cho cô ấy mà có thể chú tâm làm việc của mình. Vậy thì chẳng có lý do gì để cô ấy về nhà hát làm cùng tôi. Cô ấy cũng không còn ở cái tuổi có thể phấn đấu để tạo danh tiếng nữa. Với lại, vợ chồng không nên làm chung một chỗ (cười).

* Anh tính toán kỹ quá nhỉ, thế vợ anh có thoải mái với phép tính của anh không?

– Cô ấy hoàn toàn đồng ý và luôn ủng hộ tôi, chính cô ấy tự nói rằng công việc của cô ấy đang tốt, không nên thay đổi. Cùng là dân múa nên dễ hiểu và thông cảm với nhau hơn.

* Để vợ tự lo, nhất quyết không mở công ty ở ngoài để kiếm tiền, có vẻ như anh rất biết đủ?

– Từ nhỏ tôi đã không phải lo lắng nhiều về cuộc sống, lúc nào sau lưng cũng có bố mẹ hậu thuẫn. Tôi không múa minh họa để kiếm tiền vì tôi không quá khó khăn để phải kiếm tiền bằng mọi cách. Tuy nhiên, tôi cũng bươn chải nhiều chứ. Hồi mới vào Sài Gòn sống, tôi đã từng buôn nhà đất đấy. Nhưng chỉ buôn đến lúc đủ tiền mua một căn nhà đủ ở cho 2 anh em thế là dừng luôn, nếu cứ buôn tiếp có khi bây giờ tôi giàu to, có xe hơi đi rồi.

* Anh đang tiếc vì đã không làm thế?

– Không. Nếu cứ buôn đất thì làm gì còn tôi của ngày hôm nay. Múa cho tôi nhiều thứ mà ngay cả những người giàu không thể có. Tôi được đi khắp thế giới, vào xem những show diễn vĩ đại nhất ở những nhà hát danh tiếng nhất. Như thế là quá đủ, tôi hài lòng với lựa chọn của mình.

* Cảm ơn anh.

Thủy Phạm – Vân Anh (thực hiện)

(TT&VH Cuối tuần)

[wps_sphinx_related_posts format="title-image-content" words="100" head="Các thông tin khác" class="next-posts" quantity="5" read_more="Chi tiết"]

Speak Your Mind

*